Mở rộng, liên kết, hợp tác - xu hướng tất yếu
Trong một thế giới biến đổi khó lường, nhiều cuộc xung đột chưa tìm được giải pháp gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội, ngày càng nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển muốn gia nhập các tổ chức liên kết không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi thế giới. Ngược lại, các tổ chức, thể chế cũng muốn mở rộng quy mô để tăng cường tiếng nói, ảnh hưởng quốc tế nhằm củng cố vai trò và vị thế của mình trong các vấn đề toàn cầu.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Indonesia tháng 5/2023, đã thông qua lộ trình kết nạp Timor Leste làm thành viên chính thức. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng 7/2023, chính thức kết nạp Iran và đưa ra lộ trình kết nạp Belarus trong thời gian tới. Tháng 8/2023, nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) nhất trí mời 6 quốc gia Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất gia nhập từ năm 2024. Tháng 9/2023, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Ấn Độ, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã mở rộng quy mô khi trao tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). Trước đó, Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO.
Việc nhiều tổ chức khu vực và quốc tế đồng loạt mở rộng, kết nạp thêm thành viên phản ánh những thay đổi sâu sắc, toàn diện của cục diện thế giới và khu vực. Thế giới biến chuyển không ngừng đã và đang làm lộ rõ các thách thức và rủi ro đối với môi trường an ninh toàn cầu, từ các điểm "nóng" xung đột đến dịch bệnh, biến đổi khí hậu... đang tạo ra mối đe dọa đối với sự tồn tại, phát triển chung của toàn nhân loại mà không một quốc gia đơn lẻ nào có đủ sức mạnh và nguồn lực để có thể một mình giải quyết. Việc liên kết, hợp tác để có thể hoạch định các chính sách, cùng hành động, cùng ứng phó với các thách thức và cùng phát triển... trở thành yêu cầu cấp thiết.
Bên cạnh đó, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã và đang đẩy mạnh quá trình hợp tác, liên kết, giúp hình thành nên nhiều trung tâm, tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế mới.
Kinh tế thế giới phục hồi nhưng chưa vững chắc
Những hệ lụy của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, Isarael - Hamas và căng thẳng Mỹ/phương Tây với Trung Quốc/Nga đã góp phần đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái lớn nhất kể từ cuộc suy thoái 2007-2008. Năm 2023, mặc dù hầu hết các nền kinh tế đều phục hồi và tăng trưởng nhưng là so với 2 năm tăng trưởng âm do đại dịch COVID_19 nên chưa giúp kinh tế thế giới khắc phục được đợt suy thoái lần này. Mặc dù, giới doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển hướng chuỗi cung ứng nhưng sẽ mất thời gian rất lâu để đi vào ổn định, dẫn đến các đơn đặt hàng không được thực hiện và thiếu hụt, yếu tố gây tăng giá và tình trạng thất nghiệp. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, một số tăng lãi suất khiến người tiêu dùng ngừng vay, dẫn đến giảm đáng kể đầu tư và mua sắm.
Trong khi các quốc gia thu nhập thấp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá năng lượng và lương thực tăng cao, chủ yếu do những cú sốc kinh tế của xung đột Ukraine, Dải Gaza, các nước giàu lại cùng nhau đưa ra những gói kích thích để giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua sóng gió. Bên cạnh đó, cách mạnh công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi phương thức sản xuất, quản lý cả trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho thế giới và các quốc gia.
Những điểm nóng chưa được giải quyết
Bắt đầu từ ngày 24/2/2022, trải qua gần 2 năm nhưng đến nay xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiện kết thúc, làm mất ổn định thị trường lương thực và năng lượng, cùng với những hệ lụy từ đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái lớn nhất kể từ suy thoái 2007-2008.
Nhiều quốc gia kêu gọi chấm dứt xung đột thông qua ngoại giao, nhưng đến nay, các cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho Ukraine đều chưa có kết quả khả quan. Dù cả Nga và Ukraine đều đã hứng chịu tổn thất nặng nề sau gần 2 năm giao tranh, hai bên đều không cho thấy dấu hiệu nhượng bộ nào. Tình hình xung đột tại Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, kéo theo mối quan hệ giữa Mỹ/phương Tây và Nga vẫn ở trạng thái đối đầu căng thẳng.
Trong lúc cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 2 năm chưa lắng dịu, ngày 7/10/2023, phong trào Hamas, nhóm Hồi giáo thánh chiến người Palestine nắm quyền kiểm soát Dải Gaza đã bất ngờ phát động cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay vào Israel. Phía Israel ngay lập tức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ra lệnh huy động tất cả lực lượng cảnh sát và an ninh tham gia cuộc chiến nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas. Israel cũng đã tiến hành các vụ không kích đáp trả vào các vùng lãnh thổ Palestine. Đến nay, xung đột đã khiến hàng chục nghìn người dân Palestine và Israel thiệt mạng. Đây được xem là đợt leo thang căng thẳng gây thương vong nặng nề nhất trong cuộc xung đột hàng thập niên qua giữa người Palestine và Israel. Ngày 9/10/2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres phát biểu bày tỏ phản đối các cuộc tấn công của Hamas và lo ngại về các hành động đáp trả của Israel đồng thời hết sức quan ngại về cuộc "bao vây hoàn toàn" khu vực này của Israel, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của hơn 2,3 triệu dân tại đây.
Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ "vững chắc" và cung cấp viện trợ phòng thủ cho Israel đồng thời coi hành vi của nhóm Hamas ở Palestine là "các cuộc tấn công khủng bố". Nga kêu gọi cả Hamas và Israel "lập tức thực thi một lệnh ngừng bắn", đồng thời nỗ lực phối hợp với các bên Israel, Palestine và các nhà nước Arab để thảo luận về tình hình bạo lực.
Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ/phương Tây với Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2023, nhất là trên lĩnh vực thương mại và công nghệ cao. Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ, nhiều công ty tư nhân nước này đang điều chỉnh chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời giảm đầu tư vào nước này khoảng 20% so với năm trước. EU cũng tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt về nguyên liệu thô và vi mạch. Ngoại trừ Canada, hầu hết các nước phương Tây đều dần từ bỏ hợp tác với những công ty viễn thông Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang tìm cách xây dựng một "nền kinh tế pháo đài" nhằm đưa đất nước thoát phụ thuộc vào đầu tư hoặc tài sản của Mỹ và phương Tây.
Một yếu tố quan trọng khác có thể ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc với Mỹ/phương Tây năm 2023 là sự phát triển của các liên minh khu vực, trong đó có AUKUS (Australia - Anh - Mỹ), nhóm Bộ Tứ (Australia - Ấn Độ - Nhật Bản - Mỹ). Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố sức mạnh quân sự của mình với tốc độ nhanh chóng, nhưng Mỹ cũng đang giúp các bên liên quan khác trong khu vực tăng cường năng lực vũ trang. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gần đây tuyên bố Washington "đã rút ra bài học từ cuộc xung đột ở Ukraine để giúp các đối tác ở khu vực tăng khả năng tự vệ".
An ninh năng lượng, lương thực, biến đổi khí hậu diễn biến xấu
Các cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas đã gây ra gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu, buộc hầu hết các quốc gia chú trọng hơn đến an ninh năng lượng. Châu Âu cũng phải khắc phục tình trạng thâm hụt sản xuất điện do các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng tại các nhà máy điện hạt nhân Pháp. Lo ngại Nga cắt khí đốt, Đức thậm chí còn khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than. Đối với dầu thô, ít có khả năng giá sẽ giảm hơn nữa khi các nhà sản xuất lớn, như Arab Saudi, sẽ chú ý đến lời kêu gọi không tăng sản lượng của Tổng thống Nga Putin. Các quốc gia sản xuất dầu mỏ không có động lực tăng nguồn cung, bởi giá cao đồng nghĩa doanh thu lớn hơn với sản lượng thấp hơn.
Biến đổi khí hậu, xung đột, các biện pháp cấm vận, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thời gian qua tác động nhất định đến tình hình an ninh lương thực trên toàn cầu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, việc Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen ảnh hưởng đến triển vọng an ninh lương thực toàn cầu và làm gia tăng nguy cơ lạm phát giá lương thực, ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm cho các quốc gia có thu nhập thấp vốn phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc từ Ukraine, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á. Trong khi đó, tháng 7 vừa qua, Ấn Độ, Nga và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất tuyên bố ngừng xuất khẩu gạo với lý do đảm bảo an ninh lương thực trong nước đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực toàn cầu về lâu dài, đặc biệt là ở khu vực châu Á, châu Phi và Trung Đông.
Theo các nhà quan sát, dự báo năm 2024 tiếp tục chiều hướng phức tạp, có thể phát sinh những vấn đề mới. Kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng gặp nhiều khó khăn, thách thức, có thể xảy ra suy thoái cục bộ ở một số quốc gia, khu vực. Cạnh tranh các nước lớn vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, tăng cường triển khai các sáng kiến tập hợp lực lượng và tranh giành ảnh hưởng gay gắt với nhau, tác động nhất định đến ổn định và an ninh khu vực cũng như thế giới. Các vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước cũng như môi trường an ninh quốc tế. Mặc dù vậy, hầu hết các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều nhận thức được những nguy cơ và thách thức nêu trên nên sẽ tăng cường hợp tác, liên kết một cách có trách nhiệm trong thời gian tới nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề quốc tế quan trọng để hướng tới một thế giới hòa bình và ổn định hơn.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 5042 Trong tuần: 18612 Trong tháng 638527 Tất cả: 16130779