Hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược (Tổng Công ty dược Việt Nam).
Tổng công ty Dược được thành lập trên cơ sở sáp nhập các cục: Phân phối dược phẩm; Dược liệu; Quản lý sản xuất và bộ phận kinh doanh sản xuất hàng hóa chất, y dụng cụ, vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thuộc Cục Vật tư và Xây dựng cơ bản. Đất nước ngày càng phát triển, mô hình tổng công ty xuất hiện nhiều bất cập, không còn phù hợp, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định 79-HĐBT ngày 4-5-1982 về việc thành lập Liên hiệp Các xí nghiệp Dược Việt Nam. Đơn vị đã xây dựng chiến lược phát triển theo các phương châm: Lấy sản xuất là chính, trong đó sản xuất thuốc thành phẩm được đặt lên hàng đầu, chủ yếu là các thuốc generic, sau đó là các thuốc nhượng quyền và các thuốc từ dược liệu. Lấy dược liệu làm nền tảng, phát huy thế mạnh dược liệu trong nước, tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước và xuất khẩu. Lấy nghiên cứu khoa học làm mũi nhọn, các đơn vị ưu tiên đầu tư nghiên cứu và khai thác ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Lấy xuất, nhập khẩu làm động lực, tập trung những dược liệu thế mạnh, các loại tinh dầu kể cả các thành phẩm độc đáo, tạo nguồn thu ngoại tệ… Nhờ đó, tình trạng khan hiếm thuốc từng bước được cải thiện, doanh nghiệp cùng toàn ngành dược cả nước cung ứng đủ thuốc thiết yếu cho nhân dân.
Thực hiện Quyết định số 90/TTg ngày 7-3-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Y tế có quyết định thành lập Tổng công ty Dược Việt Nam trên cơ sở kế thừa tổ chức, bộ máy, con người và cơ sở vật chất của Liên hiệp Các xí nghiệp Dược Việt Nam. Ngay sau khi được thành lập, Tổng công ty triển khai ngay Dự án “Quy hoạch tổng thể đầu tư phát triển ngành Dược Việt Nam từ năm 1996 - 2010” với 11 chuyên đề. Trong giai đoạn này, Tổng công ty Dược Việt Nam đã chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên và các doanh nghiệp có vốn góp hoạt động có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho gần mười nghìn lao động, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tổng công ty tích cực giúp đỡ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thành viên duy trì mức tăng trưởng bình quân từ 15 đến 18%/năm. Đáng chú ý, từ năm 2003, các đơn vị thành viên bắt đầu thực hiện cổ phần hóa. Đến nay, tất cả doanh nghiệp thành viên đang trong giai đoạn cuối của cổ phần hóa theo đúng các quy định và lộ trình của Chính phủ, Bộ Y tế
đề ra.
Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Tổng công ty Dược Việt Nam đã hoàn thành là thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá thuốc, dự trữ thuốc quốc gia. Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, triển khai các giải pháp cơ bản để bình ổn giá thuốc như: đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cơ cấu, chủng loại, số lượng và chất lượng thuốc, đáp ứng cân đối cung cầu thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân; cung ứng đủ thuốc chống thiên tai, dịch bệnh.
Xác định lấy nghiên cứu khoa học làm mũi nhọn, các đơn vị trực thuộc luôn coi chất lượng là sự sống còn của doanh nghiệp. Vì vậy, ngay sau khi Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) và các tiêu chuẩn thực hành tốt (GP’s) khác, các doanh nghiệp trong Tổng công ty tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, nhà xưởng, kho, đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại để bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đến nay tất cả đơn vị trong Tổng công ty đã hoàn thành kế hoạch xây dựng đạt GP’s, được Bộ Y tế thẩm định và cấp giấy chứng nhận.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là từ khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường dược phẩm sẽ ngày càng mở rộng, không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước, mà còn rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia. Đây là cơ hội và là cánh cửa lớn để ngành dược Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thành viên Tổng công ty Dược Việt Nam nói riêng đẩy mạnh đầu tư, cải tiến và chuẩn hóa tiêu chuẩn sản xuất, chất lượng sản phẩm. Nắm bắt cơ hội này, Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên đang có những bước chuẩn bị, trong đó tập trung tiếp cận các công nghệ mới, cải tiến dây chuyền, quy trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, không chỉ phục vụ nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Thời gian tới, Tổng công ty Dược Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, phấn đấu để trở thành doanh nghiệp hàng đầu về phân phối dược phẩm với trình độ công nghệ cao và có thương hiệu nổi tiếng trong nước nằm trong nhóm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty hàng đầu của Việt Nam. Chiến lược đầu tư đã được xác định theo hướng dần tiến tới trực tiếp kinh doanh một số nhóm mặt hàng chủ yếu. Tổng công ty tiếp tục đầu tư mới các doanh nghiệp dược; đầu tư nhà máy liên doanh sản xuất nguyên liệu, bao bì thuốc, với mục tiêu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, đầu tư vào lĩnh vực chế biến và nuôi trồng dược liệu; hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu thử tương đương sinh học và đánh giá sinh khả dụng của thuốc, từng bước xây dựng hệ thống, mạng lưới phân phối của công ty mẹ. Cùng các đơn vị thành viên nhanh chóng tiếp cận các công nghệ hiện đại, công nghệ mũi nhọn (công nghệ nano, công nghệ tế bào gốc, công nghệ sinh học...); đồng thời giúp các đơn vị thành viên đầu tư các dự án, xây dựng nhà máy chiết xuất công nghệ mới, nhà máy sản xuất bao bì, nhà máy sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc...
Nguồn nhandan.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3596 Trong tuần: 14630 Trong tháng 266121 Tất cả: 17359685