CÔNG AN BẠC LIÊU
Phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên - viễn cảnh xa vời
Cập nhật ngày: 12-09-2022, lượt xem: 92
Đó là cụm từ mà các chuyên gia dùng để miêu tả về cơ hội cho mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sau hàng loạt động thái gần đây của Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên. Điều này cũng đang khiến cho cộng đồng thế giới không khỏi quan ngại.

Hội đồng Tối cao Triều Tiên hôm 8/9 đã thông qua luật mới chính thức tuyên bố là quốc gia hạt nhân và cho phép thực hiện quyền tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ.

Luật ban đầu được ban hành năm 2013 quy định Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đẩy lùi hành động xâm lược hoặc cuộc tấn công của một quốc gia thù địch và thực hiện các cuộc tấn công đáp trả. Nhưng luật mới đã vượt ra ngoài khuôn khổ này, khi cho phép tiến hành cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân nếu phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào các "mục tiêu chiến lược" của đất nước.

Giống phiên bản cũ, luật mới cam kết sẽ không sử dụng hạt nhân đe dọa các quốc gia phi hạt nhân trừ khi họ liên kết với một quốc gia có vũ khí hạt nhân để tấn công Triều Tiên. Luật mới cũng đồng thời cấm mọi hành vi chia sẻ vũ khí hoặc công nghệ hạt nhân với các nước khác, nhằm giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân bằng cách ngăn chặn những tính toán sai lầm của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên - viễn cảnh xa vời -0
Hình ảnh Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một đoạn clip phô diễn về năng lực hạt nhân của nước này. Ảnh: Yonhap

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh, chính sách hạt nhân của Bình Nhưỡng là không thể đảo ngược và mọi nỗ lực thương lượng và "mặc cả" về hạt nhân đều không được phép: "Ý nghĩa quan trọng nhất khi đưa ra luật về vũ khí hạt nhân là vạch ra một ranh giới không thể đảo ngược, để không thể có bất kỳ cuộc thương lượng nào về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Chừng nào còn vũ khí hạt nhân và chủ nghĩa đế quốc trên trái đất, công việc tăng cường lực lượng hạt nhân của Triều Tiên sẽ không dừng lại". Ông cũng khẳng định, Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân ngay cả khi quốc gia này phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kéo dài 100 năm.

Động thái của Triều Tiên được cho là nhằm nâng tầm chính sách răn đe hạt nhân thành chính sách tác chiến hạt nhân, với hiệu quả răn đe lớn hơn; song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, một khi các bên liên quan có tính toán sai lầm. Cũng có ý kiến cho rằng, một mục tiêu khác của ông Kim Jong-un là muốn cộng đồng quốc tế công nhận "Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm". Luật được đưa ra trong bối cảnh Mỹ - Hàn đang gia tăng áp lực lên Triều Tiên, để phi hạt nhân hóa trong đó có việc nối lại cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn.

Giới phân tích cho rằng, việc Triều Tiên thông qua luật mới về vũ khí hạt nhân nhiều khả năng là để đáp trả chiến lược "Chuỗi tiêu diệt (Kill Chain)" của Hàn Quốc. Theo đó, nếu phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra, Seoul sẽ thực hiện cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào hệ thống chỉ huy và cơ sở hạ tầng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng "Chuỗi tiêu diệt" - một phần của chiến lược quân sự 3 mũi nhọn đang được thúc đẩy dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol là dấu hiệu cho thấy tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên đang xấu đi và Triều Tiên phải chuẩn bị cho kịch bản căng thẳng kéo  dài. Một quan chức tại Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên cho biết, luật mới được thông qua sẽ là một sự đảm bảo mạnh mẽ về mặt pháp lý giúp củng cố vị thế của Bình Nhưỡng là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và đảm bảo "tính minh bạch, nhất quán và tiêu chuẩn" trong chính sách hạt nhân của nước này. Trong khi đó, chuyên gia Rob York tại Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở tại Hawaii nhận định: "Việc làm rõ các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân là rất hiếm. Luật mới giúp khẳng định vị thế của Triều Tiên, cho thấy mức độ coi trọng vũ khí hạt nhân và sự cần thiết của vũ khí này đối với sự tồn tại của Triều Tiên".

Về phần mình, ông Leif[1]Eric Easley, Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans ở Seoul nhận định: "Nỗi lo về một tình huống xung đột là điều thúc đẩy Bình Nhưỡng thông qua luật mới về vũ khí hạt nhân, nhưng điều đó có khả năng làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á khi các quốc gia khác thúc đẩy hành động để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên".

Trước bước đi của Triều Tiên, thế giới không khỏi quan ngại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại các cuộc đàm phán với các bên quan trọng để đạt được hòa bình bền vững và phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Nga cho biết sẽ theo sát bất kỳ hoạt động quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên. Bộ này cho rằng, chính các động thái của Mỹ đã khiến Triều Tiên cảm thấy rằng an ninh của nước này không thể đảm bảo chỉ bằng phương diện chính trị, mà phải bằng quân sự.

Nga đã chỉ trích Mỹ đang làm mất ổn định bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định, lập trường của nước này trong vấn đề Triều Tiên là không hề thay đổi, hối thúc các bên liên quan nhanh chóng trở lại bàn đối thoại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: "Chúng tôi đã biết về các thông tin. Lập trường của chúng tôi trong vấn đề Triều Tiên không thay đổi. Chúng tôi sẽ hành động phù hợp để duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho hồ sơ Triều Tiên".

Về phần mình, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định, Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên và tiếp tục tìm kiếm các biện pháp ngoại giao với nước này. Mỹ sẽ vẫn tập trung vào việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để giải quyết các mối đe dọa từ Triều Tiên gây ra. Giới chức Nhật Bản thì khẳng định, Triều Tiên có một lựa chọn để đến bàn đàm phán và thế giới sẵn sàng viện trợ nhân đạo cho quốc gia này.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị đối thoại với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ địa điểm nào. Còn Tổng thống Hàn Quốc Yoon suk-yeol cho biết nước này sẽ cung cấp một lượng lớn viện trợ kinh tế nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Trước đó, hôm 8/9, Hàn Quốc đã đề nghị tổ chức cuộc đàm phán với Triều Tiên về việc tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên 1950- 1953. Nếu diễn ra, đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữahai miền Triều Tiên dưới thời Tổng thống Yoon suk-yeol dù quan hệ hai bên đang leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, Triều Tiên đã bác bỏ những đề xuất trên, cho rằng Mỹ và đồng minh luôn duy trì "chính sách thù địch" đối với nước này, chẳng hạn như áp đặt các biện pháp trừng phạt và tổ chức các cuộc tập trận chung làm suy yếu an ninh trong khu vực.


Nguồn: cand.com.vn
Các tin khác