Từ câu chuyện thừa – thiếu vaccine
Cuối tháng 4 vừa qua, Đan Mạch đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tạm dừng chương trình tiêm chủng COVID-19 quốc gia với lý do: dịch đã được kiểm soát. Ủy ban Y tế Quốc gia Đan Mạch tuyên bố, tỷ lệ bao phủ vaccine của dân số Đan Mạch ở mức cao với 89% người dân từ 12 tuổi trở lên đã tiêm phòng đầy đủ. Do đó, Ủy ban Y tế Quốc gia sẽ tạm thời dừng những chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Cũng vào cuối tháng 4, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - Viện Huyết thanh của Ấn Độ - đã tạm dừng sản xuất phiên bản trong nước vaccine COVID-19 của AstraZeneca do nhu cầu giảm. Còn nhớ chỉ một năm trước, Ấn Độ - nơi được mệnh danh là "nhà thuốc của thế giới" – đã hạn chế xuất khẩu trong bối cảnh COVID-19 ở Ấn Độ đang ở trạng thái cảnh báo đỏ. Song, xuất khẩu vaccine COVID-19 ở Ấn Độ được nối lại vào tháng 11/2021.
Viện Huyết thanh Ấn Độ đã sản xuất hơn một tỉ liều Covishield – một phiên bản của vaccine AstraZeneca - và là nhà cung cấp chính cho chương trình tiêm chủng toàn cầu cho các nước nghèo hơn COVAX. Nhưng Giám đốc Viện Huyết thanh Ấn Độ Adar Poonawalla hôm 22/4 cho hay: “Chúng tôi có 200 triệu liều dự trữ. Chúng tôi đã ngừng sản xuất vào tháng 12.Tôi thậm chí đã đề nghị quyên góp miễn phí cho bất kỳ ai muốn lấy vaccine".
Ông Adar Poonawalla đồng thời chia sẻ tại một diễn đàn kinh tế do Times Network tổ chức rằng: "Tôi không biết phải làm gì với sản phẩm. Vì vậy, tôi phải báo ngừng sản xuất. Nếu không, tất cả sẽ hết hạn sử dụng".
Trên thực tế, từ giữa năm ngoái, sản lượng vaccine COVID-19 toàn cầu đã vượt quá nhu cầu. Cho đến nay, thế giới sản xuất được 13 tỷ liều vaccine và đã tiêm 11 tỷ liều, theo Liên đoàn Sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm Quốc tế (IFPMA). Nhóm nghiên cứu khoa học Airfinity dự kiến các hãng sẽ sản xuất thêm 9 tỷ liều nữa trong năm 2022.AP nhận định, một cuộc khủng hoảng thừa vaccine đang diễn ra. Nhiều quốc gia phát triển đang ở tình trạng cung vượt quá cầu, nhưng còn hàng tỉ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng, hầu hết trong số họ ở các quốc gia đang phát triển.
Một ví dụ thực tế, đó là gần 80% dân số Pháp đã tiêm hai liều vaccine, trong khi chỉ 15% dân số tại các nước châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu của Đại học Oxford. Điều này cho thấy, khoảng cách tiêm chủng giữa nước phát triển và thu nhập thấp hiện vẫn rất lớn, khiến bài toán vaccine, tưởng như đã có hướng đi, lại vẫn chưa thể tìm ra đáp số cuối cùng.
Đến bức tranh gỡ bỏ hạn chế toàn cầu
Khi mức độ bao phủ vaccine tăng lên, trên thế giới ngày càng có nhiều nước tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp hạn chế dịch. Hàng loạt quốc gia đã chọn ngày 1/5 là thời điểm bắt đầu áp dụng các quy định nới lỏng hoặc dỡ bỏ hạn chế, dấu hiệu rõ ràng cho thấy thế giới đã đạt được bước tiến đáng kể trong cuộc chiến với virus SARS-CoV-2.
Tại châu Âu, từ ngày 1/5, các nhà hàng, quán bar và cửa hàng tại Hy Lạp không yêu cầu chứng nhận tiêm phòng. Bulgaria dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhập cảnh đối với du khách quốc tế.Đức ngừng áp dụng quy định kiểm dịch bắt buộc đối với những người mắc COVID-19.Ở phía Tây bán cầu, Chile mở cửa trở lại tất cả các đường biên giới trên bộ từ ngày 1/5. Ngày đầu tiên của tháng 5 cũng đánh dấu việc Kuwait dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch COVID-19, đeo khẩu trang không còn là yêu cầu bắt buộc cả ở trong nhà lẫn ngoài trời, tất cả người nhập cảnh.
Tại Đông Nam Á, du khách đã được tiêm chủng đầy đủ khi nhập cảnh Thái Lan không phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Malaysia cũng áp dụng quy định tương tự, trong khi bảo hiểm du lịch không phải là điều kiện tiên quyết đối với người nước ngoài nhập cảnh. Hộ chiếu vaccine trở thành thứ quan trọng giúp các quốc gia định hình lại cuộc sống của mình, và cũng là thứ được cho là giúp các quốc gia mở cửa thông hành với thế giới.
