“Phương châm của chúng tôi là luôn hợp tác bất cứ khi nào có thể, nhưng cũng bảo vệ bất cứ khi nào cần thiết” - Gabriele Visentin, đặc phái viên của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho biết. “Nó không nhằm vào một quốc gia riêng lẻ nào. Đó là một cách để nâng cao năng lực và uy tín của chúng tôi nhằm bảo vệ lợi ích của chúng tôi”.
Ông Visentin cho biết không có bằng chứng nào cho thấy một cuộc chiến sắp xảy ra trong khu vực bao trùm một phạm vi rộng lớn trên toàn cầu từ bờ biển phía Đông của châu Phi đến các quốc đảo Thái Bình Dương, nhưng EU lo ngại rằng “trật tự đa phương dựa trên luật lệ sẽ không được tôn trọng đầy đủ”. Ông nhấn mạnh việc phá vỡ “trật tự đa phương” sẽ phải trả giá rất đắt. Vì thế, bất kỳ quốc gia nào muốn dùng bạo lực để phá vỡ “trật tự đa phương” sẽ phải cân nhắc rất kỹ.
Hàm ý của ông Visentin muốn ám chỉ Trung Quốc khi đề cập vấn đề phá vỡ “trật tự đa phương”. Quốc gia này đang vị xem là “mối đe dọa” lớn nhất trong khu vực. Ông cho biết Trung Quốc được EU coi là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và là đối thủ”. Những lo ngại ngày càng tăng về việc xây dựng quân đội và các ý định chiến lược bùng lên sau khi hiệp ước an ninh được ký kết giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon hồi tháng 4 vừa qua khiến cho các đối tác truyền thống của quần đảo này như Australia, Mỹ và New Zealand sôi sục phản đối. Thỏa thuận mang ngôn từ lỏng lẻo đã gây ra cảnh báo rằng sự ổn định của khu vực có thể bị đe dọa, với việc Trung Quốc có cơ hội đưa các tàu chiến đến khu vực Thái Bình Dương cách bờ biển Australia chưa đầy 2.000 km.
Trong khi Pháp tuyên bố rằng họ “lo lắng ở nhiều cấp độ, đặc biệt là liên quan đến tham vọng của Trung Quốc với tư cách là một tác nhân an ninh khu vực”, Visentin miễn cưỡng bình luận về việc liệu EU có coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh hay không cho đến khi ông xem chi tiết của hiệp ước an ninh này và nói thêm rằng mọi quốc gia có quyền đưa ra các lựa chọn có chủ quyền. “Nhưng, tất nhiên, tín hiệu mà Quần đảo Solomon gửi đến chúng tôi rất to và rõ ràng: EU và các nước khác phải làm nhiều hơn nữa”, ông Visentin nói.
Sujiro Seam, đại sứ của EU tại Thái Bình Dương và Quần đảo Solomon, cho biết thỏa thuận chỉ ra rằng EU cần phải đẩy mạnh chiến lược an ninh ở khu vực Thái Bình Dương. “Kinh nghiệm của EU trong các vấn đề an ninh và quốc phòng ở Thái Bình Dương còn rất hạn chế. Đó là một thách thức cho tương lai, thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon phải được xem xét trong quá trình phát triển các hành động của EU về an ninh và quốc phòng trong khu vực.
Theo truyền thống ở Thái Bình Dương, EU là một đối tác phát triển. Thách thức chính là chứng tỏ rằng EU có thể trở thành một đối tác khác, một đối tác chiến lược trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Vào tháng 3, EU đã thông qua kế hoạch tăng cường chính sách an ninh và quốc phòng toàn cầu của mình. Như đã biết, La bàn Chiến lược của EU đưa ra một lộ trình để cải thiện khả năng của EU trong việc hành động một cách quyết đoán trong các cuộc khủng hoảng và bảo vệ an ninh cũng như công dân của EU.
Đại sứ Seam nói: “Việc áp dụng chiến lược này thậm chí còn phù hợp hơn, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine. “Cuộc chiến ở Ukraine là một thời khắc lịch sử góp phần khẳng định tham vọng của châu Âu trong các vấn đề an ninh và quốc phòng”.
Ông Visentin cho biết, một kế hoạch an ninh chuyên sâu hơn sẽ không liên quan đến việc thiết lập các căn cứ quân sự cũng như không triển khai quân đội trừ khi xảy ra khủng hoảng, mà là tiến hành huấn luyện quân sự và diễn tập trực tiếp trên đất liền và trên biển, tăng cường thông tin tình báo và cho tàu của EU đi qua các khu vực có lợi ích hàng hải.
Gần đây, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các cường quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, EU đã có cách tiếp cận mới đối với khu vực này thông qua chiến lược mang tên “Global Gateway”. Chiến lược là một tập hợp các kế hoạch với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế và chính sách đối ngoại, đồng thời đảm bảo lợi ích, an ninh cũng như các giá trị của châu Âu trong khu vực.
Khác với chiến lược của Mỹ, chiến lược của EU được xây dựng dựa trên nền tảng của chiến lược Kết nối châu Á - châu Á năm 2018, với nguyên tắc kết nối phải bền vững, toàn diện và dựa trên các quy tắc quốc tế, duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Điều này góp phần đa dạng hóa chuỗi giá trị, khẳng định tầm quan trọng của châu Âu về chính trị, quân sự và kinh tế, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh giữa EU với các nước lớn.
Trước khi chính thức công bố chiến lược Global Gateway, hướng đi mới của EU đối với châu Á - Thái Bình Dương đã được phỏng đoán thông qua nhiều động thái quân sự của khối. Pháp cũng đưa khu vực này trở thành mục tiêu chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của mình. Bên cạnh các hoạt động quân sự, Global Gateway còn có mục tiêu kết nối cơ sở hạ tầng quốc tế từ nay đến năm 2027, tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số, chuyển đổi năng lượng sạch, giao thông vận tải, kết nối giữa con người với con người, thương mại và chuỗi cung ứng linh hoạt,... lên tới 325 tỷ USD, trong đó hơn 20 tỷ được cấp theo các chương trình hỗ trợ bên ngoài của EU; 153 tỷ USD từ Quỹ Phát triển bền vững châu Âu; 164 tỷ USD từ các tổ chức tài chính tiên tiến và các tổ chức tài chính châu Âu. Tất cả đều nhằm tập hợp các thành viên nhà nước và các tổ chức tài chính nhằm tăng cường liên kết với các đối tác quốc tế, thúc đẩy kết nối đầu tư bền vững.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2912 Trong tuần: 46137 Trong tháng 197064 Tất cả: 17290624