Lúc mang thai và giai đoạn nhũ nhi là thời kỳ hình thành và phát triển nhanh nhất hệ thống thần kinh, đặt nền móng cho sự phát triển kỹ năng nhận thức – vận động, kỹ năng cảm xúc xã hội và các kỹ năng thiên tài khác trong suốt thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành. Vậy dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý thông qua hai khái niệm "Dưỡng chất vàng", "Thời gian vàng" rất cần hiểu tường tận và thực hành chính xác để tạo điều kiện tốt nhất cho não trẻ phát triển hoàn mỹ nhất có thể.
Dưỡng chất vàng – Thời gian vàng
Là những dưỡng chất cần thiết cho cả mẹ và con trong quá trình chuẩn bị, mang thai và những năm tháng sau sinh. Chúng phải được cung cấp đúng, đủ, đều (đúng về thời gian, đủ về liều lượng và đều về tần suất). Nếu để lỡ nhịp hay khiếm khuyết các yếu tố nêu trên thì không có cơ hội thứ hai cho sự phát triển tối ưu hệ thần kinh của trẻ.
Vài điều cần biết trong từng giai đoạn phát triển hệ thống thần kinh.
Khoảng 22 ngày sau khi thụ thai, các tấm phôi thần kinh bắt đầu gấp vào trong, hình thành ống thần kinh, phát triển dần để cuối cùng trở thành não và tủy sống. Quá trình này cần acid folic, đồng và vitamin A.
Bảy tuần sau khi thụ thai, sự phân chia tế bào bắt đầu trong ống thần kinh, tạo ra hệ thống thần kinh hoàn chỉnh bao gồm 5 quá trình:
1. Tăng sinh tế bào thần kinh (chất xám), quá trình này bắt đầu từ tuần 7 thai kỳ và tăng tốc đến khoảng 4-5 tháng sau sinh. Sau đó nó vẫn diễn ra chậm hơn và kết thúc ở tuổi trưởng thành.
2. Tăng trưởng sợi trục và tua gai (chất xám). Đối với sợi trục, chúng bắt đầu tăng trưởng vào tuần thứ 7 thai kỳ và liên tục phát triển đến ít nhất 2 năm sau khi sinh. Tuy nhiên ở một số vùng não thì sợi trục phát triển hoàn chỉnh ở tuần 15 và 32 của thai kỳ. Về phần tua gai, chúng bắt đầu phát triển ở tuần 15 và kết thúc sau sinh 2 năm.
3. Xây dựng, chỉnh sửa và hình thành chức năng các khớp thần kinh (synapse). Quá trình này bắt đầu từ khoảng tuần 23 thai kỳ xuyên suốt đến hết vòng đời. Tùy theo vùng đặc thù của não mà mật độ các khớp thần kinh đạt mức cao nhất tại những thời điểm khác nhau. Vùng thị giác đạt mức đỉnh trong khoảng tháng 4 – 12 sau sinh và vùng thùy trước trán vào tháng thứ 15 sau sinh. Quá trình chỉnh sửa nhằm hoàn thiện các khớp thần kinh lỗi diễn ra song song và kéo dài đến tuổi trưởng thành.
4. Myêlin hóa, bản chất là chất trắng bao quanh sợi trục giúp tăng tốc độ dẫn truyền thần kinh. Myêlin hóa xảy ra từ tuần thứ 12 – 14 thai kỳ và liên tục đến tuổi trưởng thành. Tốc độ myêlin hóa mạnh nhất trong giai đoạn từ giữa thai kỳ đến 2 năm sau sinh. Trước khi sinh, quá trình myêlin hóa mạnh ở các vùng não liên quan chức năng định hướng, cân bằng và sau khi sinh là các vùng nghe, nhìn và khả năng về ngôn ngữ chữ viết.
5. Tự chết theo chương trình, là một quá trình loại trừ các tế bào thần kinh lỗi hay các tế bào có xu hướng biệt hóa, phát triển theo hướng có hại. Quá trình này diễn ra từ khi mang thai đến tuổi trưởng thành nhờ một số hoạt chất dinh dưỡng thần kinh từ não như BDNF (brain-derived neurotrophic factor), IGF-1 (insulin-like growth factor-1)...
Dưỡng chất vàng
Nhóm dưỡng chất 1: Chứa acid folic (vitamin B9), đồng và vitamin A là những hoạt chất hỗ trợ quá trình biệt hóa, phát triển, từ phôi thần kinh thành ống thần kinh, một bộ phận mà từ đấy các thành tố của hệ thần kinh được hình thành. Quá trình này diễn ra rất sớm, từ khoảng tuần 4 – 7 của thai kỳ.
Thực phẩm bổ sung acid folic là gan, lòng đỏ trứng, họ đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau củ họ cải, chuối, cam...; bổ sung đồng là thịt, trứng, sữa, thủy sản...; bổ sung vitamin A là sữa, gan, trứng, cá...
