Chỉ sau chưa đầy một năm phát hiện ở Brazil, đến nay virus Zika đã từ một mối đe dọa không đáng kể chuyển sang mức báo động bởi sự lan truyền rất nhanh căn bệnh “dị tật đầu nhỏ” khiến đầu của trẻ sơ sinh có kích thước nhỏ hơn bình thường và não không phát triển đầy đủ.
Đã có hơn 20.000 người Colombia bị lây nhiễm Zika, tăng gấp đôi chỉ trong một tuần qua. Ở Mỹ cũng đã có hàng chục trường hợp mắc Zika được phát hiện và tất cả đều là những người đã đi ra nước ngoài. Vì thế, Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ đã khuyến cáo tất cả phụ nữ có thai, có thể mang thai đều không nên đi đến các nước và vùng lãnh thổ đang có dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dù hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan tới virus Zika, nhưng sự lây truyền virus này tại Thái Lan khiến chúng ta càng thêm lo ngại dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam, khi Thái Lan ở gần Việt Nam và có các giao thương, du lịch khá phổ biến.
Hơn nữa, sự đi lại, lao động giữa Việt Nam và các nước khác cũng nhiều, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, càng lo lắng hơn khi virus Zika lây lan qua loại muỗi vằn là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết vốn có nhiều ở Việt Nam, đồng thời, dịch sốt xuất huyết lại đang xảy ra ở nước ta nhiều tháng qua. Do đó, chỉ cần có mầm bệnh xâm nhập vào nước ta thì dịch bệnh sẽ lây lan và trở nên khó kiểm soát.
Để ứng phó với dịch bệnh do virus Zika, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng các bước ứng phó kiểm soát, trong đó, vấn đề rất quan trọng là chẩn đoán bệnh. Để chẩn đoán đúng, cần làm 2 phương pháp là chẩn đoán huyết thanh và chẩn đoán phân tử.
Cũng cần phải lưu ý, chẩn đoán huyết thanh sẽ có thể dẫn tới sai số nên chúng ta cần hướng tới chẩn đoán phân tử. Tuy nhiên ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, khẳng định Việt Nam hiện tại đủ năng lực chẩn đoán virus Zika.
Hiện nay, Việt Nam chưa có trứng dương (trứng của muỗi mang virus Zika) nhưng trong vài ngày tới, Việt Nam sẽ có mẫu trứng này để phục vụ công tác xét nghiệm.
Việt Nam có khả năng xét nghiệm được virus Zika. |
Hiện chưa có vaccine phòng virus Zika, cũng như chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm phát hiện và điều trị bệnh này, nên đây sẽ là một khó khăn của chúng ta trong việc phòng, chống dịch.
Vì thế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các cán bộ y tế, khi có trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, nhưng xét nghiệm lại cho kết quả âm tính với sốt xuất huyết thì phải nghĩ ngay tới khả năng nhiễm virus Zika để tiến hành ngay các xét nghiệm chẩn đoán bệnh, đồng thời báo về Bộ Y tế để có hướng xử lý kịp thời, khống chế và ngăn chặn dịch.
Trước tình hình bệnh do virus Zika gây ra ngày càng đáng lo ngại về tốc độ lây lan cũng như hậu quả của bệnh, ngày 31-1, Bộ Y tế đã phải có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chủ động tăng cường chống dịch bệnh Zika, nhằm hạn chế tác động của dịch này tới xã hội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, các Sở Y tế cần triển khai tốt hoạt động kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế; giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, đặc biệt là những người đi về từ vùng đang có dịch để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và cách ly, xử lý kịp thời.
Các Sở Y tế cũng cần tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng, như phòng chống dịch sốt xuất huyết đã và đang diễn ra, để hạn chế sự phát triển của muỗi Aedes –loại muỗi truyền bệnh Zika, nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do virus Zika có thể lây lan nhanh khi xâm nhập vào Việt Nam.
Một vấn đề được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý các Sở Y tế là phải phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh việc truyền thông phòng, chống dịch bệnh do virus Zika tại các khu vực cửa khẩu và tại cộng đồng, lưu ý những người đi về từ vùng dịch về cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng ít nhất 12 ngày và phụ nữ mang thai nên hạn chế đến các khu vực có dịch và cần tham vấn cán bộ y tế khi nghi ngờ bị nhiễm virus Zika.
Các tỉnh cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cho công tác phòng, chống bệnh do virus Zika, gồm nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, giường bệnh để có thể triển khai ngay khi có dịch xâm nhập.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các Sở VH-TT&DL, Sở Du lịch thông báo cho các đơn vị tổ chức du lịch để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch do virus Zika cho hành khách khi tới các vùng có dịch. Sở Thông tin-Truyền thông các tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng cũng cần phối hợp với ngành Y tế để triển khai các hoạt động tuyên truyền tới người dân về các biện pháp phòng, chống dịch Zika.
Ngày 1-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp, đánh giá tình hình và đưa ra một kiến nghị cho Tổng Giám đốc Margaret Chan. Trong tuần này, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới sẽ quyết định việc có công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hay không.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1048 Trong tuần: 41913 Trong tháng 293408 Tất cả: 17386966