DW ngày 13/9 (giờ địa phương) dẫn lời phát ngôn viên Thủ tướng Đức nêu rõ, ông Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm dài 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin giữa lúc chiến sự đang căng như dây đàn.
Theo đó, ông Olaf Scholz đã thúc giục nhà lãnh đạo Nga đi đến một giải pháp ngoại giao càng nhanh càng tốt, dựa trên lệnh ngừng bắn, rút hoàn toàn lực lượng khỏi Ukraine. Thủ tướng Đức cũng khuyến khích phía Moscow tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngũ cốc bởi chuỗi cung ứng ngũ cốc toàn cầu đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng.
Về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine, nơi Nga đang kiểm soát, ông Olaf Scholz đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời yêu cầu ông Putin tránh mọi leo thang căng thẳng và thực hiện đầy đủ các biện pháp do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khuyến nghị.
Ngoài ra, ông Olaf Scholz cũng yêu cầu Nga đối xử với các tù binh chiến tranh theo các quy định của luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là Công ước Geneva và đảm bảo quyền tiếp cận không bị cản trở của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế.
Về phía Nga, Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin nói rằng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang hứng chịu "các cuộc tấn công tên lửa liên tục từ Ukraine, điều này tạo ra nguy cơ thực sự về một thảm họa quy mô lớn” tại đây.
Ông Putin cáo buộc phía Kiev vi phạm luật nhân đạo quốc tế khi tiến hành công kích vào các thành phố ở vùng Donbass, khẳng định Moscow cho phép Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tiếp cận các tù nhân chiến tranh Ukraine.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin còn nhấn mạnh với ông Scholz rằng Nga sẽ cung cấp năng lượng cho châu Âu nếu Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt dẫn tới việc ngăn chặn nguồn cung dọc theo đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1. Theo ông Putin, việc Đức từ chối chứng nhận đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trong khi đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng năng lượng là điều rất ích kỷ.
Được biết, kể từ cuối tháng 5, Thủ tướng Scholz và Tổng thống Putin không tiến hành liên lạc cho tới hôm 13/9. Hai bên hiện nhất trí duy trì liên lạc sau cuộc điện đàm nêu trên.