Với chủ đề “Con đường hướng tới thế giới đa cực”, thông điệp mà diễn đàn mong muốn mang lại là thế giới đã thay đổi và các lệnh trừng phạt đã làm thay đổi bức tranh thế giới, song sự thay đổi của thế giới không chỉ đem lại những thách thức mà còn tạo ra những cơ hội mới. Và việc Nga tổ chức EEF 2022 với sự tham gia của các đại diện từ nhiều nước trên thế giới được cho là động thái mang tính biểu tượng cho thấy Moscow không bị cô lập.
Nền kinh tế Nga đã trải qua hơn 6 tháng chống đỡ trước các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất của phương Tây. Vì vậy, có ý kiến cho rằng EEF 2022 là cơ hội để Nga tìm kiếm những giải pháp, những quan hệ đối tác tin cậy để tháo gỡ những khó khăn gây ra bởi các lệnh trừng phạt. Hướng Đông đang trở thành hướng chính trong việc củng cố nền kinh tế của Nga khi đối mặt với các lệnh trừng phạt mà các nước không thân thiện áp đặt. Sự tái định hướng của các ngành công nghiệp Viễn Đông đang diễn ra, các nhà sản xuất trong nước của Nga đang nâng cao tay nghề, xây dựng năng lực, làm chủ công nghệ mới.
Phó Thủ tướng Nga Yury Trutnev cho biết, chủ đề chính được bàn luận tại EEF 2022 là sự phát triển của Viễn Đông và Nga trong các điều kiện kinh tế, địa chính trị mới, cũng như hình thức tương tác mới giữa các quốc gia trong thế giới đa cực. Hiện, ảnh hưởng của vùng Viễn Đông đối với sự phát triển của Nga đang tăng lên đáng kể. Hướng Đông trở thành hướng chính trong việc củng cố nền kinh tế đất nước và tăng cường tiềm năng xuất khẩu.
Không phải ngẫu nhiên mà năm nay, triển lãm “Phố Viễn Đông” được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Phương Đông với khẩu hiệu “Bạn đã làm gì cho chiến thắng công nghệ của Nga?”, đặc biệt nhấn mạnh vào việc trình bày các khả năng thay thế nhập khẩu và sự độc lập về công nghệ của các vùng Viễn Đông, khả năng tự cung tự cấp các sản phẩm lương thực. Bởi vì, một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với Nga đó là bị hạn chế tiếp cận các công nghệ của thế giới, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, nếu không muốn nói là có nguy cơ bị tụt hậu. Nga một mặt phải phát huy nội lực để phát triển các giải pháp công nghệ thay thế, mặt khác, đang tích cực tìm kiếm sự hợp tác từ các nước đối tác quan trọng như Trung Quốc, Ấn Độ, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), các nước trong Liên minh kinh tế Á-Âu…
Chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình của Diễn đàn là các cuộc đối thoại kinh doanh “Nga - Ấn Độ”, “Nga - ASEAN”, “Nga - Mông Cổ”, cuộc họp của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển vùng Viễn Đông của Nga và các tỉnh Đông Bắc - Trung Quốc, hội nghị thương mại và đầu tư vùng Bắc cực.
Một khó khăn khác đối với Nga, đã được Phó Chủ tịch Trung tâm Xuất khẩu Nga Alexei Solodov nêu ra tại EEF 2022 đó là vấn đề xuất khẩu, khi chuỗi logistics bị phá vỡ. Ông cho biết, Trung tâm Xuất khẩu Nga đang đề ra lộ trình các hướng xuất khẩu ưu tiên, tổng hợp thông tin về các quốc gia, về vị trí địa lý mà hiện tại các nhà xuất khẩu có thể sử dụng.
Nhóm thứ nhất là các quốc gia có quan hệ kinh tế và thương mại đã được thiết lập với Nga như Kazakhstan, Uzbekistan, Belarus, Azerbaijan, nơi các sản phẩm của Nga có vị thế ổn định, thị trường đang phát triển; châu Á và Trung Đông, Trung Quốc, Việt Nam trong nhóm thứ hai, các nước châu Phi và Đông Nam Á - Thái Lan, Indonesia - trong nhóm thứ ba và thứ tư là Serbia. Nga coi các lệnh trừng phạt vừa là thách thức vừa là cơ hội để đẩy mạnh hợp tác với các nước thân thiện, các nước trong khu vực châu Á[1]Thái Bình Dương.
Diễn đàn Kinh tế Phương Đông năm ngoái đã kết thúc với những thỏa thuận được ký kết có giá trị hơn 50 tỷ USD. Năm nay, diễn đàn mới qua ngày làm việc đầu tiên nhưng đã có những thông tin ban đầu về các thỏa thuận được ký kết. Chẳng hạn, chính quyền vùng Primore dự kiến ký kết khoảng 30 thỏa thuận nhằm thực hiện các dự án phát triển kinh doanh xã hội, văn hóa, công nghệ kỹ thuật số, truyền thông, chính sách thanh niên và các lĩnh vực khác. Đại diện của phái đoàn Yakutia dự kiến sẽ ký 40 thỏa thuận. Tổng số tiền đầu tư vào các dự án dự kiến lên tới 330 tỷ ruble, nhằm đầu tư vào lĩnh vực giao thông, dầu khí, nhà ở, trường học, phát triển doanh nghiệp. Vùng Irkutsk có kế hoạch ký kết 14 thỏa thuận tại diễn đàn, trong đó có 4 thỏa thuận đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ ruble.
Trường Đại học Liên bang Viễn Đông, nơi diễn ra các phiên họp, đối thoại kinh doanh sôi nổi của diễn đàn kinh tế Phương Đông năm nay, dự định ký các thỏa thuận trong lĩnh vực phát triển giáo dục với các tổ chức khoa học của Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác của Đông Nam Á.
Các chuyên gia lưu ý rằng, nhiều thỏa thuận sẽ liên quan đến sự phát triển của các vùng lãnh thổ, thực hiện các chương trình, dự án nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thay thế nhập khẩu và độc lập về công nghệ, và phát triển quan hệ, hợp tác giữa Nga và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhìn chung, dưới áp lực của các lệnh trừng phạt cũng như tình hình phức tạp khác, việc Nga vẫn có thể tổ chức Diễn đàn kinh tế Phương Đông lần thứ VII với sự tham gia của các đại diện từ nhiều nước trên thế giới đã là một chiến thắng mang tính biểu tượng, cho thấy Nga không bị cô lập, ngược lại cơ hội hợp tác với các nước thân thiện đang trở nên rộng mở hơn.
Dự kiến, tại phiên toàn thể ngày 7/9 của EEF 2022, ngoài phát biểu của các nhà lãnh đạo nước ngoài, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ có bài phát biểu về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các mối quan hệ kinh tế và thương mại quốc tế cũng như các tiến trình ảnh hưởng. Những lệnh trừng phạt được một số quốc gia phương Tây áp dụng để chống lại Nga chắc chắn tạo ra những trở ngại cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia nhưng lại tạo ra những cơ hội mới, buộc Nga phải tiếp thu những năng lực mới, đòi hỏi những chuyển đổi trong công nghiệp, đổi mới, khoa học và chất lượng giáo dục.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 871 Trong tuần: 1075 Trong tháng 151976 Tất cả: 17245535