Richard Gowan, người đứng đầu Tổ chức về khủng hoảng quốc tế thuộc LHQ, nhận định cuộc xung đột tại Ukraine cũng như khủng hoảng lương thực sẽ là hai “chủ đề bao trùm” tại tuần lễ cấp cao.
Trong một phát biểu mới đây, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh sự chia rẽ chiến lược, giữa một bên là phương Tây và bên còn lại là Nga và thậm chí là Trung Quốc, đang “làm tê liệt phản ứng toàn cầu với những thách thức ngày càng gay gắt mà chúng ta phải đối mặt”. Tổng thư ký LHQ cho rằng chiến tranh đã gây ra tác động to lớn với nền kinh tế toàn cầu, giá lương thực và năng lượng leo thang khiến cuộc sống của nhóm những người nghèo nhất trên thế giới thêm khốn khổ, trong khi đó một số quốc gia lại lựa chọn chiến tranh thay vì giải quyết xung đột một cách hòa bình.
“Đại hội đồng LQH nhóm họp trong một thời điểm hết sức nhạy cảm”, ông Guterres cho biết hồi tuần trước. Lần đầu tiên sau hơn 3 năm, lãnh đạo các nước trên thế giới sẽ phát biểu trực tiếp trước Đại hội đồng. Sẽ không còn các bài phát biểu được ghi hình sẵn do các quy định phòng dịch COVID-19, một trường hợp ngoại lệ duy nhất là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ngoài ra, việc Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời và lễ tang cấp quốc gia được tổ chức ngày 19/9 cũng khiến ban tổ chức tuần lễ cấp cao “đau đầu” vào phút chót khi nhiều nguyên thủ quốc gia đến London tham dự sự kiện này.
Phiên tranh luận chung của Đại hội đồng LHQ bắt đầu ngày 20/9 với bài phát biểu về thực trạng thế giới do chính Tổng thư ký LHQ đưa ra. Tại phiên họp trước đó của Đại hội đồng, Brazil đã “xung phong” phát biểu đầu tiên trong phiên lần này. Theo kế hoạch ban đầu, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có bài phát biểu thứ hai, sau Brazil, tuy nhiên, do đang có mặt tại Anh để tham dự lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II, vì vậy, ông Biden sẽ phát biểu vào ngày 21/9. Tổng thống Senegal Macky Sall sẽ phát biểu sau đại diện từ Brazil, thay ông Biden.
Ngoài ra, lãnh đạo các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pháp, Hàn Quốc, Nam Phi hay Venezuela sẽ có bài phát biểu. Thủ tướng Anh Liz Truss và Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ lần đầu tiên có bài phát biểu, cùng với đó là Thủ tướng các nước Nhật Bản, Israel, Iraq và Pakistan. Nga và Trung Quốc sẽ cử ngoại trưởng tham dự. Danh sách gần 150 diễn giả là nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ, cho thấy tầm quan trọng của phiên họp lần này.
Thông thường trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao, hàng nghìn quan khách sẽ có mặt tại Trụ sở LHQ ở New York để phát biểu và tham dự các sự kiện bên lề. Tuy nhiên, do tình hình đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, chỉ còn số ít sự kiện do Tổng thư ký LHQ và Chủ tịch Đại hội đồng LQH chủ trì mới được tổ chức tại đây. Hàng chục sự kiện bên lề sẽ diễn ra ở những địa điểm khác của New York.
Một sự kiện nhận được sự quan tâm lớn chính là Cuộc họp cấp Bộ trưởng về chiến sự Ukraine, dự kiến diễn ra ngày 22/9. Cuộc họp là sáng kiến của Pháp, nước giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ. Sự kiện này dự kiến sẽ có sự góp mặt của ngoại trưởng đến từ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, cùng với khách mời đặc biệt là Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Giới quan sát nhận định cuộc họp sẽ diễn ra hết sức căng thẳng.
Đại sứ của Pháp tại LHQ, Nicolas De Riviere, hôm 16/9 nhấn mạnh Moscow sẽ phải chịu trách nhiệm về “hậu quả nghiêm trọng” mà cuộc chiến đã gây ra cho dân thường ở Ukraine. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cho biết LHQ đang phải đối mặt với “khủng hoảng niềm tin” bởi “chiến dịch đặc biệt” do Nga phát động tại Ukraine vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước láng giềng và vi phạm Hiến chương LHQ. Đại sứ Mỹ kêu gọi tăng cường gấp đôi các phản ứng để thể hiện cam kết “vì một thế giới hòa bình và nêu cao hơn nữa nguyên tắc về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và an ninh”.
Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ cũng cho biết xung đột tại Ukraine sẽ không phải là chủ đề duy nhất tại cuộc họp cấp cao này do chiến sự còn xảy ra tại nhiều nơi khác. Bà Thomas-Greenfield đề cập đến các vấn đề khác như giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực cũng như biến đổi khí hậu, thúc đẩy sức khỏe toàn cầu và duy trì Hiến chương LHQ. Theo ông Richard Gowan, các nước cũng sẽ tập trung thảo luận vấn đề bất bình đẳng trong phân phối vaccine COVID-19 diễn ra tại châu Phi và một số nước khác, cũng như vấn đề tài chính trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giá cả lương thực và chi phí sinh hoạt leo thang. Dù vậy, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Mali, Afghanistan hay Yemen dự kiến sẽ ít được thảo luận.
Ngoài ra, chủ đề chống biến đổi khí hậu dự kiến vẫn được nhiều nước quan tâm thảo luận. Mới đây, Tổng thư ký LHQ Guterres đã có chuyến thăm đến Pakistan để khảo sát tình hình thiệt hại do trận lũ lịch sử gây ra. Ông cho biết khu vực ngập lụt tại quốc gia Nam Á này có diện tích gấp ba lần quê hương Bồ Đào Nha của ông, đồng thời chỉ trích nhóm G20, mà theo ông là nguyên nhân gây ra 80% lượng khí thải gây ra sự nóng lên toàn cầu. Đồng thời, ông Guterres cũng gửi thông điệp chống nóng lên toàn cầu rõ ràng đến nguyên thủ các nước rằng: “Hãy hạ nhiệt độ Trái Đất ngay từ bây giờ”, theo AP.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 6750 Trong tuần: 57 Trong tháng 147511 Tất cả: 17241074