Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng người Serbia ở phía Bắc lãnh thổ ly khai Kosovo tổ chức biểu tình và lập rào chắn cảnh sát trên đường, phản đối việc chính quyền địa phương buộc họ đổi giấy tờ cá nhân và đăng kí biển số xe từ loại do Serbia cấp sang mẫu của Kosovo. Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh quốc tế đang dành sự tập trung cho chiến sự tại Ukraine, căng thẳng Serbia - Kosovo có nguy cơ leo thang thành xung đột.
Kể từ khi Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia hồi 2008, khoảng 50.000 người Serbia bản địa sống ở phía Bắc Kosovo vẫn sử dụng biển số và giấy tờ được chính quyền Serbia cấp, từ chối công nhận các thể chế ở thủ đô Pristina. Mới đây, căng thẳng giữa hai bên đã được đẩy lên cao trào khi lãnh đạo chính quyền ly khai Albin Kurti tuyên bố buộc những người Serbia bản địa thay đổi giấy tờ cá nhân và đăng kí biển số xe từ loại do Serbia cấp sang mẫu của Kosovo từ 1/8. Những người này cho rằng, phía Pristina làm vậy là nhằm hướng tới trục xuất người Serbia ra khỏi Kosovo.
Theo Reuters, còi báo động và chuông nhà thờ đã vang lên khắp miền Bắc Kosovo đêm 31/7 khi người biểu tình dùng xe tải chở đầy sỏi và máy móc hạng nặng chặn các con đường dẫn tới hai trạm kiểm soát ranh giới Jarinje và Bernjak, khiến cảnh sát Kosovo phải đóng cửa hai khu vực này.
Trước các diễn biến nêu trên, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã chính thức lên tiếng, cho rằng đất nước của ông chưa bao giờ ở trong một tình huống phức tạp và khó khăn như hiện nay. Quân đội Serbia đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Phát biểu trên truyền hình Serbia, ông Vucic cáo buộc chính quyền khu vực ly khai cố gắng tận dụng tình hình hiện tại trên thế giới để khơi mào xung đột trong khi tự coi mình là nạn nhân. Ông Vucic tuyên bố: “Người Serbia sẽ không chịu khuất phục và sẽ giành chiến thắng nếu bị tấn công”. Tuy nhiên, Tổng thống Serbia cũng kêu gọi một giải pháp hòa bình để kiềm chế căng thẳng leo thang, yêu cầu các tổ chức quốc tế giúp làm rõ vấn đề và gửi lời cảm ơn tới những người Serbia ở miền Bắc Kosovo vì lòng dũng cảm của họ.
Đồng quan điểm với Serbia, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi chính quyền Pristina cùng các đồng minh phương Tây “ngừng hành động khiêu khích, tôn trọng các quyền của người Serbia và hối thúc Liên minh châu Âu (EU) thể hiện sứ mệnh hòa giải Serbia-Kosovo”. Trước đó, từ trụ sở của Bộ Tổng tham mưu Serbia, Tổng thống Vucic được cho là đã có cuộc hội đàm lúc nửa đêm với lãnh đạo KFOR - quân đội Kosovo do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu.
Với sức ép từ nhiều phía, chính quyền Kosovo đã ra thông báo hoãn thi hành quyết định buộc người Serbia ở miền Bắc phải xin cấp biển số ôtô do các cơ quan Pristina cấp sang ngày 1/9 và yêu cầu những người này dỡ bỏ các chướng ngại vật. Ngay lập tức, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã hoan nghênh động thái trên của chính quyền Kosovo.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Borrell nêu rõ: “Mong rằng mọi rào cản sẽ được gỡ bỏ ngay lập tức. Các vấn đề mở cần được giải quyết thông qua đối thoại do EU bảo trợ và tập trung vào bình thường hóa toàn diện quan hệ giữa Kosovo-Serbia”. Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Trưởng phái đoàn hành chính lâm thời của Liên hợp quốc tại Kosovo (UNMIK) Caroline Ziadeh cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến ở phía Bắc Kosovo, cũng như kêu gọi các bên bình tĩnh và khôi phục tự do đi lại, tránh leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh quốc tế đang dành sự tập trung cho chiến sự tại Ukraine, căng thẳng Serbia - Kosovo vẫn có nguy cơ leo thang thành xung đột bởi Pristina chỉ hoãn chứ không có ý định hủy bỏ áp lệnh ra tuyên bố. Hiện KFOR đã tập trung ở phía Bắc để ngăn chặn các cuộc đụng độ có thể xảy ra, khẳng định đã sẵn sàng can thiệp nếu sự ổn định bị đe dọa.
“KFOR đã được đặt trong tình trạng báo động cao khi một đoàn xe quân sự lớn khoảng 30-40 chiếc đã tiến về khu vực giáp ranh giữa Kosovo và Serbia. Lực lượng đặc nhiệm Kosovo cũng đang tích cực di chuyển thiết bị và nhân sự của mình”, Reuters nêu rõ.
Được biết, Kosovo, rộng gần 11.000km2 với dân số 1,9 triệu người chủ yếu gốc Albani, đã tách khỏi Serbia trong Chiến tranh Kosovo 1998-1999, cuộc không chiến kéo dài 78 ngày chống lại Nam Tư. Từ đó, an ninh của vùng lãnh thổ được bảo vệ bởi lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, với vai trò chính là khối quân sự NATO, theo tinh thần Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm 2008, Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập với sự ủng hộ của Mỹ và hầu hết các đồng minh. Tuy nhiên, khu vực ly khai này không nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Serbia, Nga, Trung Quốc và Liên hợp quốc nói chung không công nhận tuyên bố độc lập của Kosovo.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7577 Trong tuần: 17045 Trong tháng 167962 Tất cả: 17261525