Sáng nay (5/4), Bộ Y tế đã công bố 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại Việt Nam. Cả 2 đều là phụ nữ, trong đó trường hợp bệnh nhân 33 tuổi tại TP.HCM đang mang thai 8 tuần.
Đặc biệt chú ý trong 3 tháng đầu thai kì
Theo các chuyên gia, với người khỏe mạnh, khi nhiễm Zika có thể tự khỏi hoặc chỉ có các biểu hiện bệnh nhẹ, tuy nhiên với thai phụ, có nguy cơ thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Theo PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc BV Phụ sản TƯ, khi mắc hội chứng đầu nhỏ, trẻ sinh ra không tử vong nhưng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thần kinh và vận động. Tuy nhiên để xác định thai nhi bị đầu nhỏ có phải do virus Zika hay không sẽ cần phải theo dõi cả quá trình, vì cũng có trường hợp đầu nhỏ do tính chất gia đình.
PGS.TS Trần Danh Cường (ngoài cùng bên phải) tại buổi họp báo sáng nay. |
"Đến nay cũng chỉ mới nghi ngờ sự liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ với Zika chứ chưa có khẳng định chắc chắn. Ở Brazil, tỉ lệ phụ nữ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng đầu bé cũng chỉ khoảng 10% nên người dân không nên quá lo lắng", PGS Cường trấn an.
Ông Cường cho rằng, dù chưa có bằng chứng chắc chắn nhưng vì có yếu tố liên quan nên việc phòng và phát hiện hội chứng đầu nhỏ ở phụ nữ mắc virus Zika là vô cùng cần thiết trong 3 tháng đầu, còn khi từ tháng thứ 4 trở lên, các cơ quan thai nhi đã hình thành khi đó nguy cơ sẽ thấp hơn.
PGS Trần Danh Cường cho rằng người dân không nên quá hoang mang về hội chứng đầu nhỏ vì tỉ lệ mắc thấp và tại Việt Nam có thể siêu âm phát hiện sớm được |
Thai nhi nhỏ đầu do Zika: Nên đình chỉ thai nghén
Ông Cường cũng khẳng định: Tại Việt Nam, việc chẩn đoán hội chứng đầu nhỏ không khó, có thể phát hiện nhờ siêu âm sau đó đo đường kính lưỡng đỉnh và chu vi đầu định kỳ 2 tuần/lần.
Đây là kỹ thuật tương đối phổ thông, ngay cả y tế tuyến huyện, xã cũng có thể làm được. Ngành y tế đã tập huấn kỹ thuật đo như thế nào để kết luận thai nhi mắc chứng đầu nhỏ.
Trường hợp phát hiện nghi ngờ sẽ chuyển tiếp đến trung tâm chẩn đoán trước sinh của các vùng, làm đi làm lại nhiều lần, sau đó so sánh với kích thước phát triển chuẩn của tuổi thai.
"Khi phát hiện thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ do Zika nên dừng thai nghén. Một số nước không cho nhưng ở Việt Nam thì được. Trước khi quyết định ngừng thai nghén, sẽ cần phải hội chẩn cụ thể từng trường hợp và tùy theo lựa chọn của gia đình", PGS Cường khuyến cáo.
Theo ông, việc ngừng thai nghén sẽ tùy thuộc theo tuổi thai, nếu phát hiện trước 22 tuần, việc quyết định ngừng thai nghén rất dễ, nhưng nếu muộn hơn 32 tuần thì việc đình chỉ là khó khăn, nhiều nguy cơ cho mẹ.
Những thai phụ nào nên xét nghiệm Zika? Ông Cường khuyến cáo: Việt Nam đã ghi nhận trường hợp mắc Zika nhưng không phải phụ nữ mang thai nào cũng cần làm xét nghiệm. "Chúng tôi chỉ khuyến cáo phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu tại vùng có dịch, có các triệu chứng như sổ mũi, viêm kết mạc, sốt, nổi ban... mới cần tiến hành xét nghiệm. Nếu kết quả dương tính, sẽ tập trung theo dõi hội chứng đầu nhỏ", PGS Cường nhấn mạnh. Hiện cả nước có 11 đơn vị có khả năng chuyên môn để xét nghiệm Zika, trong đó có Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Trung tâm YTDP Hà Nội... |
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6817 Trong tuần: 7049 Trong tháng 258540 Tất cả: 17352105