1. Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (U.A.E) - quốc gia hiện đang giữ cương vị thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - tuyên bố vào ngày 19/2 rằng họ sẽ không kêu gọi bỏ phiếu vào Thứ hai (ngày 20/2) về dự thảo nghị quyết yêu cầu Israel “chấm dứt ngay lập tức và hoàn toàn mọi hoạt động định cư trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng” (theo Reuters).
Trước đó, khá nhiều nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an đang xem xét nghị quyết do U.A.E và đại diện của Palestine soạn thảo, trong đó yêu cầu Israel "ngừng hoàn toàn và ngay lập tức tất cả các hoạt động định cư trên phần lãnh thổ chiếm đóng của Palestine”. Dự thảo nghị quyết mới này được hé lộ một số nội dung “tái khẳng định rằng việc Israel xây dựng các khu định cư ở phần lãnh thổ chiếm đóng của Palestine từ năm 1967, bao gồm cả Đông Jerusalem, là bất hợp pháp và vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”. Văn kiện này cũng lên án mọi ý định sáp nhập, bao gồm các quyết định và biện pháp của Israel liên quan đến khu định cư.
Trước đó nữa, từ hôm 12/2, Chính phủ Israel thông báo hợp pháp hóa 9 khu định cư "tiền đồn" của người Do Thái ở Bờ Tây, đồng thời cho phép xây thêm hàng loạt khu định cư mới, khiến một loạt quốc gia phương Tây, bao gồm cả Mỹ, phải lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc".
Song, đến ngày 20/2, câu chuyện đi chệch sang một quỹ đạo khác. Không có cuộc bỏ phiếu nào, có nghĩa là nghị quyết nói trên đã tạm thời được “xếp lại”. Điều thực sự hiện hữu là Tuyên bố chung chính thức của Hội đồng Bảo an (được 15 thành viên tán thành) nêu rõ: “Việc Israel tiếp tục các hoạt động định cư là đẩy triển vọng về giải pháp hai nhà nước trên cơ sở các đường biên giới được công nhận từ năm 1967 vào tình trạng bị đe dọa".
Đáp trả, Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu cho rằng tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án hoạt động định cư của Israel tại khu Bờ Tây là “phiến diện", đồng thời chỉ trích Mỹ tham gia động thái này. Ông Netanyahu cho biết thêm tuyên bố này lẽ ra không nên được đưa ra và Mỹ không nên can dự vào vấn đề này.
2. Thực tế, vai trò của phía Mỹ trong việc đình hoãn nghị quyết mà U.A.E và đại diện Palestine soạn thảo là tương đối rõ ràng.
Vào ngày 18/2, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đã có những cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với "giải pháp hai nhà nước" trong khu vực, cũng như đề nghị hai bên "khôi phục sự bình tĩnh".
Song song, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong các cuộc điện đàm ấy, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nhấn mạnh sự cấp thiết đối với cả Israel và Palestine, trong việc tiến hành các bước đi nhằm khôi phục trạng thái yên tĩnh, đồng thời nêu rõ quan điểm của Washington là "phản đối các bước đi đơn phương làm gia tăng căng thẳng". Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Ngoại trưởng Blinken đã trao đổi các thách thức khu vực lớn hơn (mà giới quan sát quốc tế có thể phán đoán là liên quan đến các địch thủ của Israel như Iran hay Syria), trong đó nhấn mạnh cam kết kiên định của Washington đối với an ninh của Israel.
Và, vào ngày 20/2, dù Mỹ tuyên bố đồng thuận với tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an thì theo Cố vấn An ninh quốc gia Israel Tzahi HaNegbi, Washington đã lên kế hoạch phủ quyết nghị quyết đã nêu. "Tôi cho rằng, qua cuộc trao đổi với Mỹ, người Palestine đã hiểu họ sẽ không thu được kết quả gì từ nỗ lực này vì dự thảo sẽ bị phủ quyết", ông hé lộ với báo giới.
Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết lãnh đạo Israel đã thông báo với Mỹ sẽ không cấp phép cho các khu định cư mới của người Do Thái ở Bờ Tây trong những tháng tới. Vấn đề là, thông báo nêu rõ rằng Israel sẽ không cấp phép cho các khu định cư mới ngoại trừ 9 khu đã được phê duyệt trước đó (nghĩa là những gì đã diễn ra sẽ được coi là “sự đã rồi”). Cũng theo thông báo, "Israel không cam kết dừng phá hủy các ngôi nhà trái phép (của người Palestine) ở khu C - khu vực do Israel quản lý và về lâu dài sẽ được chuyển giao lại cho Palestine".
