GS, TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế.
Ngày 26-6 vừa qua, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến đã ký công văn gửi các cơ sở y tế trên cả nước yêu cầu không lạm dụng phương pháp gây tê tủy sống khi thực hiện phẫu thuật lấy thai. Tuy nhiên, tinh thần nội dung công văn này làm nhiều bà mẹ, nhiều phụ nữ đang và sắp làm mẹ chưa hiểu thấu đáo, chia sẻ những thông tin gây hoang mang dư luận.
Phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc phỏng vấn GS, TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế để có một cái nhìn khoa học về câu chuyện nên hay không nên sử dụng phương pháp gây tê tủy sống khi phẫu thuật lấy thai.
- Thưa Thứ trưởng, với tỷ lệ rất cao các phụ nữ được can thiệp mổ bắt con được sử dụng phương pháp gây tê tủy sống. Tuy nhiên, vừa qua, Bộ Y tế có ban hành công văn đề nghị các cơ sở y tế không lạm dụng phương pháp gây tê tủy sống trong phẫu thuật lấy thai khiến có một luồng ý kiến trên mạng xã hội hiểu chưa đúng và cho rằng Bộ Y tế quyết định cấm phương pháp này. Xin Thứ trưởng cho ý kiến về vấn đề này ạ?
Không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới, kỹ thuật giảm đau khi mổ lấy thai chủ yếu bằng phương pháp gây tê tủy sống với tỷ lệ áp dụng là trên 95%. Đối với các trường hợp đặc biệt không áp dụng gây tê tủy sống chỉ rơi vào khoảng dưới 5%.
Do đó, tôi xin khẳng định, thông tin mà dư luận đang hoang mang, nhất là các bà mẹ, các sản phụ là do chưa hiểu hết tinh thần của công văn.
Tôi xin đính chính ngay, đây không phải là văn bản cấm gây tê tủy sống trong mổ lấy thai vốn dĩ đã áp dụng từ trước tới nay mà là không áp dụng gây tê tủy sống cho một số trường hợp có nguy cơ dễ bị tai biến trong lúc mổ lấy thai.
Đó là các trường hợp sản phụ bị rau bong non, rau tiền đạo chảy máu nhiều, sản giật, tiền sản giật, rối loạn chức năng các cơ quan mặt.Những trường hợp đó cần gây mê nội khí quản mới bảo đảm an toàn cho sản phụ. Trên 95% các sản phụ khỏe mạnh bình thường trong lúc mang thai thì hoàn toàn có thể gây tê tủy sống để mổ lấy thai.
- Từ thực tiễn của ngành sản khoa, xin Thứ trưởng có thể phân tích 5% các thai phụ có sức khỏe không tốt trong lúc mang bầu như rau bong non, sản giật, tiền sản giật… sẽ gặp những phản ứng nào nếu các cơ sở y tế vẫn tiến hành gây tê tủy sống để mổ bắt con?
Những trường hợp đặc biệt, nếu áp dụng gây tê tủy sống sẽ rất nguy hiểm. Đã có trường hợp trong lúc mổ đẻ gây chảy máu, băng huyết, tụt huyết áp, thậm chí có trường hợp ngừng tim… nguy hiểm cho tính mạng, việc xử trí rất khó khăn.
Ngay tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đã có trường hợp sản phụ tử vong do biến chứng gây tê tủy sống. Nếu xảy ra sự cố khi gây tê tủy sống thì ngay cả ở những bệnh viện đầu ngành về sản khoa, nhiều khi cấp cứu còn không kịp.
Chúng tôi nhìn rõ nguy cơ đó sẽ xảy ra, đặc biệt đối với các bệnh viện ở tuyến thấp hơn, nếu sử dụng phương pháp gây tê tủy sống với những sản phụ này mà chậm trễ trong hồi sức khi có sự cố, thiếu phương tiện hồi sức cấp cứu, làm sản phụ ngừng tim trên bàn mổ, gây rối loạn đông máu thì nguy cơ tử vong cho người mẹ rất cao. Nếu chủ quan, sẽ phải trả giá đắt cho việc mổ lấy thai cho những sản phụ này bằng gây tê tủy sống.
