Là đồng minh của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thường là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ tới châu Á. Tuy nhiên, chuyến thăm đầu tiên của ông Joe Biden tới khu vực này có phần bị trì hoãn. Trước đây, Tổng thống Barack Obama đã đến Tokyo hồi tháng 11/2009, 10 tháng sau khi nhậm chức. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng đã đến thăm khu vực này vào tháng 11/2017 trong chuyến công du quan trọng tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và APEC, trong đó gồm các điểm dừng chân tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Dĩ nhiên, các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch COVID-19 đã góp phần cản trở chuyến thăm diễn ra sớm hơn, nhưng ông Joe Biden vẫn chậm hơn 6 tháng so với những người tiền nhiệm trong việc củng cố mối quan hệ thông qua chuyến thăm trực tiếp tới các đồng minh châu Á của Mỹ.
Cho đến nay, ông Joe Biden đã thực hiện 3 chuyến công du nước ngoài và tất cả đều là các điểm đến ở châu Âu, bao gồm chuyến đi dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 do Anh tổ chức vào tháng 6/2021; dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Italy vào tháng 10/2021; và dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO bất thường và cuộc họp G7 vào tháng 3, liên quan đến xung đột Nga-Ukraine. Thời điểm chuyến công du của người đứng đầu Nhà Trắng đến Hàn Quốc và Nhật Bản là khá trễ để gạt đi suy nghĩ rằng Mỹ đang quá bận rộn ở châu Âu vào thời điểm hiện tại, nên không thể dành sự quan tâm cần thiết cho châu Á.
Chuyến công du của Tổng thống Joe Biden sẽ bắt đầu tại Hàn Quốc, nơi hoạt động nổi bật sẽ là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa ông và Tổng thống đắc cử nước chủ nhà Yoon Suk-yeol, người sẽ nhậm chức vào ngày 10/5 tới. Ông Yoon Suk-yeol đã nhấn mạnh rằng việc tăng cường mối quan hệ liên minh Hàn-Mỹ là trụ cột trong chính sách đối ngoại của ông, vì vậy kỳ vọng sẽ rất cao đối với cuộc gặp này.
Về phía Mỹ, thông qua chuyến thăm, ông Joe Biden sẽ đặc biệt muốn tiếp tục động lực từ Hội nghị Thượng đỉnh năm 2021 với người đồng cấp Moon Jae-in, trong đó thừa nhận rằng ý nghĩa của mối quan hệ Mỹ-Hàn vượt xa vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, dựa trên những giá trị chung của hai nước và phương pháp tiếp cận tương ứng đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Moon Jae-in đã thúc đẩy hợp tác Mỹ-Hàn sang các lĩnh vực mới như quản lý chuỗi cung ứng và hợp tác về công nghệ vốn rất quan trọng đối với an ninh quốc gia (đáng chú ý nhất là chất bán dẫn).
Về phần mình, ông Yoon Suk-yeol sẽ tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thử tên lửa. Triều Tiên đã phá kỷ lục về các vụ thử tên lửa trong vòng một tháng (hồi tháng 1 vừa qua) và thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào tháng 3. Những động thái này làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Trước các thông tin cho rằng Bình Nhưỡng đang xây dựng lại bãi thử hạt nhân, nhiều ý kiến lo ngại Triều Tiên sẽ sớm tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân tại khu vực hỗn hợp này. Chính vì vậy, hội nghị thượng đỉnh ngày 21/5 tới sẽ là cơ hội đầu tiên để hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn thể hiện cách tiếp cận thống nhất đối với Triều Tiên, một vấn đề mà ông Yoon Suk-yeol được dự báo là sẽ có chính sách khác biệt so với người tiền nhiệm.
Sau Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ sẽ đến Nhật Bản để dự hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên với Thủ tướng Kishida Fumio, người đã nhậm chức vào tháng 10/2021. Ông Joe Biden và ông Kishida Fumio đã nhiều lần gặp nhau trực tuyến và bên lề các cuộc họp đa phương được tổ chức tại Brussels vào đầu năm nay, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau trong chuyến thăm chính thức.
Trước đó, Nhật Bản đã cố gắng thu xếp để ông Kishida Fumio sang thăm Washington trong năm 2021, nhưng các ưu tiên chính trị trong nước của cả hai bên đã khiến việc lên lịch không thể thực hiện được. Tại Nhật Bản, Tổng thống Joe Biden cũng sẽ có hội nghị thượng đỉnh quy tụ các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ tứ (Quad) bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Đây là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần thứ hai của nhóm, sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu tại Washington D.C vào tháng 9/2021. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai là một bước nữa nhằm thể chế hóa cuộc họp này. Vai trò chủ nhà của Nhật Bản lần này mở ra cơ hội mời các nhà lãnh đạo khác tham gia và khám phá các lựa chọn cho việc mở rộng nhóm. Theo các quan chức Nhật Bản, Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ sẽ được tổ chức vào ngày 24/5 tới.
Ngoài các vấn đề an ninh, chuyến thăm của ông Joe Biden tới Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tạo cơ hội để xác định chương trình nghị sự kinh tế của chính quyền Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn còn mơ hồ và đối tác khu vực chưa thuyết phục về những lợi ích. Hàn Quốc và Nhật Bản, với tư cách là những đồng minh mạnh mẽ của Mỹ, sẽ tạo ra một “sân khấu thân thiện” để Tổng thống Mỹ có thêm một số cơ hội trong khuôn khổ này. Bà Jen Psaki đã chỉ ra rằng các vấn đề kinh tế sẽ là một phần của chuyến thăm này.
Người phát ngôn Nhà Trắng tiết lộ: “Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các cơ hội để làm sâu sắc hơn các mối quan hệ an ninh quan trọng của chúng tôi, tăng cường quan hệ kinh tế và mở rộng hợp tác chặt chẽ để mang lại những kết quả thiết thực”. Tuy nhiên, việc dành bao nhiêu thời gian cho các mối quan hệ kinh tế so với các vấn đề an ninh vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ, một câu hỏi sẽ được các đối tác khác của khu vực theo dõi chặt chẽ với hy vọng tăng cường gắn kết với nền kinh tế Mỹ.
Nguồn: cand.com.vn