Giới quan sát đánh giá, với việc chọn điểm đến là hai nước thân thiện với Trung Quốc, chuyến đi phản ánh mong muốn của Bắc Kinh về việc tái khẳng định tầm ảnh hưởng quốc tế sau đại dịch, khởi đầu cho những bước đi chiến lược của Bắc Kinh trong thời gian tới. Đặc biệt, ông Tập còn có cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề SCO.
Khởi đầu những bước đi chiến lược
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14/9 đã tới Kazakhstan trong khuôn khổ chuyến thăm 3 ngày đến Trung Á.
Theo Reuters, tại Kazakhstan, Tổng thống nước sở tại Kassym-Jomart Tokayev đã tiếp ông Tập Cận Bình. Hai bên cam kết thắt chặt hơn nữa quan hệ về an ninh và quốc phòng, gồm cả các nỗ lực chống khủng bố. Ông Tập Cận Bình cũng đề nghị Kazakhstan tăng cường hợp tác theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, mà chính ông đã khởi xướng ở nước này vào năm 2013. Trong một cuộc điện đàm hồi tháng 2, ông Kassym-Jomart Tokayev và ông Tập Cận Bình đã đồng lòng mở ra một giai đoạn vàng son 30 năm trong quan hệ song phương giữa hai nước. Giới chuyên gia nhận định, có rất nhiều lý do để Chủ tịch Trung Quốc lựa chọnKazakhstan là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du quan trọng này.
Thứ nhất, Kazakhstan là quốc gia láng giềng của Trung Quốc, chia sẻ đường biên giới chung hơn 1.000km. Trung Quốc luôn theo đuổi mục đích chiến lược và an ninh trong quan hệ với tất cả các quốc gia có chung đường biên giới. Thứ hai, Kazakhstan cũng chiếm một vị trí chiến lược giữa hai phần Đông và Tây của địa cầu, là điểm kết nối giữa châu Âu với châu Á. Thứ ba, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Kazakhstan. Thứ tư, quốc gia Trung Á này cũng là nơi chứa tới 40% lượng uranium của thế giới – một nguồn tài nguyên ngày càng quan trọng khi các nước phát triển chuyển sang sử dụng năng lượng nguyên tử như một nguồn năng lượng lâu dài.
Rời Kazakhstan, ông Tập Cận Bình đã tới thành phố Samarkand của Uzebekstan để dự hội nghị thượng đỉnh SCO.
Ngoài Trung Quốc và Nga, nhiều nước Trung Á đã tham gia tổ chức này cùng với Ấn Độ, Pakistan. Giới học giả cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga-phương Tây hiện nay, thượng đỉnh SCO ở Uzbekistan mang ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị và ngoại giao, khẳng định khối Á-Âu muốn thoát khỏi “cái bóng” của phương Tây về nhiều mặt. Như vậy, chuyến công du Trung Á lần này của ông Tập Cận Bình không chỉ đánh dấu sự khôi phục trạng thái bình thường của ngoại giao nguyên thủ của Bắc Kinh sau đại dịch COVID-19 mà còn cho thấy rõ Bắc Kinh đặt ưu tiên tăng cường xây dựng quan hệ chặt chẽ với các đồng minh phi phương Tây, mong muốn mở rộng ảnh hưởng tại các yếu điểm chiến lược ở khu vực Âu-Á.
Theo ông Temur Umarov, chuyên gia về Trung Quốc và Trung Á tại Viện Hòa bình quốc tế Carnegie, việc “nhắm” Trung Á cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau đại dịch nhấn mạnh tham vọng của Bắc Kinh trong việc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này. Ông Umarov nhận định: “Năm tới sẽ là dịp kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tôi nghĩ Trung Á là một khu vực thuận lợi để Trung Quốc khẳng định vị thế”.
Cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin
Một điểm nhấn khác trong chuyến công du Trung Á lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh SCO tại thành phố Samarkand của Uzebekstan.
Nhận định về cuộc gặp, ông Christian Le Miere - Cố vấn chính sách đối ngoại của công ty tư vấn Arcipel có trụ sở tại Anh chia sẻ với CNA rằng, thời điểm diễn ra cuộc gặp rất quan trọng với cả Bắc Kinh và Moscow, là cơ hội để hai bên củng cố mối quan hệ. Về phía Nga, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang diễn biến theo chiều hướng mới khi Kiev liên tục phản công bất ngờ. Còn Trung Quốc, nền kinh tế của nước này vẫn chậm chạp trong bối cảnh tiếp tục áp dụng “chính sách Zero COVID-19 linh hoạt” và ngành bất động sản cũng trong trạng thái ảm đạm. Ông Tập Cận Bình hiện cũng đang chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra từ ngày 16/10.
Hồi tháng 2 vừa qua, Tổng thống Putin và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Bắc Kinh. Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định chắc nịch về sự “không có giới hạn” trong quan hệ đối tác giữa hai nước dù vẫn tồn tại những bất đồng. Cụm từ này gần như ngay lập tức được chứng minh. Khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu từ hôm 24/2, Trung Quốc tuyên bố giữ trạng thái trung lập, từ chối lên án Nga. Trung Quốc còn ủng hộ mua dầu của Nga, với chiết khấu cao.
Vào tháng 5, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đã tăng 55% so với cùng kỳ năm trước, thay thế Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp lớn nhất của nước này. Với Moscow, trước làn sóng tẩy chay dầu khí từ châu Âu, việc tìm được một đối tác thương mại thay thế đáng tin cậy như Bắc Kinh là rất cần thiết.
Nguồn: cand.com.vn