Trong một chuyến rong ruổi về miệt núi Bà Đen, chúng tôi đã may mắn được tiếp kiến con người đã thành giai thoại ấy.
Đó là một người đàn ông dong dỏng cao, tóc đã phơi sương nhưng giọng nói vẫn âm vang, tiếng cười hào sảng và đi đứng nhanh nhẹn, hành động mau lẹ. Dường như năm tháng không khiến ông chậm lại là bao.
3 người chặn cả trung đoàn
Cách đây gần 50 năm, vào năm 1969, chàng trai 19 tuổi Phan Văn Trở với một lòng nhiệt huyết muốn cống hiến tuổi thanh xuân cho non sông đất nước, đã trực tiếp xin vào Công an. Dù khi đó học hành chưa hết cấp 1, nhưng Tư Trở lại có tài ăn nói và văn hay chữ tốt, nên lãnh đạo đã xếp cho anh làm văn thư. Tuy nhiên, với bản tính máu lửa, thích xông pha, Tư Trở một mực xin được vào lực lượng chiến đấu của Công an, chính là lực lượng Trinh sát Vũ trang Công an huyện Bến Cầu.
Rạng sáng ngày 30-4-1975, nhóm của ông Tư Trở nhận được tin báo có một Trung đoàn VNCH đang rút quân, với rất nhiều xe tăng và súng ống. Ngay lập tức, ông cùng 2 trinh sát dưới quyền đã ra đứng giữa đường chặn đầu quân địch, yêu cầu chỉ huy của họ ra gặp và tuyên bố: “Chúng tôi là đại diện phe chiến thắng, các anh là phe bại trận. Các anh không được đi lung tung, phải đóng quân lại để chờ nhận lệnh từ cấp trên của tôi”.
Có lẽ do cái uy của Giải phóng quân, phe VNCH đông đúc và đầy đủ khí tài quân sự tối tân như vậy lại răm rắp nghe theo lời điều động của 3 chiến sĩ trinh sát vũ trang trong tay chỉ có vài khẩu súng.
Sau khi Trung đoàn VNCH dựng trại, một người dân báo cho Tư Trở biết trong số quân lính VNCH có một Trưởng ty Cảnh sát Tây Ninh trước đây là Hoàng Tích Hữu Ái, đã có nhiều nợ máu với dân. Tư Trở lập tức cho người đi nhận diện và mời Hoàng Tích Hữu Ái về nhà mình. Tại đó, ông giam lỏng hắn và người tùy tùng trong một thời gian khá dài, đến khi lực lượng giải phóng hay tin đã gửi thư yêu cầu ông giải đến một địa điểm hẹn trước. Hoàng Tích Hữu Ái sau đó phải đi cải tạo 9-10 năm.
Với nhiều chiến công xuất sắc, vào năm 1977, ông Tư Trở được đề bạt làm Phó Trưởng Công an huyện Bến Cầu dù chỉ mới mang hàm Chuẩn úy. Đó cũng là một giai đoạn thử thách đối với Tư Trở, vì trình độ văn hóa anh không cao và trước đây chỉ quản 1 trung đội.
Thế như, khi về làm Phó Trưởng Công an huyện, anh phải chỉ huy một hai trăm CBCS dưới quyền với một vùng dân cư rộng lớn, nên công việc rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhờ trước đó từng được học qua một lớp tình báo và có thời gian phụ trách các trại cải tạo với số trại viên từ 200 - 300 người, cộng với khả năng nhạy bén và chịu khó học hỏi, Tư Trở đã lập được nhiều thành tích.
Năm 1981, ông được đề bạt làm Phó phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh Tây Ninh. Năm 1983, ông được cử đi Liên Xô học tập nghiệp vụ, đến năm 1984 trở về nước, tiếp tục công tác ở Phòng CSHS với vai trò Phó phòng phụ trách Đội trọng án. Thời đó, tội phạm nhiều nhưng không ghê gớm như bây giờ, chủ yếu là trộm cướp, hiếm khi có án giết người.
Trong thời gian công tác ở Phòng CSHS tỉnh, Tư Trở đã góp phần phá được nhiều vụ án tưởng chừng như bế tắc. Trong đó, có một số vụ đến nay ông vẫn còn nhớ rõ.
Những chuyên án đáng nhớ
Nhận được tin báo từ Công an xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên có một vụ án mạng xảy ra vào lúc 9 giờ tối, nạn nhân là một thiếu nữ tầm 18-19 tuổi. Vào tối hôm đó, nạn nhân ở nhà với một đứa em 2-3 tuổi, chợt bên hàng xóm nghe tiếng kêu cầu cứu, chạy sang thì nạn nhân đã bị đâm chết. Xét nghiệm tử thi, Công an phát hiện trong người nạn nhân có tinh trùng, nên cho rằng đây là vụ án hiếp dâm giết người. Tuy nhiên, việc điều tra theo hướng này kéo dài gần một tháng vẫn không có kết quả.