Nhóm dưỡng chất 2: Chứa Vitamin nhóm B, B1(thiamine), B2 (riboflavin), B3 (niacin hay niacinamide), B5 (acid pantothenic), B6 (pyridoxine, pyridoxal, hay pyridoxamine, hay pyridoxine hydrochloride), B7 (biotin, vitamin H), B9 (acid folic), B12 (các loại cobalamin), giúp tăng sinh tế bào gốc thần kinh, tế bào thần kinh chính và đệm từ ống phôi thần kinh trong những tuần đầu thai kỳ; hỗ trợ phát triển phân nhánh đuôi gai ở tân võ não và tiểu não, tăng sinh các khớp thần kinh ở võ não và các khớp thần kinh đặc biệt ở thể vân và hỗ trợ tổng hợp myêlin.
Thực phẩm bổ sung vitamin nhóm B: Các loại ngũ cốc, gạo lứt, các loại rau xanh, trứng, thịt gà, trái cây họ cam quýt, các loại hạt như lạc, hạt điều, óc chó, đậu đỏ hạt to, chuối, vitamin B5 có mặt trong hầu hết các loại thực phẩm.
Nhóm dưỡng chất 3: Dinh dưỡng giàu đạm và giàu năng lượng để tránh tình trạng suy dinh dưỡng protein năng lượng và suy dinh dưỡng bào thai. Tình trạng suy dinh dưỡng này có thể gây ra hậu quả là giảm số lượng, khối lượng tế bào thần kinh, sợi trục, tua gai, khớp thần kinh cũng như chất xám võ não. Bên cạnh đó, thiếu protein – năng lượng cũng gây ra giảm quá trình myêlin hóa và làm giảm các chất dinh dưỡng thần kinh từ não như BDNF (brain-derived neurotrophic factor), IGF-1 (insulin-like growth factor-1)
Thực phẩm giàu đạm và năng nượng: Thịt, trứng, cá, sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại hạt, các loại đậu, rau quả có vị ngọt, béo…
Nhóm dưỡng chất 4: Chứa chất béo không bảo hòa chuỗi dài, đặc biệt là DHA (Docosahexaenoic Acid), ARA (Arachidonic Acid) và Omega 3-6-9. Các acid béo này giúp tổng hợp các phospholipid màng, một thành phần quan trọng của tế bào, màng các khớp thần kinh và là thành phần chủ yếu trong cấu trúc myêlin. Thực phẩm bổ sung chất béo: Sữa, hải sản và các loại dầu – mỡ cá, trứng, đậu, các loại hạt...
Nhóm dưỡng chất 5: Chứa chất sắt, rất cần để tổng hợp Ribonucleotide reductase, là một loại men qui định việc phân chia tế bào thần khinh trung ương. Thiếu sắt có thể giảm kích thước não, giảm sợi trục, ngắn đuôi gai vùng hồi hải mã, một cấu trúc dưới võ của thùy thái dương giữ vai trò trong việc học tập, định hướng và trí nhớ dài hạn. Ngoài ra, thiếu sắt còn làm giảm khớp thần kinh và các chất dẫn truyền thần kinh tại khớp cũng như giảm quá trình tổng hợp myêlin.
Thực phẩm bổ sung sắt: Sữa, trứng, cá và hải sản, thịt, gan, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, rau lá màu xanh đậm...
Nhóm dưỡng chất 6: Chứa iốt, tham gia vào quá trình tổng hợp hoóc môn điều chỉnh sự phát triển của hệ thần kinh trung ương. Đã có bằng chứng cho thấy thiếu iốt làm tăng tỷ lệ thai chết lưu và suy giáp sơ sinh, giảm trọng lượng não và tổng hợp myêlin, giảm phân nhánh đuôi gai và khớp thần kinh ở vùng thị - thính giác và tiểu não.
Thực phẩm bổ sung iốt: Rau chân vịt, rau cần, hải sản, muối biển, muối ăn có iốt, trứng...
Nhóm dưỡng chất 7: Chứa kẽm, giữ vai trò tổng hợp DNA phục vụ quá trình phân chia tế bào và là thành tố của nhiều loại men quan trọng trong hoạt động của não. Thiếu kẽm sẽ dẫn đến tình trạng giảm số lượng và khối lượng tế bào não ở khu vực tiểu não, hệ viền và võ não; giảm quá trình phân nhánh đuôi gai và điều tiết hoạt động chức năng ở các khớp thần kinh và hạn chế hoạt tính của các hoóc môn tăng trưởng.
Thực phẩm bổ sung kẽm: Sữa, trứng, cá, thịt, ngũ cốc nguyên hạt, đậu...
Nhóm dưỡng chất 8: Chứa cholin, giúp tăng sinh tế bào gốc, tham gia vào quá trình kích thích phân chia tế bào thần kinh và là tiền chất của các chất dẫn truyền thần kinh. Cholin giúp kiểm soát quá trình tự chết theo chương trình. Tất cả ảnh hưởng của thiếu cholin thai kỳ sẽ khó phục hồi.
Thực phẩm bổ sung cholin: Sữa, trứng, cá, thịt, gan, hải sản, đậu, rau...
Theo: tuoitre.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4190 Trong tuần: 4238 Trong tháng 219891 Tất cả: 16775982