Và đương nhiên, giới quan sát quốc tế đều đánh giá rằng đây sẽ là một thắng lợi chính trường cực kỳ đáng giá của Tổng thống Joe Biden cũng như đảng Dân chủ, trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra vào cuối năm nay.
Dự luật giảm lạm phát là gì?
Là một dự luật chi tiêu về y tế và khí hậu có trị giá lên tới 430 tỷ USD, bao gồm các khoản đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của nước Mỹ vào vấn đề khí hậu, nhằm hướng đến mục tiêu giảm 40% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, với 369 tỷ USD dự kiến được rót cho các chương trình về cải thiện khí hậu và phát triển năng lượng sạch. Nó sẽ là cơ sở pháp lý để đầu tư hàng tỷ USD khuyến khích sản xuất xe điện, khuyến khích người dân và doanh nghiệp mua xe điện và các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Dự luật này dự kiến mang về gần 740 tỷ USD cho Chính phủ Mỹ.
Hàng tỷ USD miễn thuế cũng sẽ được dành cho một số ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất, giúp họ chuyển đổi sang các phương pháp sạch và “xanh” hơn. Phương án này từng bị một số đảng viên Dân chủ tự do phản đối gay gắt, song cuối cùng cũng đã được chấp nhận sau nhiều tháng đàm phán khó khăn.
Các đảng viên Dân chủ cũng hứa hẹn rằng dự luật sẽ giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người Mỹ, bằng cách cho phép chương trình bảo hiểm y tế liên bang Medicare thương lượng giá thuốc theo đơn và giới hạn giá thuốc theo đơn của người nhận bảo hiểm ở mức 2.000 USD/năm.
Dự luật cũng cho phép cắt giảm chi phí thuốc kê đơn cho người cao tuổi, gia hạn các khoản trợ cấp bảo hiểm y tế tư nhân cho hàng triệu người thêm 3 năm. Đồng thời, dự luật cũng thắt chặt việc thực thi thuế đối với các tập đoàn và người giàu.
Theo dự luật, các điều khoản về thuế bao gồm áp mức thuế tối thiểu là 15% với một số công ty có lợi nhuận hằng năm trên 1 tỷ USD và áp mức thuế mới với các giao dịch mua lại cổ phiếu (theo Reuters).
Nói cách khác, đây là sự tái sinh trong một hình hài khác, tươi tắn, hiện đại và giàu sức sống hơn, cũng đồ sộ và phức tạp hơn, của chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare mà cựu Tổng thống Barack Obama từng theo đuổi trong quá khứ. Nó cũng chính là một nội dung chủ chốt trong cương lĩnh cũng như chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden, để giúp ông đắc cử.
Tại sao dự luật này lại mang tên Dự luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act)? Vì theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 3-8, dự luật này có thể giúp thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang giảm ròng 101,5 tỷ USD trong 10 năm tới. CBO cho rằng dự luật này sẽ giảm thâm hụt ngân sách khoảng 17,9 tỷ USD trong tài khóa 2023, nhưng sẽ làm tăng nhẹ thâm hụt ngân sách từ tài khóa 2024-2027, sau đó lại giảm thâm hụt ngân sách từ tài khóa 2028, với mức giảm trong năm 2031 được dự đoán là 42,6 tỷ USD.
Còn theo các nghị sĩ đảng Dân chủ, con số ấy thậm chí có thể cao gấp 3 lần như vậy, tức là khoảng 300 tỷ USD (bởi dự đoán nói trên của CBO không tính 204 tỷ USD mức tăng doanh thu thuế ước tính từ việc tăng cường thi hành luật của Sở Thuế vụ/IRS). Các Thượng nghị sĩ Dân chủ khẳng định rằng hiệu quả giảm thâm hụt ngân sách của dự luật trên sẽ giúp xoa dịu áp lực lạm phát, đồng thời giảm lượng khí thải carbon, hạ giá thuốc kê đơn và tăng thuế đối với các tập đoàn lớn.
Một cách ngắn gọn, đây là một khoản ngân sách khổng lồ nữa - với quy mô lớn chưa từng có - rót vào thị trường cũng như xã hội Mỹ, với mục đích thúc đẩy sự phát triển của năng lượng sạch, qua đó làm giảm các hiệu ứng tiêu cực của tiến trình biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường, hướng đến việc giảm các khoản chi tiêu công liên quan đến công tác khắc phục hậu quả của tiến trình đó. Đồng thời, dự luật hướng tới tái điều chỉnh hệ thống chăm sóc sức khỏe dành cho người dân.
Và, bởi vì đó sẽ là những khoản chi kỷ lục, nên việc tăng thuế đối với các tập đoàn lớn chính là công cụ tài chính đầu tiên.
Sóng gió chính trường
“Thượng viện đang làm nên lịch sử” - Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, tuyên bố. “Dự luật của chúng tôi làm giảm lạm phát, giảm chi phí, tạo ra hàng triệu việc làm được trả lương tốt và là gói khí hậu táo bạo nhất trong lịch sử Mỹ. Dự luật này sẽ khởi động kỷ nguyên năng lượng sạch tại Mỹ. Đây là một thay đổi lớn”, ông Chuck Schumer nhấn mạnh.
