Các bác sĩ khám bệnh và hướng dẫn người dân huyện Bắc Yên cách chăm sóc sức khỏe.
Ðây là hoạt động hằng năm thuộc Chương trình phối hợp triển khai hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo giai đoạn 2014 - 2017 giữa T.Ư Hội CTÐ Việt Nam, Bộ Y tế, Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam và T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Chương trình có chủ đề "Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng", chỉ tiêu mỗi năm phấn đấu khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho ít nhất một triệu lượt người, gồm các đối tượng: người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách; ưu tiên các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Phó Chủ tịch HÐND huyện, Chủ tịch Hội CTÐ huyện Bắc Yên, Luồng Duy Bân cho biết: Bắc Yên là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La, nằm trong số 63 huyện nghèo của cả nước, có số dân hơn 64 nghìn người và có bảy dân tộc cùng sinh sống. Người Mông chiếm 42,7%, Thái 31%, Mường 18% còn lại là dân tộc Khơ Mú, Tày, Kinh. Hiện, Bắc Yên có 152 bản, tiểu khu, trong đó có 101 bản nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Phiêng Ban là một trong 15 xã đặc biệt khó khăn của huyện, mặc dù nằm sát thị trấn và gần trục quốc lộ 37. Những năm qua, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được quan tâm hơn trước, với ba đơn vị y tế gồm: Bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện trang, thiết bị còn thiếu thốn.
Là người con của huyện, tốt nghiệp Trường đại học Y Thái Bình năm 2015, bác sĩ Mùa A Cơ, dân tộc Mông, ở bản Pa Cơ Sáng A, xã Hang Chú trở về quê và làm việc tại bệnh viện đa khoa huyện Bắc Yên. Bác sĩ Cơ cho biết: Ðây là lần đầu tôi được tham gia đoàn thầy thuốc tình nguyện của bệnh viện huyện về khám bệnh cho người dân, cũng là dịp để tôi học hỏi thêm kinh nghiệm từ các bác sĩ tuyến tỉnh. Mùa A Cơ mong muốn được tham gia nhiều chương trình hơn nữa, đến các thôn, bản để giúp đồng bào các dân tộc phát hiện bệnh sớm, có cách điều trị ngay tại chỗ.
Theo gia đình lên Sơn La lập nghiệp từ nhỏ, bác sĩ Ðàm Tuyết Mai đã gắn bó với Bệnh viện huyện Bắc Yên 24 năm và nhiều lần tham gia các đoàn thầy thuốc tình nguyện do bệnh viện, hoặc do các đơn vị hảo tâm tổ chức. Chuyến đi nào cũng đầy cảm xúc. Bác sĩ Mai cho biết, tâm lý của người dân trong huyện là ngại đi xa, chủ quan với bệnh tật; mỗi lần bị bệnh là cho rằng mình bị ma ám và mời thầy cúng về làm lễ. Chỉ khi nào bệnh nặng, thầy cúng bó tay thì người dân mới chịu đến bệnh viện; nhiều người chết oan vì những bệnh rất đơn giản. Với kinh nghiệm của mình, cùng tập thể các thầy thuốc tuyến tỉnh, huyện và sự hỗ trợ của máy siêu âm, qua khám và chẩn đoán bệnh, nhiều người được phát hiện bệnh sớm và có phương án điều trị kịp thời.
Sau khi được siêu âm tim, gan, ông Bạc Văn Hồi, 60 tuổi, ở bản Lào Lay biết mình mắc nhiều bệnh: huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, tim cũng có vấn đề. Ông Hồi nói: "May là có đợt khám bệnh, tư vấn này, tôi mới thấy rõ sức khỏe của mình. Có giấy hẹn của bác sĩ rồi, tới đây thu xếp xong công việc gia đình, tôi sẽ đi điều trị".
Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, bà Lò Thị Khiên, ở bản Cang hăng hái tham gia đoàn dân công tải đạn và lương thực, góp phần vào chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Giờ đây ở tuổi 74, nhiều căn bệnh tái phát làm lưng và chân bà bị đau. Vì vậy, những lần bác sĩ tổ chức về xã khám bệnh cho người dân là niềm hạnh phúc đối với bà, vì không những được tặng thuốc mà còn được bác sĩ giải thích rõ hơn về tình trạng bệnh, hướng dẫn cụ thể cách phòng, tránh. Bà Khiên cho biết: "Gia đình tôi thuộc diện chính sách, được tặng nhà tình nghĩa, được tặng bò sinh sản. Mỗi lần có đoàn bác sĩ về khám bệnh là các cán bộ lại ưu tiên, thật cảm động trước tấm lòng của Ðảng, Nhà nước dành cho chúng tôi".
Năm nay, với chủ đề "Hành trình tri ân" hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7) và thiết thực chào mừng Ðại hội Hội CTÐ Việt Nam lần thứ 10, Chương trình được triển khai đồng loạt ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, phấn đấu đạt ít nhất 30% số chỉ tiêu của năm. Trong đó, Ban Chỉ đạo T.Ư tập trung chỉ đạo điểm tại mười tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ, Hải Dương, Phú Yên, Gia Lai, Ðồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng, với các hoạt động thiết thực nhằm chăm sóc sức khỏe, tri ân các gia đình chính sách, gia đình thương binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đối tượng nghèo, cô đơn. Ðến thời điểm này, Chương trình đã đạt 50% chỉ tiêu" - đồng chí Trần Thị Hồng An, Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTÐ Việt Nam, Chủ tịch Ban chỉ đạo, cho biết.
Chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng do T.Ư Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) Việt Nam, Bộ Y tế, Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam, T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức bước sang năm thứ tư. Chương trình đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 4,4 triệu lượt người; tư vấn sức khỏe cho hơn 1,9 triệu lượt người; vận động trao hơn 2,5 triệu suất quà, với tổng giá trị hơn 908 tỷ đồng. Chương trình đã thu hút sự tham gia của 52.649 lượt y, bác sĩ, dược sĩ; 61.268 lượt điều dưỡng, kỹ thuật viên và 94.788 lượt tình nguyện viên.
Nguồn nhandan.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2909 Trong tuần: 114530 Trong tháng 443600 Tất cả: 17988593