Đến ngày thứ 30, Tư Trở gọi Đội trưởng Đội Trọng án chở mình lên hiện trường. Khi đến nơi, Tư Trở đi hỏi dò la tin tức từ các nhà hàng xóm và phát hiện một chi tiết lạ. Đó là kế bên nhà nạn nhân có một người hàng xóm tên Thương đã rất tích cực trong việc lo hậu sự của nạn nhân.
Sau khi nạn nhân chết, Thương đã chủ động liên hệ với người thân của nạn nhân trở về làm ma chay, sau đó phụ giúp rất nhiệt tình, tuy nhiên sau khi ma chay xong người này cũng bỏ nhà đi luôn. Phát hiện có nghi ngờ, Tư Trở lệnh cho công an xã hễ phát hiện Thương trở về là phải bắt ngay.
Vừa hay chiều ngày hôm sau Thương trở về nhà. Tuy nhiên, khi bị cơ quan Công an mời lên làm việc đối tượng này rất gan lì, luôn né tránh các câu hỏi liên quan đến nạn nhân vụ án trên. Thế nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, Thương không còn đường chối cãi và khai ra sự thật.
Y cho biết lúc đầu qua nhà nạn nhân tính cạy tủ trộm tiền, nhưng bị phát hiện nên đâm nạn nhân đến chết. Về tinh trùng trong người nạn nhân, là do chiều hôm đó nạn nhân đã có quan hệ với bạn trai.
Một vụ án khác, đây là chuyên án đã giúp gia tăng uy tín của Công an Việt Nam đối với nước bạn Campuchia. Khi đó, vào khoảng 9-10 giờ đêm có tin báo người Campuchia cướp có vũ trang một tiệm vàng ở huyện Tân Biên, bắn bị thương một Công an xã, lấy đi gần 100 cây vàng và tiền mặt. Tiệm vàng đó nằm gần biên giới Campuchia, chỉ cách nước bạn một con sông, thường xuyên có người Campuchia qua buôn bán.
Từ hiện trường về, Công an tỉnh tập họp Trưởng Công an huyện Tân Biên, Phòng CSHS tỉnh, Biên phòng, Phó Giám đốc phụ trách làm trưởng ban, Tư Trở làm phó ban chuyên án, mời Phó Trưởng ty Cảnh sát Hoàng gia Campuchia tham gia Ban chuyên án. Lúc đó, dù chưa có tiền lệ, Tư Trở đề xuất cho sang tận Campuchia để điều tra. Lãnh đạo Công an tỉnh duyệt thông qua, và được sự đồng ý của bên Campuchia, nhóm của Tư Trở xuất phát ngay từ sáng sớm, gồm Tư Trở, một tài xế, một trinh sát và một phiên dịch.
Tuy nhiên, bên phía bạn đã làm lộ tin, nên các nghi phạm đã cao chạy xa bay, khiến nhóm của Tư Trở phải sang nằm vùng ở Campuchia suốt 3 tháng trời ròng rã, áp dụng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ. Đó là lần đầu tiên Công an Việt Nam sang nằm vùng tại Campuchia và hợp tác chặt chẽ với phía bạn để phá một chuyên án. Cuối cùng các nghi phạm của vụ án đã bị bắt giữ, dù chúng lẩn trốn sang tận Thái Lan, và thu lại được một phần số vàng bị cướp.
Nhắn nhủ lớp kế thừa
Năm 2009, khi về hưu, nhưng ông vẫn luôn trăn trở với ngành, với ước mong lực lượng CSHS ngày càng giỏi hơn, máu lửa và có trách nhiệm hơn. Thông qua chúng tôi, ông nhắn nhủ với những lớp lính hình sự kế thừa:
“Để thành CSHS giỏi cần phải học tập thường xuyên và liên tục, học thầy, học đồng chí/đồng đội, như vậy mới tích lũy được kinh nghiệm. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phải yêu nghề, phải hừng hực lửa, phải có trách nhiệm, công tâm. Ngoài học ở trường, người lính hình sự còn phải học ở người dân và luôn biết trau dồi đạo đức của mình, tôn trọng màu cờ sắc áo, phải làm sao để người dân tin tưởng”.
Ngoài ra, người cựu binh CSHS nhắn nhủ cần coi trọng đoàn kết nội bộ, không bao giờ được nghĩ rằng mình giỏi, mà phải tôn trọng đồng chí/đồng đội và tập thể. “Tuyệt đối không được chia rẽ theo phe nhóm, đoàn kết mới làm thành sức mạnh, giống như chuyện bó đũa và những chiếc đũa”, Tư Trở đúc kết.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3216 Trong tuần: 30 Trong tháng 178752 Tất cả: 16734832