Trong khuôn khổ chuyến thăm bắt đầu từ ngày 2/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Narendra Modi sẽ gặp gỡ Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng như tham dự các phiên họp của Hội đồng tham vấn liên chính phủ hay các sự kiện về hợp tác kinh doanh. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của ông Modi và cũng là chuyến công du đầu tiên kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
“Chuyến thăm của tôi tới châu Âu diễn ra vào thời điểm khu vực này phải đối mặt với nhiều thách thức và lựa chọn. Xung đột Ukraine sẽ là một trọng tâm trong chuyến công du, mặc dù trọng tâm chính sẽ xoay quanh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thương mại và phát triển xanh”, Thủ tướng Ấn Độ chia sẻ trước thềm chuyến đi.
Đáng chú ý, chuyến thăm của ông Modi diễn ra chỉ một thời gian ngắn sau khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tham dự Đối thoại Raisina, một sự kiện đối ngoại quan trọng của Ấn Độ. Phát biểu từ New Delhi, bà von der Leyen đã ca ngợi Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới và cam kết sẽ thắt chặt thêm quan hệ thương mại giữa hai bên. Giống như bà von der Leyen, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã đến thăm Ấn Độ vào cuối tháng 4 vừa qua, nơi ông tập trung vào triển vọng hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Theo Politico, việc Liên minh châu Âu (EU) “xích lại” gần Ấn Độ cho thấy sự nỗ lực tìm kiếm đồng minh của EU tại khu vực châu Á, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Bên cạnh đó, lộ trình bình thường mới hậu COVID-19 chứng minh rằng quan hệ giữa Ấn Độ và châu Âu còn nhiều dư địa để phát triển. TOT nhận định, ngay cả khi còn tồn tại những sự khác biệt về quan điểm trong vấn đề Ukraine, mối quan hệ đối tác giữa châu Âu và Ấn Độ cũng không vì thế mà chệch hướng.
Trên thực tế, Ấn Độ là đối tác chiến lược quan trọng của EU và là đối tác thương mại lớn thứ ba của khối này, chiếm 62.8 tỷ euro (66.4 tỷ USD) kim ngạch thương mại hàng hóa vào năm 2020 và là điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ. "Không có vấn đề lớn nào có thể được giải quyết nếu không có Ấn Độ", Tobias Lindner, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Đức cho biết trước chuyến thăm. Đức cũng là điểm dừng chân đầu tiên của ông Modi tại châu Âu. Tuy nhiên, Ấn Độ và nhiều nước châu Âu nói chung, cũng như các đồng minh của Mỹ, không có chung lập trường về chiến sự Ukraine.
Cụ thể, không chỉ không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow, Ấn Độ cũng không chỉ trích việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Các chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng, các cuộc gặp sẽ giúp ông Modi hiểu rõ hơn quan điểm của Đức và EU về Ukraine. Vì thế, bên cạnh các chủ đề hợp tác song phương, chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng sẽ bàn thảo các vấn đề an ninh, chính trị toàn cầu như cuộc chiến tại Ukraine, ổn định và hòa bình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo DW, chuyến công du sẽ là cơ hội để ông Modi “giãi bày” lòng mình trong vấn đề Ukraine và tháo gỡ sự khác biệt về quan điểm giữa EU và Ấn Độ liên quan đến vấn đề này.
Một vấn đề nhức nhối trong quan hệ EU-Ấn Độ là việc thiếu một hiệp định thương mại tự do. Nỗ lực kéo dài 7 năm trước để đạt được một thỏa thuận đã rơi vào bế tắc, mặc dù cả hai bên hiện đang cố gắng khôi phục các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, các vấn đề nan giải như nông nghiệp hay quyền lao động vẫn chưa được giải quyết. Theo DW, Ấn Độ sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Đức và Pháp trong việc thúc đẩy thông qua một hiệp định thương mại tự do mà Delhi đang đàm phán với Brussels.
"Đây là cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Modi và người đồng cấp Đức Scholz, và mối quan hệ cá nhân sẽ giúp thúc đẩy cả quan hệ song phương và đổi mới quan hệ của EU lên một tầm cao mới trong thời điểm hiện tại. Cả Đức và Pháp đều là chìa khóa quan trọng trong bối cảnh tiếp tục đầu tư vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Veena Sikri, một cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ, nói với DW.
Bên cạnh đó, các nước Bắc Âu nhìn thấy ở Ấn Độ cơ hội hợp tác với một nền kinh tế rộng lớn và dân số trẻ. Ngoài ra, một số sáng kiến trên phạm vi rộng đã được Ấn Độ thực hiện trong những năm gần đây, bao gồm thuế hàng hóa và dịch vụ..., đã làm tăng đáng kể sức hấp dẫn của nước này như một điểm đến đầu tư và kinh doanh. Vì thế, tiếng nói chung, không chỉ trong vấn đề Ukraine, sẽ là điều mà châu Âu và Ấn Độ kỳ vọng.
Nguồn: cand.com.vn