Song, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một tuyên bố gần đây tiếp tục kêu gọi các quốc gia duy trì giám sát các ca mắc COVID-19, cho rằng thế giới đang "xem nhẹ" cách thức virus lây lan do tỷ lệ xét nghiệm giảm. Theo người đứng đầu WHO, khi mà nhiều nước giảm xét nghiệm, WHO sẽ ngày càng nhận được ít thông tin về cách thức lây lan và giải trình tự. Điều này khiến thế giới ngày càng khó nắm bắt được các mô hình lây truyền và tiến hóa của virus, đe dọa nỗ lực chống dịch bấy lâu nay của các quốc gia.
WHO khẳng định dù nhiều nước đang dần dỡ bỏ những biện pháp phòng dịch và trở lại cuộc sống như trước, nhưng virus SARS-CoV-2 chưa biến mất, vẫn đang lây lan, biến đổi và gây các ca tử vong. Mối đe dọa về một biến thể mới nguy hiểm vẫn hiện hữu và thế giới vẫn chưa hiểu hết những hậu quả lâu dài đối với các trường hợp đã khỏi bệnh. Trong bối cảnh đó, hướng tiếp cận thận trọng và an toàn đối với COVID-19 sẽ tạo thành lá chắn vững chắc trên hành trình thế giới trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.
Ủy ban châu Âu cũng cảnh báo, dù số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 giảm trong thời gian gần đây, song vẫn còn nguy cơ gia tăng số ca mắc mới khi virus tiếp tục biến đổi. Bởi vậy, các quốc gia cần chuẩn bị các kế hoạch để nhanh chóng trở lại trạng thái khẩn cấp khi cần và nên đẩy mạnh các chiến dịch tiêm phòng.
Mặc dù vậy, nghịch lý vẫn tiếp tục diễn ra. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla mới đây cảnh báo nước này có thể bước vào làn sóng COVID-19 thứ năm sớm hơn so với dự kiến sau khi số ca mắc mới trong nửa tháng qua tăng ở mức ổn định, khi các biến thể phụ của COVID-19 vẫn xuất hiện. Trong khi đó, cũng tại Nam Phi, nhà máy đóng lọ vaccine COVID-19 của Hãng dược Aspen Pharmacare cho biết đã tạm dừng hoạt động suốt mấy tháng qua do không nhận được đơn hàng nào và đang có nguy cơ phải đóng cửa vì ế ẩm.
“Nếu chúng tôi không nhận được đơn hàng nào, không có lý do gì để giữ lại các dây chuyền sản xuất vaccine hiện có", ông Stavros Nicolaou, một giám đốc điều hành của Aspen chia sẻ với Reuters hôm 2/5. Hãng dược này hồi tháng 11 năm ngoái đã đàm phán thành công với Johnson&Johnson để đóng lọ và bán vaccine COVID-19 cho toàn thị trường châu Phi. Tuy nhiên kể từ đó cho đến nay, vaccine mang thương hiệu Aspenovax không nhận được đơn đặt hàng nào tại châu Phi, bất chấp thực tế chỉ có 1/6 người lớn của lục địa này đã tiêm chủng đủ liều.
Theo Hãng tin Reuters, một trong những lý do khiến nhà máy của Aspen phải "đắp chiếu" là do khó khăn trong khâu vận chuyển, bảo quản và phân phối vaccine. Tổ chức Y tế thế giới và cơ chế phân phối vaccine COVAX từng nêu thực trạng châu Phi từ chối nhận thêm vaccine COVID-19 do không có đủ tủ đông lạnh, việc tiếp cận các điểm tiêm chủng và đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, châu Phi đang nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn so với thời kỳ đầu đại dịch và có thể mua các nguồn vaccine khác nhau từ viện trợ.
Cuộc chiến chống COVID-19, kéo dài suốt hơn 2 năm qua ở quy mô toàn cầu, đã ghi nhận những thành công lớn, tiếp thu những bài học lớn, và tích lũy vô vàn kinh nghiệm lớn, với một mục tiêu chung là đưa cuộc sống trở lại bình thường. Song, ngay khi cuộc sống có xu hướng trở lại bình thường, những rủi ro mà COVID-19 gây ra vẫn âm thầm tồn tại, từ bài toán phân bổ vaccine hợp lý, đến cơ chế mở cửa phù hợp giữa các quốc gia. Đáp số của cuộc chiến chống COVID-19 sẽ chưa thể dừng ở giảm thiểu số người mắc và tử vong, mà còn ở một cơ chế phân bổ vaccine và mở cửa đồng nhất, linh hoạt và công bằng giữa các quốc gia, theo Politico.
Nguồn: cand.com.vn