Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em tại Trạm Y tế xã miền núi Ðồng Sơn, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.
Nhờ thực hiện hiệu quả chương trình TCMR, Việt Nam đã đạt được những mục tiêu cam kết quốc tế: thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Ngoài ra, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đều giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần, như: bệnh sởi (giảm 319 lần); bệnh bạch hầu (giảm 104 lần); bệnh ho gà (giảm 80,9 lần)…
Ðến năm 2018, đã có 12 loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình TCMR. Công tác tiêm chủng được thực hiện tại tất cả các xã trên toàn quốc; số xã triển khai tiêm chủng thường xuyên trong năm 2017 là 11.148 xã, chỉ còn 63 xã có tổ chức tiêm chủng định kỳ. Những xã có tổ chức tiêm định kỳ thường ở khu vực miền núi, vùng xa, hải đảo tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang. Cả nước có tổng số 15.865 điểm tiêm chủng, trung bình có 1,4 điểm tiêm chủng/xã; tại những vùng khó khăn, tỷ lệ còn cao hơn, như: khu vực trung du miền núi phía bắc (2,2 điểm/xã); khu vực Tây Nguyên (2,4 điểm/xã). Tại những vùng khó tiếp cận, việc triển khai điểm tiêm chủng ngoài trạm để đưa dịch vụ tiêm chủng đến gần với cộng đồng là cần thiết.
Trên cơ sở thành quả đã đạt được của giai đoạn trước, từ năm 2016, chương trình TCMR phấn đấu tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc-xin cho trẻ dưới một tuổi đạt hơn 95% trên quy mô toàn quốc. Ðồng thời tập trung các hoạt động để nâng cao chất lượng tiêm chủng như: tăng cường chất lượng công tác quản lý đối tượng tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng; công tác quản lý và bảo quản vắc-xin để bảo đảm vắc-xin luôn có chất lượng tốt, giảm hao phí vắc-xin và bảo đảm an toàn tiêm chủng. Giám sát, hỗ trợ đối với những vùng gặp nhiều khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Theo GS, TS Ðặng Ðức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Giám đốc Ban quản lý dự án TCMR quốc gia, hoạt động tăng cường chất lượng công tác tiêm chủng ở Việt Nam trong thời gian tới bao gồm: tiếp tục xây dựng và ban hành các tài liệu thực hành chuẩn về TCMR, tập huấn về kỹ năng thực hành chuẩn thức cho cán bộ y tế. Xây dựng và phổ biến quy định, hướng dẫn chuyên môn trong lĩnh vực TCMR. Thường xuyên tổ chức đào tạo, huấn luyện và huấn luyện lại cho cán bộ chuyên trách tại các tuyến, kể cả cán bộ làm tiêm chủng trong bệnh viện và các cơ sở y tế. Phát triển và hoàn thiện phần mềm trực tuyến để quản lý đối tượng tiêm chủng, vắc-xin, vật tư và tỷ lệ tiêm chủng, bảo đảm tính chính xác, cung cấp thông tin kịp thời.
Tăng cường kiểm tra giám sát, kể cả việc nâng cao năng lực của hệ thống giám sát các bệnh trong TCMR. Trong đó, tập trung giám sát bệnh liệt mềm cấp để phát hiện vi-rút bại liệt hoang dại xâm nhập (nếu có) sớm nhất. Luôn sẵn sàng ứng phó đối với sự xâm nhập của vi-rút bại liệt hoang dại để bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt. Phối hợp việc giám sát chết sơ sinh tại các bệnh viện cùng với giám sát liệt mềm cấp và theo dõi các bệnh khác trong TCMR. Ở những xã có trường hợp mắc uốn ván sơ sinh, tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ nếu cần thiết. Triển khai các hoạt động tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, như tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ca nghi sởi, lấy đủ mẫu huyết thanh gửi về phòng thí nghiệm của khu vực. Chủ động trong công tác phòng, chống dịch của địa phương, tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin sởi bổ sung cho các đối tượng nguy cơ trong vùng nguy cơ khi cần thiết.
Duy trì và củng cố hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng, thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế trong việc giám sát, phản ứng sau tiêm chủng. Tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản, vận chuyển vắc-xin an toàn, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch quốc gia, triển khai hoạt động về bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị trong hệ thống dây chuyền lạnh ở các tuyến để bảo đảm sự hoạt động ổn định, liên tục của hệ thống. Bổ sung trang thiết bị mới để hệ thống dây chuyền lạnh luôn hoạt động tốt, giúp bảo quản và vận chuyển phù hợp với các loại vắc-xin theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.
Tổ chức truyền thông cho cộng đồng, nhất là bậc cha, mẹ về lợi ích của TCMR. Có kế hoạch truyền thông cụ thể đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng như cộng đồng người dân tộc thiểu số để khuyến khích thực hiện tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch.
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhằm huy động nguồn viện trợ từ chính phủ các nước, tổ chức quốc tế cho công tác TCMR. Theo đó, vận động Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí, sinh phẩm, dụng cụ cho hoạt động bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, giám sát sởi, giám sát các bệnh khác trong TCMR (Viêm não Nhật Bản, hội chứng rubella bẩm sinh, viêm màng não, tiêu chảy cấp do vi-rút rota…). Vận động Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động để duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh và hỗ trợ nâng cao chất lượng, tỷ lệ tiêm chủng ở một số vùng khó khăn…
Nguồn nhandan.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6693 Trong tuần: 40824 Trong tháng 89218 Tất cả: 17634112