Cần phải nhắc lại là đầu tháng 2, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, phía Israel đã quyết định tạm dừng phá hủy một tòa nhà ở khu Đông Jerusalem thuộc Bờ Tây - nơi sinh sống của khoảng 100 người Palestine. Với tuyên bố mới nhất từ Văn phòng Thủ tướng Israel, trong tương lai, kế hoạch này (cũng như những kế hoạch tương tự) vẫn hoàn toàn có thể được nối lại.
Toàn bộ các dữ kiện mới này, một lần nữa, lại nhấn mạnh câu hỏi: Nước Mỹ vẫn luôn tuyên bố ủng hộ “giải pháp hai nhà nước”, nhưng diện mạo cụ thể của giải pháp ấy – nghĩa là cơ sở phân chia về lãnh thổ quản lý giữa Israel với Palestine – thì sẽ được phác thảo như thế nào?
3. Trong quá khứ gần (ngày 28/1/2020), ngay cả trong Kế hoạch Hòa bình mới cho Trung Đông mà cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, thúc đẩy, thực hiện (và đã từng phải nhận nhiều chỉ trích từ chính đảng Dân chủ đối lập của đương kim tổng thống Mỹ Joe Biden hiện tại, cũng như chuyện ông chủ Nhà Trắng hiện tại từng tuyên bố sẽ đảo ngược các chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm), “giải pháp hai nhà nước” vẫn là một khái niệm luôn hiện hữu.
Tuy nhiên, vì sao nó lại bị nhà nước và nhân dân Palestine, cùng đông đảo dư luận thuộc thế giới Arab Hồi giáo phản đối dữ dội? Vì khái niệm “giải pháp hai nhà nước” ấy được đưa ra và diễn giải theo một cách thức mới hoàn toàn. Theo đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất thành lập nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, áp dụng một số điều kiện nghiêm ngặt kèm theo. Ngoài ra, Jerusalem vẫn là thủ đô "không thể tách rời của Israel".
Không chỉ vậy, theo Washington, những điều kiện nói trên bao gồm nhà nước Palestine trong tương lai phải "phi quân sự hóa", đồng thời công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư được xây dựng trên lãnh thổ bị chiếm đóng.
Đó là vào nhiệm kỳ trước của đương kim Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Không có gì ngạc nhiên, khi ngày ấy ông ca ngợi đề xuất của Tổng thống Mỹ là "kế hoạch tuyệt vời cho Israel, cho hòa bình" và ông Trump là "người bạn tuyệt vời nhất mà Israel từng có ở Nhà Trắng". Ngược lại, cũng không có gì bất ngờ khi đương kim Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đã kiên quyết bác bỏ kế hoạch này.
Còn hiện tại, năm 2023, quan điểm về kế hoạch hòa bình cũng như ý tưởng về phương thức thực hiện “giải pháp hai nhà nước” của chính quyền Mỹ đương nhiệm, xem ra, cũng vẫn còn chưa rõ ràng và cụ thể như những gì đã được xác lập ngày ấy. Hay nói đúng hơn, trên thực tế, Washington vẫn âm thầm tiếp nhận các di sản đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm và lặng lẽ để hiệp định Abraham (các thỏa thuận chính thức bình thường hóa quan hệ giữa Israel với những quốc gia Arab Hồi giáo láng giềng) tiếp tục được tiến hành, bất kể những cáo buộc rằng hiệp định này là cách mang lợi ích kinh tế che mờ quyền lợi hợp pháp của Palestine.
Càng lúc, dường như chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu (mới tái đắc cử) sẽ càng có cơ sở để tự tin thực hiện các đường lối cứng rắn của mình hơn, khi cảm nhận được rằng sự hậu thuẫn của nước Mỹ dành cho họ vẫn luôn là một điểm tựa vững chắc. Mới ngày 17/1/2023, hơn 90 quốc gia trên thế giới, thông qua một cuộc bỏ phiếu, kêu gọi Israel dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Palestine. Nhưng, sau đó, một đợt gia tăng căng thẳng mới lập tức ập tới và những động thái của Chính phủ Israel đối với phía Palestine còn trở nên nghiệt ngã gấp bội. Cho đến lúc này, vẫn chưa có bất cứ một chế tài nào ép được Tel Aviv tôn trọng và bảo đảm thực thi về các đường biên giới pháp định năm 1967.
Mà “giải pháp hai nhà nước” thì vẫn luôn được nhắc đến, như một lời kinh...
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 10694 Trong tuần: 51867 Trong tháng 113997 Tất cả: 17207553