Ý kiến của ông được tán đồng bởi những người ủng hộ chống biến đổi khí hậu. “Đây là hành động quan trọng nhất từng có của Mỹ để chống lại sự biến đổi của khí hậu”, CEO Manish Bapna của Hội đồng Bảo vệ tài nguyên quốc gia Mỹ (NRDC) phát biểu. Đương nhiên, thông qua việc thúc đẩy dự luật này, nước Mỹ cũng sẽ trở lại vai trò đầu tàu dẫn dắt công cuộc bảo vệ môi trường cũng như chống biến đổi khí hậu toàn cầu - vị thế mà cựu Tổng thống Donald Trump từng từ bỏ, sau khi tuyên bố đưa nước Mỹ quay lưng với các thỏa thuận quốc tế chung về phát giảm khí thải.
Một phân tích của công ty tư vấn năng lượng sạch Rhodium Group ước tính Đạo luật Giảm lạm phát có thể đưa Mỹ đến năm 2030 giảm 31-44% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2005, thay vì chỉ giảm được 24-35% nếu không có dự luật này.
Tuy nhiên, theo lập luận của các nghị sĩ đảng Cộng hòa, Dự luật Giảm lạm phát lại không “lấp lánh” đến như vậy. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện - ông Mitch McConnell - cho rằng dự luật trên chỉ làm giảm việc làm, tiền lương, thu nhập sau thuế của người Mỹ, cũng như làm tăng giá năng lượng và hạn chế các loại thuốc mới.
Phe nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ thậm chí còn lo ngại rằng với việc liên tục có những gói ngân sách quy mô lớn và cực lớn được triển khai như thế này, nền kinh tế Mỹ còn đối diện với nguy cơ suy thoái.
Đó cũng chính là lý do để sau 27 giờ đồng hồ liên tục tranh luận gay gắt, dự luật chỉ có thể được Thượng viện Mỹ thông qua với một tỷ lệ sít sao: 51/50. Tất cả 50 nghị sĩ Dân chủ trong Thượng viện bỏ phiếu thuận cho dự luật này và toàn bộ 50 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống. Thế bế tắc chỉ có thể bị phá vỡ bằng lá phiếu thuận của Phó Tổng thống Kamala Harris, một người của đảng Dân chủ.
Các nhóm doanh nghiệp Mỹ và đảng Cộng hòa cũng phản đối quyết liệt việc áp thuế tối thiểu 15%. Họ cho rằng việc này sẽ cản trở đầu tư và gây hại cho các nhà xuất khẩu của Mỹ. Phần lớn nỗ lực của phe Cộng hòa để thay đổi dự luật đã thất bại nhưng họ cũng giành một thắng lợi nhỏ là loại bỏ khỏi dự luật một điều khoản áp trần giá 35 USD đối với chất insulin. Dù vậy, trần giá này vẫn sẽ áp dụng đối với các bệnh nhân hưởng chương trình Medicare.
Và, theo truyền thống chính trị của nước Mỹ, bối cảnh này đang tạo nên những mảng màu sắc hoàn toàn khác biệt, trong cùng một bức tranh tổng thể.
Rõ ràng, đảng Dân chủ cũng như Tổng thống Joe Biden đang tạo nên một “thắng lợi pháp lý” ngoạn mục trước đảng Cộng hòa, ở thời điểm chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ. Không còn nghi ngờ gì, những cộng đồng được hưởng lợi từ dự luật này trong thời gian tới chắc chắn sẽ có đầy đủ lý do để ủng hộ đảng Dân chủ - sự bảo đảm quyết định cho số lượng phiếu bầu cần thiết từ cử tri.
Tuy nhiên, như chính Tổng thống Joe Biden “thổ lộ”: “Luôn cần phải biết nhượng bộ, khi tiến hành các công việc quan trọng”, khi lợi ích của các đại tập đoàn và các nhóm tài phiệt bị “động chạm” ở mức khá lớn như dự kiến, những luồng phản chấn chắc chắn cũng sẽ không thể “nhẹ nhàng”.
Không chỉ vậy, vẫn luôn có một công cụ chính trường quen thuộc hiện hữu, nếu phe Cộng hòa nhất quyết không nhân nhượng ở nửa cuối nhiệm kỳ tổng thống này của ngài Joe Biden: “Vách đá tài chính” - khái niệm diễn tả sự bất hợp tác tuyệt đối và bế tắc tuyệt đối tại Đồi Capitol, có thể dẫn đến hậu quả là Chính phủ Liên bang Mỹ không còn ngân sách để hoạt động, buộc phải tuyên bố đóng cửa tạm thời khiến mọi guồng máy đều có nguy cơ ngưng trệ, cho đến khi các bên tìm ra điểm thỏa hiệp. Trong hệ thống chính trị Mỹ, đây là điều vô cùng quen thuộc.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 5727 Trong tuần: 15192 Trong tháng 166107 Tất cả: 17259672