Ngày xét xử thứ hai, Chủ tọa phiên toà hỏi bị cáo Giang nhiều vấn đề về cách thức hoạt động của Công ty Liên Kết Việt cũng như Công ty BQP, liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 6.053 bị hại, trong đó có nhiều bị hại ở vùng sâu, vùng xa bị lừa hết tài sản.
Bị cáo Giang khai, năm 2014 Công ty Liên Kết Việt được Sở Công thương TP Hà Nội cấp giấy phép cho hoạt động kinh doanh đa cấp. Thời gian đầu, người tham gia cần đóng 7 triệu đồng, về sau tăng lên 8,6 triệu đồng để mua một mã sản phẩm gồm: máy khử độc Ozonne và một số sản phẩm thực phẩm chức năng. Khi công ty mới đi vào hoạt động, mô hình kinh doanh diễn ra bình thường, lượng khách hàng chỉ vài trăm người. Đối với mỗi khách hàng thực hiện giao dịch, công ty của Giang đều xuất hàng hóa cho khách và trả hoa hồng đúng theo cam kết.
Bị cáo Lê Xuân Giang |
“Tuy nhiên sau này, công ty phát triển quá nhanh, ngoài trình độ quản lý nên bị cáo lúng túng, không biết cách kiểm soát thế nào”, Giang trình bày. Cũng theo lời khai của Giang, tính đến tháng 11-2015, Giang cùng các bị cáo đồng phạm lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia vào hệ thống đa cấp Liên Kết Việt, với tổng số tiền lên tới gần 2.100 tỉ đồng. Số tiền trên, Giang sử dụng hơn 869 tỉ đồng để chi hoa hồng, gần 100 tỉ đồng để sản xuất hàng hóa và chi trả cho hoạt động khác. Còn lại hơn 1.100 tỉ đồng, các bị cáo chiếm đoạt.
HĐXX hỏi bị cáo Giang“Bị cáo có nhớ công ty thu của các bị hại bao nhiêu tiền, có biết nhiều người ở tận vùng sâu vùng xa gom góp tất cả tài sản để tham gia, đến nay bị thiệt hại, thậm chí phải trốn biệt?”. Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Giang cho rằng, đây là sân chơi bình đẳng, người dân không chỉ vùng sâu, vùng xa mà ở bất cứ đâu cũng có thể tự nguyện tham gia vì họ thấy có cơ hội tốt để có thêm thu nhập tốt và để làm giàu. Giang biện minh “Công ty của bị cáo chỉ có một vài lỗi nhỏ do thiếu hiểu biết”. Giang lý lẽ rằng, bị cáo muốn làm ăn chân chính, bài bản, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Nhưng do một số cá nhân muốn trục lợi nên cố tình khuếch trương về công ty, khiến người khác hiểu sai về mô hình hoạt động của công ty.
Cáo trạng xác định, tổng số tiền mà Công ty Liên Kết Việt chi ra để khuyến mại, thưởng, hoa hồng nhằm lôi kéo bị hại là hơn 65% tổng số tiền thu được. Con số này vượt quá mức quy định lên đến hơn 25% (tối đa không được vượt quá 40%). Ngoài ra, các chương trình khuyến mại nêu trên đều không được đăng ký với Bộ Công thương và có nội dung trái pháp luật.
Bản chất mô hình kinh doanh của bị cáo Giang và đồng phạm là đa cấp kim tự pháp, lấy tiền của người sau trả cho người trước, chứ không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng thu lợi nhuận, trên cơ sở lợi nhuận để trả cho người tham gia. Giải thích việc chi hoa hồng vượt quy định, bị cáo Giang cho rằng, do trình độ hiểu biết của bản thân hạn chế, cứ nghĩ mục đích đơn giản là để kích cầu, cho khách hàng hưởng nhiều còn công ty hưởng ít thôi cũng được.
Trả lời HĐXX về một số quyết định, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh (cơ quan điều tra xác định là giả-PV) do đâu mà có? bị cáo Giang thừa nhận, Công ty Liên Kết Việt, Công ty BQP và các cá nhân trong công ty không hề được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tặng bằng khen.
Giang khai, năm 2014, bị cáo có đi lễ chùa và gặp nhà sư Phạm Văn Út (hiệu đạo là Thích Phước Từ). Nhà sư này nói, có thể giúp Giang làm bằng khen của Thủ tướng cho tập thể và một số cá nhân trong công ty. Thấy vậy, bị cáo Giang hướng dẫn nhà sư ghi tại “Điều 1” của các quyết định, bằng khen với nội dung “đã có nhiều thành tích phát triển kinh tế và hoạt động từ thiện xã hội từ năm 2010-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Sau khi thống nhất với nhà sư những nội dung trên, Giang đưa cho nhà sư này 31 triệu đồng. Nhà sư này đưa 2,7 triệu đồng cho một chủ cửa hàng phô tô trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) để nhờ đánh máy, phô tô, scan màu. Sau khi có được bằng khen giả, Giang chỉ đạo các bị cáo khác tổ chức sự kiện rầm rộ đón nhận; chỉ đạo bộ phận văn phòng công ty scan các bằng khen, quyết định giả đưa lên website, đóng khung và treo các hình ảnh này tại trụ sở toàn hệ thống.
Quá trình điều tra, nhà sư Phạm Văn Út khai báo thành khẩn và đã tự nguyện nộp lại số tiền 31 triệu đồng nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhà sư này. Đồng thời có công văn đề nghị Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hình thức xử lý đối với nhà sư Phạm Văn Út. Ngày 11-1-2018, Hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam có văn bản thông báo về việc đã thi hành kỷ luật đối với Đại đức Thích Phước Từ (thế danh Phạm Văn Út).
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3262 Trong tuần: 46489 Trong tháng 197415 Tất cả: 17290975