Cụ thể, bốn bệnh viện tham gia chương trình hỗ trợ thuốc Glivec 100mg, Tasigna 200mg cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế giai đoạn 2015-2019 là Viện Huyết học và truyền máu trung ương sẽ được tiếp nhận 247.440 viên, Bệnh viện Chợ Rẫy 1.888 hộp, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM 1.603 hộp và Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM 4.804 hộp.
Việc tiếp nhận số thuốc Glivec viện trợ nói trên vừa được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký nghị quyết đồng ý cho bốn bệnh viện này được tiếp nhận thuốc viện trợ Glivec với hồ sơ nhập khẩu thực hiện theo quy định cũ (thông tư 47/2010/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc).
Nghị quyết được gửi hỏa tốc cho các thành viên Chính phủ, Bộ Y tế và các bệnh viện có liên quan.
Các hồ sơ xin thuốc đã được duyệt
Theo BS CK2 Phù Chí Dũng - giám đốc Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM, khi vừa nhận được văn bản này, để có thuốc sớm nhất phục vụ người bệnh, ngay trong sáng 16-1 bệnh viện đã nộp hồ sơ xin nhập thuốc viện trợ lên Sở Y tế TP và được ký duyệt ngay.
Bệnh viện đang thực hiện làm hồ sơ xin nhập thuốc ung thư viện trợ nhanh nhất có thể. Nếu các khâu thực hiện nhanh chóng thì một tuần nữa người bệnh sẽ có thuốc.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết sáng 16-1 đã nộp bộ hồ sơ lên Sở Y tế TP để hoàn tất thủ tục nhận thuốc viện trợ.
Theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, thuốc viện trợ đã nằm ở cảng, chỉ chờ các thủ tục hoàn tất là có thể nhận thuốc về, dự kiến một tuần nữa sẽ có thuốc về đến bệnh viện để cấp phát cho bệnh nhân.
Riêng ba bệnh viện nằm trong chương trình thuốc viện trợ còn lại (Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Trung ương Huế), do trước đó chưa gửi công văn yêu cầu cung cấp thuốc viện trợ Glivec và Tasigna cho nhà tài trợ Novartis, vẫn sẽ được điều phối thuốc theo nguồn thuốc viện trợ dành cho bốn bệnh viện đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam duyệt cho nhập theo quy định cũ.
Từng viên thuốc là cơ hội sống
Là tâm trạng chung của nhiều người bệnh ung thư bạch cầu mạn dòng tủy và nhiều chứng bệnh khác đang sử dụng Glivec và Tasigna ngày 16-1, sau khi thông tin bệnh viện có thuốc trở lại ngay trong tuần tới và bệnh viện sẽ không phải giảm liều điều trị cho bệnh nhân ngay từ giữa tuần này như dự kiến trước đó.
Một tháng trước, anh H., 48 tuổi ở Hà Nội, một bệnh nhân ung thư bạch cầu dòng tủy đang điều trị bằng Tasigna tại Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, cho hay anh và nhiều bệnh nhân cùng cảnh ngộ khác rất lo lắng vì thông báo bệnh viện sắp sửa hết Glivec và sẽ gặp khó khăn khi cấp phát thuốc cho bệnh nhân.
"Chỉ cần nghe tin cắt thuốc là chúng tôi xỉu"- anh H. nói. Anh cho hay mình bắt đầu uống Glivec từ năm 2014, rồi sau đó chuyển sang Tasigna.
Trước đó nữa anh dùng hóa chất dạng viên. Ban đầu khi được xác định mắc ung thư khi mới ngoài 40 tuổi, anh H. đã định buông xuôi, nhưng rồi bác sĩ khuyên nếu anh vượt qua được thời gian tham gia bảo hiểm y tế 3 năm liên tục và được chuyển sang dùng Glivec thì bệnh sẽ đỡ hơn nhiều.
Vậy là anh cố gắng để vượt qua, có những ngày miệng lở loét không ăn được gì, người nhà phải nghiền nhỏ thức ăn thành dạng cháo bột loãng anh cũng không nuốt nổi.
Những ngày anh không thể quên được đó cứ liên tục đến làm anh mệt nhoài, không đi làm nổi, nhưng rồi nhờ nỗ lực và cả may mắn anh vượt qua được, chuyển sang dùng Glivec.
"Tôi làm lao động tự do mỗi tháng chỉ được 5 triệu đồng chỉ đủ chi tiêu ở mức tằn tiện, trong khi tiền thuốc phải mất 500 triệu đồng/năm. Giờ tôi chỉ mong có thuốc điều trị ổn định để được sống"- anh H. tâm sự.
Anh H.C.C. ở Hải Phòng, một người bệnh cũng đang uống Tasigna, chia sẻ: "Tôi quý từng viên thuốc nhận được vì đây là cơ hội sống của những người bệnh như chúng tôi".
Không cắt giảm liều thuốc nữa
Ngay trong ngày 16-1, lãnh đạo Viện Huyết học và truyền máu T.Ư đã triệu tập một cuộc họp để thống nhất không phải cắt giảm liều Glivec cho bệnh nhân như dự kiến trước đó, mà bệnh nhân đang sử dụng Glivec đến hạn được cấp thuốc vẫn được cấp liều như thông thường từ 17-1 bằng thuốc "vay" tạm của bảo hiểm y tế, trong tuần tới thuốc viện trợ về thì bệnh viện sẽ hoàn trả phần vay này cho phía bảo hiểm.
Tại Viện Huyết học và truyền máu T.Ư hiện có trên 400 bệnh nhân đang điều trị bằng Glivec và Tasigna.
Theo thỏa thuận ba bên giữa Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN và nhà cung cấp thuốc, Quỹ bảo hiểm sẽ chi trả 40% tiền thuốc, 60% còn lại nhà cung cấp hỗ trợ thông qua viện trợ bằng thuốc.
Nhờ thỏa thuận này (thực hiện từ năm 2010) và sau đó được tái ký từ cuối 2015, hàng ngàn người bệnh đã được sống.
Theo Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, viện đang nhanh chóng hoàn tất thủ tục để nhận thuốc viện trợ, dự kiến tuần tới sẽ về tới VN.
Có thuốc rồi!
Anh B., người mới phát hiện mắc bệnh bạch cầu tủy mạn và đang điều trị tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM, cho biết những ngày vừa qua anh uống thuốc Glivec mua ở ngoài thị trường vì bệnh viện thông báo hết thuốc. Sáng 16-1-2018, anh được một bác sĩ gọi điện thông báo là chiều cùng ngày đến bệnh viện lấy thuốc Glivec.
"Tôi mừng muốn rơi nước mắt vì tôi được biết hiện nay nhiều bệnh viện đã cạn kiệt thuốc dành cho những người bệnh như tôi. Chúng tôi đang rất lo lắng không biết trong thời gian tới tình hình thuốc sẽ như thế nào vì không phải ai cũng kham nổi tiền mua thuốc" - anh B. nói.
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7224 Trong tuần: 2 Trong tháng 203370 Tất cả: 16759464