Trong số 276 vụ án kể trên thì tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt phải thu hồi là 1.916,1 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã thực hiện các biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ 1.379 tỷ đồng - được khoảng 72% số cần phải thu hồi. Số tiền các bị can tự nguyện giao nộp là 1.367 tỷ đồng - chiếm khoảng 99,2%...
Nhiều vụ được thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Điển hình như vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra ra tại Trường Tiểu học Giồng Ông Tố thu hồi 7,597 tỷ đồng, đạt 100%; vụ án Lê Thị Thúy Vinh can tội “Tham ô tài sản”, xảy ra tại Trạm y tế TP Thủ Đức, thu hồi 890 triệu đồng (100%); vụ án Phan Văn Duyệt và đồng phạm can tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty Đông Phương, Công ty Tâm Phú Tài và một số trường học trên địa bàn huyện Củ Chi, thu hồi 14,47 tỷ đồng (100%)…
Đặc biệt, vụ án “Tề Trí Dũng và đồng phạm can tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản”, xảy ra tại Công ty Sadeco, thu hồi 1.138 tỷ đồng/1.141 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 99,7%) ngay trong quá trình điều tra vụ án…
Các vụ án còn lại không áp dụng được biện pháp để thu hồi là do một số nguyên nhân như: Đối với một số vụ án về tham nhũng, chức vụ thì qua kết quả xác minh cho thấy bị can không còn tiền, tài sản nào khác hoặc vụ án đang điều tra, xác minh, chưa khởi tố bị can, đang truy tìm tài sản nên chưa phong tỏa, kê biên, lại thu hồi. Các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, tổng số tiền phải thu hồi là 1.591,3 tỷ đồng (5 vụ án). Và đến nay số tiền do bị can, bị cáo tự khắc phục hoặc thực hiện kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong các vụ án này được 1.305,7 tỷ đồng/1.591,3 tỷ đồng.
Như vậy, số tiền, tài sản thiệt hại chưa thu hồi được còn 285,37 tỷ đồng. Trong số này, vụ án Tề Trí Dũng và đồng phạm “Tham ô tài sản, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (TPC) còn 2 tỷ đồng bị chiếm đoạt do các đối tượng tham ô, sử dụng đi du lịch trái quy định, đến nay vẫn chưa được nộp tiền khắc phục; Vụ án Tề Trí Dũng và đồng phạm “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại dự án An Phú Tây còn 122 tỷ đồng thiệt hại do các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội phải bồi thường cho ngân sách.
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” do Trần Công Thiện và đồng phạm thực hiện, xảy ra tại Công ty TNHH MTV ĐT&XD Tân Thuận còn 68,04 tỷ đồng thất thoát chưa thu hồi; vụ “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” do Diệp Dũng thực hiện, xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) còn 73,33 tỷ đồng thất thoát, nhưng trong quá trình điều tra xác minh cho thấy bị can không còn tiền, tài sản nào khác để áp dụng biện pháp phong tỏa, kê biên, tạm giữ, thu hồi…
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, ngay từ đầu, khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng phạm tội đã có ý thức che giấu, tẩu tán tài sản do phạm tội mà có nên khó thu hồi; đối tượng tham nhũng, tiêu cực thường dùng tiền chiếm đoạt đầu tư vào các hoạt động phi pháp chưa được thừa nhận như đầu tư tiền ảo, cờ bạc… dẫn đến cơ quan điều tra chưa thể áp dụng các biện pháp thu hồi được.
Hiện nay chưa có cơ chế hữu hiệu nhất để kiểm soát thu nhập/tài sản, nguồn hình thành tài sản của người dân để công tác xác minh tài sản hợp pháp của cá nhân liên quan đến nghi vấn rửa tiền, sử dụng nguồn tiền phạm tội mà có, từ đó gây khó khăn công tác kê biên thu hồi; cơ quan chủ quản về quản lý tài sản như ngân ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên-môi trường... chậm cung cấp tài liệu, thông tin về tài sản, tiền theo yêu cầu của cơ quan điều tra cũng gây ảnh hưởng đến việc kê biên, thu hồi tài sản...
Về nguyên nhân chủ quan, Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng một số điều tra viên, cán bộ điều tra thụ lý nhiều vụ án cùng lúc, áp lực từ công tác xác minh điều tra lớn nên chủ yếu tập trung thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, mở rộng điều tra vụ án, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, dẫn đến thời gian cho công tác xác minh, kê biên, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong vụ án bị hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra sáu giải pháp, trong đó có việc đề nghị sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự về việc cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp để kê biên, phong tỏa tài sản ngay trong giai đoạn xác minh đơn báo tố giác tội phạm để tránh việc tẩu tán tài sản trước khi vụ án được khởi tố; có hướng dẫn về việc kê biên đối với tài sản là vốn góp, cổ phần; có cơ chế giảm thiểu quy định sử dụng tiền mặt trong giao dịch thanh toán nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý tài sản; cần bổ sung quy định về thu hồi tài sản thất thoát đã chuyển hóa thành tiền điện tử…
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4490 Trong tuần: 29333 Trong tháng 50550 Tất cả: 16605734