Cạnh tranh xuất khẩu
Theo số liệu phân loại thương mại tiêu chuẩn quốc tế (SITC) do Cơ sở dữ liệu thống kê thương mại của Liên hợp quốc (UN Comtrade) công bố, chỉ số chuyên nghiệp hóa thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã có những thay đổi: Kể từ năm 2012, quan hệ cạnh tranh xuất khẩu giữa Trung Quốc và ASEAN không ngừng được tăng cường, cho dù năm 2021, sau khi dịch bệnh bùng phát, xu hướng này vẫn không thay đổi.
Xét từ góc độ SITC, Trung Quốc có lợi thế về thị trường xuất khẩu trong ba ngành nghề lớn là hàng hóa cuối cùng được phân loại theo nguyên vật liệu, máy móc thiết bị giao thông vận tải và các thành phẩm phụ, và đã hình thành quan hệ cạnh tranh rõ rệt với ASEAN trên thị trường xuất khẩu trong ngành máy móc thiết bị vận tải và các thành phẩm phụ. Tuy nhiên, hiện tại chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu (RCA) của Trung Quốc trong 2 ngành này vẫn cao hơn ASEAN, điều này có nghĩa là năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các ngành liên quan của Trung Quốc vẫn mạnh hơn ASEAN cộng lại. Trong khi khả năng cạnh tranh xuất khẩu của ASEAN trong ngành dầu mỡ động thực vật cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc, điều này liên quan đến môi trường tự nhiên và yếu tố nội sinh.
Mặc dù hiện Trung Quốc và ASEAN có mối quan hệ cạnh tranh rõ rệt trên thị trường xuất khẩu máy móc thiết bị giao thông vận tải và các thành phẩm phụ, nhưng xu hướng của hai bên lại không hoàn toàn giống nhau. Về máy móc và thiết bị giao thông vận tải, trước năm 2016 năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm, trong khi năng lực cạnh tranh xuất khẩu của ASEAN đã được cải thiện và khoảng cách giữa 2 bên ngày càng được thu hẹp.
Tuy nhiên, sau năm 2016, năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc tăng trở lại và khoảng các lại được bảo lưu, với nguyên nhân chính là do trình độ kỹ thuật của các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc đã có sự phát triển mạnh. Xét về các thành phẩm phụ, năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc biến động và suy giảm kể từ năm 2012, trong khi khả năng cạnh tranh của ASEAN được cải thiện đáng kể. Các thành phẩm phụ chủ yếu bao gồm các sản phẩm sử dụng nhiều lao động như đồ gia dụng, quần áo, giày dép…, hiện tượng này cũng cho thấy năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các sản phẩm sử dụng nhiều lao động đang dần suy yếu.
Cả Trung Quốc và ASEAN đều có năng lực cạnh tranh xuất khẩu tương đối mạnh mẽ và có các ngành có quan hệ cạnh tranh mạnh mẽ, bao gồm: Thiết bị xử lý dữ liệu tự động, thiết bị ghi âm viễn thông, thiết bị điện (bao gồm cả thiết bị điện cơ lớn dùng trong ngành công nghiệp và điện gia dụng…), đồ gia dụng, đồ dùng du lịch và túi xách, quần áo, giày dép… Trong đó, năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc tương đương hoặc thấp hơn các ngành của ASEAN, bao gồm thiết bị viễn thông và ghi âm, thiết bị điện, quần áo, giày dép, trong khi năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trong thiết bị xử lý dữ liệu tự động, đồ nội thất, đồ dùng du lịch, hành lý rõ ràng là mạnh hơn so với ASEAN.
Bổ sung cho nhau
Mối quan hệ cạnh tranh ngày càng tăng chỉ là một khía cạnh của sự phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, và không thể xem nhẹ mối quan hệ bổ sung giữa 2 bên. Trong quá trình phát triển của hội nhập kinh tế toàn cầu, sự phân công lao động giữa các quốc gia, giữa các nền kinh tế trong chuỗi sản xuất cũng ngày càng cụ thể hơn. Điều này một mặt thúc đẩy cải thiện khoản thu nhập từ vốn, mặt khác cũng làm tăng tính phụ thuộc và bổ sung lẫn nhau giữa các quốc gia. Mặc dù sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và ASEAN trên thị trường xuất khẩu của một số ngành ngày càng gay gắt, nhưng điều này không ngăn cản Trung Quốc và ASEAN hình thành mối quan hệ bổ sung và phụ thuộc ngày càng chặt chẽ hơn.
Trong những năm gần đây, tỷ trọng của Trung Quốc trong nhập khẩu của ASEAN đã tăng lên đáng kể, trong khi tỷ trọng của ASEAN trong nhập khẩu của Trung Quốc cũng được cải thiện. Theo số liệu thống kê của UN Comtrade, trong giai đoạn 2010 - 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu của ASEAN từ Trung Quốc đã tăng từ 122,94 tỷ USD lên 388,44 tỷ USD, tăng 216%. Tỷ trọng của Trung Quốc trong nhập khẩu của ASEAN tăng từ 17,2% lên 30,2%. Tỷ trọng của ASEAN trong nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng từ 8,0% lên 10,5%.
Tuy nhiên, khác với mối quan hệ cạnh tranh, mối quan hệ bổ sung giữa các nền kinh tế có thể không đối xứng. Những năm gần đây, mối quan hệ bổ sung giữa xuất khẩu của ASEAN và nhập khẩu của Trung Quốc suy giảm, trong khi quan hệ bổ sung giữa xuất khẩu của Trung Quốc và nhập khẩu của ASEAN tăng lên rõ rệt, có nghĩa là trong hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN, sự phụ thuộc của ASEAN vào Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, trong khi Trung Quốc lại không bị phụ thuộc nhiều vào ASEAN.
So với ASEAN, Trung Quốc vẫn có những lợi thế đáng kể về quy mô kinh tế, trình độ phát triển, dân số, trình độ công nghệ…, điều này đã quyết định vai trò thay thế của ASEAN đối với xuất khẩu của Trung Quốc cũng tương đối hạn chế. Theo chỉ số phát triển thế giới (WDI) của Ngân hàng thế giới (WB), GDP của Trung Quốc trong năm 2021 vào khoảng 17.700 tỷ USD, trong khi GDP của cả ASEAN là khoảng 3.300 tỷ USD, chỉ chiếm 18,9% của Trung Quốc.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3025 Trong tuần: 53558 Trong tháng 16418 Tất cả: 16165730