Đánh giá mức độ chấn thương để đưa ra phương án điều trị cho người bệnh tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).
Xe cấp cứu liên tục, liên tục đưa người bệnh vào Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức). Người từ Sơn La, Bắc Giang, Tuyên Quang chuyển về; người từ Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam chuyển lên… luôn trong trạng thái không được lành lặn, thậm chí có người rơi vào hôn mê… Từ lâu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức luôn là “điểm nóng” về cấp cứu ngoại khoa trong các dịp lễ, Tết, cho nên dù trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán nhưng bệnh viện đã phải huy động tối đa y, bác sĩ, thiết bị, mở thêm phòng mổ để xử lý kịp thời các ca cấp cứu.
Các kíp trực đều quay cuồng với công việc cấp cứu, phân loại người bệnh, ca chấn thương nhẹ được chuyển đến các bệnh viện khác để tránh tình trạng quá tải.
Bác sĩ Vũ Văn Hà, trưởng tua trực ngày 20-2 (mồng 5 Tết) cho biết, số ca cấp cứu chỉ ít trong ngày mồng 1 Tết, còn lại đều khá cao, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận cấp cứu từ 130 đến 170 người bệnh, trong đó 80% số ca cấp cứu là do tai nạn giao thông (TNGT) và 60% số người cấp cứu có nồng độ cồn trong cơ thể… Việc cấp cứu những trường hợp TNGT do uống rượu, bia rất vất vả bởi khi nhập viện, người bệnh thường kích thích, bất hợp tác. Mặt khác, người bệnh uống rượu, bia có tình trạng tổn thương não cũng khiến bác sĩ khó xác định nguyên nhân... Với các trường hợp này, các bác sĩ chỉ duy trì chức năng sống để chờ một, hai ngày, người bệnh tỉnh cơn say rượu mới xác định được chính xác nguyên nhân và đưa ra phương án xử lý. Thống kê cho thấy, trong sáu ngày Tết vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận khám, cấp cứu cho 829 người bệnh, trong đó có nguyên nhân do TNGT là 677 trường hợp, đặc biệt có tới 373 người bị chấn thương sọ não… Mỗi ngày các bác sĩ ở đây phải mổ cấp cứu khoảng 40 ca, trong đó nhiều trường hợp rất nặng, như chấn thương sọ não, ngực, mạch máu, ổ bụng… Số ca cấp cứu các bệnh nội khoa cũng đông không kém. Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) Dương Đức Hùng cho biết, số ca cấp cứu tăng cả về số lượng người bệnh cũng như mặt bệnh… nhưng vẫn tập trung ở các bệnh về hô hấp, tim mạch, cơ xương khớp, đường tiêu hóa. Nếu như hết ngày 13-2 (28 Tết), bệnh viện có gần 900 người bệnh điều trị nội trú thì đến ngày 20-2 con số đó đã tăng lên 1.466 người. Quan sát của chúng tôi chiều 20-2, toàn bộ 42 cáng, 35 giường cấp cứu và năm xe đẩy của Khoa Cấp cứu A9 đều đã có người bệnh. Bác sĩ Lương Quốc Chính cho biết, 34 bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc liên tục để phân loại, đánh giá, xử trí các ca bệnh. Những người bệnh qua cơn nguy kịch được chuyển ngay vào các khoa, trung tâm trong bệnh viện để lấy chỗ sẵn sàng tiếp nhận người bệnh mới. Trong sáu ngày qua, Khoa Cấp cứu A9 đã tiếp nhận cấp cứu cho 637 người bệnh, trong đó chuyển khám chuyên khoa là 37 trường hợp, chuyển các khoa khác điều trị là 424 người bệnh và chuyển viện 80 người… Đáng chú ý, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, số người bệnh ngộ độc rượu nhập viện giảm so với Tết năm trước thì số ca ngộ độc thuốc diệt cỏ lại gia tăng đột biến. Từ ngày mồng 1 Tết đến nay, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 13 trường hợp ngộ độc chất Paraquat do uống thuốc diệt cỏ, trong số 37 người bị ngộ độc nhập viện điều trị. Các bác sĩ của Trung tâm Chống độc tỏ rõ sự lo lắng, vì qua thực tế điều trị thì 70% số người ngộ độc Paraquat là không cứu sống được.
Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, số người bệnh nhập viện cấp cứu tăng từ 20% đến 30% so với ngày thường. Ở khu vực tiếp nhận của Khoa Cấp cứu, các giường bệnh gần như không còn chỗ trống; hơn mười nhân viên y tế trực cấp cứu đều tất bật kiểm tra sức khỏe và phân loại người bệnh. Những trường hợp nặng cần can thiệp được nhanh chóng chuyển đến phòng phẫu thuật. Trong những ngày Tết, mỗi ngày Khoa Cấp cứu đều đón từ 25 đến hơn 30 người bệnh cấp cứu, trong đó có nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông đa chấn thương và chấn thương sọ não. Trong khi đó, Khoa Gây mê hồi sức A liên tục đón tiếp người bệnh nặng và bị tai nạn giao thông từ Khoa Cấp cứu chuyển đến. Đội ngũ y, bác sĩ ở đây phải “căng mình” làm việc, không kể giờ giấc. Ngoài việc lo cấp cứu hồi sức hơn 50 người bệnh nặng ở lại trong dịp Tết, đội ngũ y, bác sĩ còn phải tập trung cho những ca bệnh mới. Thống kê cho thấy, từ ngày 29 tháng Chạp đến mồng 5 Tết, khoa đã tiếp nhận hơn 60 trường hợp bị tai nạn đa chấn thương và chấn thương sọ não phải phẫu thuật… Thông tin từ lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng tiếp nhận 257 trường hợp cấp cứu do TNGT, chủ yếu là xe máy va chạm nhau hoặc tự ngã do sử dụng rượu, bia, phóng nhanh, vượt ẩu; chạy xe quá tốc độ cho phép; lấn làn đường; không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, một số trường hợp không sử dụng mũ bảo hiểm.
Báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các cơ sở y tế trên địa bàn đã tiếp nhận 16.500 người bệnh đến khám, chữa bệnh, cấp cứu. Trong số này có gần 1.500 người phải nhập viện điều trị vì tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, có 300 trường hợp đánh nhau dẫn tới phải nhập viện điều trị. Đáng chú ý, số tai nạn do pháo nổ đã tăng vọt so với Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017… Các bệnh viện trên địa bàn cho nhập viện điều trị nội trú 10.487 người bệnh; thực hiện 1.676 ca phẫu thuật... Ghi nhận tại nhiều bệnh viện tuyến thành phố, cũng như tuyến quận, huyện, số người bệnh nhập viện luôn trong tình trạng khá đông, nhưng đều được tiếp đón, xử lý kịp thời… Các bệnh viện đã cấp cứu kịp thời cho nhiều trường hợp nguy kịch, kể cả trường hợp là người nước ngoài bị tai nạn giao thông, do bất đồng ngôn ngữ, dẫn đến khá vất vả trong quá trình làm thủ tục và phối hợp điều trị, làm các xét nghiệm và phẫu thuật. Ngay trong ngày mồng 3 Tết, các bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức đã thực hiện thành công ca phẫu thuật, bóc toàn bộ khối u tử cung nặng tới 4 kg cho một người bệnh từ Bạc Liêu chuyển lên.
Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, trong những ngày Tết, các đơn vị trực thuộc ngành y tế TP Cần Thơ tổ chức trực 24/24 giờ; các bệnh viện trên địa bàn và các quận, huyện tổ chức tốt việc cấp cứu, khám, chữa bệnh cho nhân dân; bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí giường bệnh, phương tiện và đội ngũ y, bác sĩ để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Sáu ngày qua, các cơ sở y tế trên địa bàn TP Cần Thơ khám bệnh, cấp cứu cho hơn 4.000 người bệnh, tăng 30% so với dịp Tết năm 2017. Số ca cấp cứu nhiều nhất vào hai ngày mồng 2 và mồng 3 Tết chủ yếu liên quan đến tai nạn giao thông, đánh nhau gây thương tích, ngộ độc rượu bia, các bệnh của người già và trẻ em… Trong đó, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ (Bộ Y tế) là nơi tiếp nhận nhiều ca cấp cứu nhất. Các bệnh viện phải tăng cường đội ngũ y, bác sĩ, cơ sở vật chất bảo đảm cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bệnh.
Số liệu báo cáo nhanh của Bộ Y tế cho thấy, trong sáu ngày Tết (từ 14 đến 20-2), tất cả 1.300 bệnh viện trong cả nước đã tổ chức thường trực bốn cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho hơn 218 nghìn người bệnh, nhập viện điều trị nội trú gần 143 nghìn trường hợp, thực hiện hơn 14 nghìn ca phẫu thuật; đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón thêm hơn 19 nghìn em bé chào đời… Trong đó, khám, cấp cứu do TNGT là hơn 37 nghìn trường hợp, không tăng so với sáu ngày nghỉ Tết Đinh Dậu năm 2017, nhưng số lượt nhập viện điều trị nội trú lại tăng 12,8%; tăng cao trong hai ngày mồng 3 và mồng 4 Tết. Tổng số trường hợp chết do tai nạn giao thông (bao gồm cả chết trước khi đến bệnh viện) là 168 trường hợp, giảm nhẹ so với 175 trường hợp trong 6 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017. So với Tết năm trước, các cơ sở y tế cũng tiếp nhận 197 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ (tăng 28,4%); 75 trường hợp nhập viện do chất nổ khác (tăng 46,7%); cấp cứu cho 4.184 người do đánh nhau, giảm 19,2% số ca so với dịp Tết Đinh Dậu năm 2017, nhưng số ca phải nhập viện điều trị nội trú lại tăng 14,6%... Các bệnh viện cũng tiếp nhận khám, cấp cứu 3.075 người ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, trong đó 810 người ngộ độc (say) rượu; 468 người ngộ độc thức ăn tự chế biến, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm.
Theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pa-xtơ, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố, trung tâm kiểm dịch quốc tế và các đơn vị liên quan trong dịp Tết Nguyên đán cả nước không ghi nhận người nhiễm cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), vi-rút Zika. Từ ngày 14 đến 20-2, cả nước ghi nhận 168 ca mắc sốt xuất huyết, 100 ca mắc tay chân miệng, một ca mắc bệnh liên cầu lợn, sáu ca sốt phát ban nghi sởi, hai ca viêm màng não do não mô cầu, một ca mắc bệnh ho gà, bốn ca viêm não vi-rút... Trên toàn quốc cũng không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra cũng như không có người chết do ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các bữa tiệc đông người. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp rối loạn tiêu hóa, say rượu được ghi nhận tại các cơ sở điều trị. (Nguồn: Bộ Y tế ) |
Nguồn nhandan.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2891 Trong tuần: 16953 Trong tháng 202036 Tất cả: 17746970