Vì thế, Lãnh đạo Bộ Y tế phải chỉ đạo rất sát sao các cơ sở y tế, từ nhiều năm trước và Công văn mới nhất ngày 26-6 vừa qua, có tính chất nhắc nhở các cơ sở y tế, cần thận trọng và nghiêm túc hơn để tránh xảy ra những tai biến đáng tiếc.
Trong quá trình triển khai thực tiễn, chúng tôi cũng yêu cầu các cơ sở có vấn đề gì phải báo cáo về Bộ Y tế. Vì thế, có những đơn vị sản khoa ở các địa phương không đủ điều kiện máy móc, nhân lực để tiến hành gây mê nội khí quản cho sản phụ đối với những trường hợp đã nêu trên thì bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên để bảo đảm an toàn cho cuộc sinh nở cũng như hồi sức cho các sản phụ.
- Về phương pháp gây tê tủy sống trong phẫu thuật lấy thai nhi mà nhiều bà mẹ vẫn hoang mang cho rằng mình gặp không ít phản ứng phụ như đau lưng, mệt mỏi sau khi phẫu thuật. Xin Thứ trưởng hãy phân tích kỹ hơn, để các thai phụ nếu cần phải phẫu thuật bắt con có thể yên tâm về phương pháp này?
Như tôi đã nói, phương pháp này được áp dụng rộng rãi cho khoảng 95% các thai phụ khi được chẩn đoán cần phải phẫu thuật để mổ lấy thai.
Với sự phát triển của nền y học hiện nay, cụ thể là việc sử dụng kim rất nhỏ trong việc gây tê tủy sống, hầu như không để lại những di chứng cho các sản phụ.
Trước đây, chúng ta sử dụng phương pháp gây tê tủy sống với kim to dễ bị rò dịch não tủy, dẫn tới những di chứng đau đầu, đau gáy sau khi mổ.
Do đó, tôi xin trấn an các bà mẹ, các chị em phụ nữ đang mang bầu mà khỏe mạnh, không rơi vào các trường hợp đặc biệt, nếu được bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật lấy thai thì hãy yên tâm với phương pháp gây tê tủy sống.
- Với 5% sản phụ được khuyến cáo nên dùng phương pháp gây mê nội khí quản để bắt con, có cần lưu ý đặc biệt gì khi dùng phương pháp này để mổ không, thưa Thứ trưởng?
Gây mê nội khí quản không được sử dụng cho trường hợp sản phụ ăn no. Nếu phải mổ cấp cứu thì nên hút sạch thức ăn ở dạ dày mới được gây mê nội khí quản. Do đó, nếu bác sĩ ngại phiền toái không hút thức ăn ở dạ dày vẫn gây mê cho bệnh nhân thì cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây ra trào ngược cho sản phụ.
Do đó, nếu ca mổ đẻ không phải là cấp cứu thì sản phụ sẽ được tư vấn là không nên ăn trước ca mổ sáu giờ đồng hồ để thức ăn tiêu hóa hết, không gặp biến chứng khi gây mê nội khí quản.
Đối với trường hợp sản phụ vừa có bệnh lý nêu trên kèm theo hen phế quản không thể gây mê nội khí quản mà cần gây tê tủy sống, thì tôi khuyến cáo các cơ sở y tế cần phải lường trước được những biến chứng có thể xảy ra, chuẩn bị sẵn sàng có thể cấp cứu được để tránh nguy hiểm cho sản phụ trong cuộc mổ.
Xin cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến!
Nguồn nhandan.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 35 Trong tuần: 36 Trong tháng 470940 Tất cả: 18015924