Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, hôm 15/4 (giờ địa phương) cho hay: “Bộ Quốc phòng đã nhận được lệnh của Tổng thống sẵn sàng đưa ra các đề xuất nhằm củng cố sườn phía Tây nếu NATO tiếp tục tăng cường quân sự gần biên giới của chúng tôi. Một khi kế hoạch tăng cường biên giới phía Tây được đưa ra, tất cả các lựa chọn an ninh sẽ được xem xét”.
Tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc 2 nước láng giềng của Nga là Thụy Điển và Phần Lan đang cân nhắc khả năng gia nhập NATO, liên minh quân sự lớn nhất thế giới, với quyết định chính thức sẽ được đưa ra trong vài tuần tới. Trong khi đó, với lý do căng thẳng ở miền Đông và Nam Ukraine, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần này đã lần đầu tiên hỗ trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine bất chấp việc Nga đã nhiều lần cảnh báo về việc các nước phương Tây chuyển giao thêm vũ khí. Động thái của các bên dường như đang đẩy mức độ căng thẳng của cuộc chiến lên một nấc thang mới.
Theo chuyên gia phân tích Takakaga Fujita của Nhật Bản, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đang đi vào bế tắc, các bên cần kiềm chế những bước đi có thể thổi bùng hơn nữa ngọn lửa căng thẳng tại châu Âu. “Việc NATO liên tục mở rộng về phía Đông đang làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực. Tôi cho rằng điều này là hoàn toàn sai lầm và có thể dẫn đến chiến tranh. Đối với các nước châu Âu , không có căn cứ nào để ủng hộ những lập luận cho rằng NATO phải mở rộng về phía Đông”, ông Takakaga Fujita nói.
Trước đó, hồi giữa tháng 3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov từng cảnh báo Mỹ về những hậu quả tiềm tàng của việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, nói rằng các đoàn xe chở vũ khí nước ngoài sẽ là “mục tiêu hợp pháp” của Nga. Bên cạnh đó, việc tuần dương hạm Moscow của Nga bị chìm trên Biển Đen mới đây được dự báo sẽ có những tác động không nhỏ tới cuộc xung đột.
Trong khi Ukraine tuyên bố đã tấn công soái hạm của hạm đội Biển Đen Nga bằng hai quả tên lửa hành trình Neptune sản xuất trong nước, Moscow khẳng định nguyên nhân sự cố tàu là do hoả hoạn. Tuần dương hạm này đi vào hoạt động năm 1983, được trang bị 16 tên lửa hành trình chống hạm Vulcan với tầm bắn ít nhất 700 km. Dù chủ yếu mang giá trị biểu tượng, song việc tàu Moscow bị chìm đã một lần nữa cho thấy vòng xoáy căng thẳng không hồi kết giữa Nga, Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Việc gia tăng đối đầu ở một khu vực quan trọng đối với kinh tế, chính trị toàn cầu có thể làm trầm trọng hơn nữa những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và những mối đe dọa an ninh chung.
Giới chuyên gia đánh giá, xung đột Nga – Ukraine là một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn ở châu Âu trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Về nguyên nhân, ông Feng Yujun, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Fudan (Trung Quốc), cho rằng có những quan điểm khác nhau từ hai phía. Nga nhấn mạnh sự mở rộng về phía Đông của NATO và nỗ lực gia nhập liên minh này của Ukraine là những lý do cơ bản khiến Moscow phải dùng đến vũ lực.
Ở phía bên kia, nhiều quốc gia coi đây là một cuộc tấn công vào một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Vậy triển vọng của cuộc xung đột là gì? Ông Feng Yujun lưu ý, do một số mục tiêu mà Nga đề ra ban đầu chưa đạt được, nên ở mức độ nào đó, Nga đã và đang điều chỉnh mục tiêu cuối cùng cũng như chiến thuật trên thực địa cho phù hợp với điều kiện thay đổi và phản ứng của đối thủ trong cuộc xung đột này. Kết quả của cuộc xung đột chủ yếu sẽ bị ảnh hưởng bởi bốn yếu tố. Đầu tiên là sự phản kháng của Ukraine. Như những gì đã và đang xảy ra, Kiev đã thể hiện ý chí chính trị rất mạnh mẽ để tự vệ, cũng như khả năng chiến đấu tương đối kiên cường. Thứ hai là sức mạnh của Nga.
Nếu so sánh riêng với Ukraine, Nga chắc chắn nắm những lợi thế áp đảo. Tuy nhiên, cuộc xung đột này không chỉ diễn ra giữa Nga và Ukraine, vì Kiev đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Trong hoàn cảnh đó, lợi thế Nga đương nhiên giảm đi. Thứ ba là dư luận trong nước Nga. Tâm lý phản đối cuộc xung đột vẫn còn tồn tại kể từ khi nó nổ ra. Và cuối cùng là phản ứng quốc tế. Khi xung đột bùng phát, nhiều quốc gia, bao gồm các quốc gia trung lập truyền thống như Thụy Sĩ và Phần Lan, đã hỗ trợ rất nhiều cho Ukraine, đồng thời gây áp lực lớn với Nga.
Cuộc xung đột đã kéo dài hơn một tháng và giao tranh vẫn tiếp tục song song với các cuộc đàm phán ngoại giao. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình sẽ không đạt được kết quả thực tế ngay lập tức vì quan điểm và sự thỏa hiệp của hai bên vẫn còn khác xa nhau. Sự khác biệt cốt lõi nằm ở việc Moscow muốn Kiev công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, cũng như khu vực Donbass độc lập, điều khó có thể chấp nhận với Ukraine. Đó là lý do tại sao cuộc xung đột sẽ tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa. Vậy xung đột Nga-Ukraine gây ảnh hưởng thế nào?
Theo chuyên gia Feng Yujun, mặc dù Ukraine sẽ không gia nhập NATO sau xung đột, nhưng khả năng cao là nước này sẽ gia nhập EU và có xu hướng áp dụng con đường phát triển của châu Âu hơn. Dưới các lệnh trừng phạt quốc tế, Nga có thể bị cô lập tương đối và bị hạn chế tham gia vào các hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế. Cuộc xung đột này cũng là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển thế giới sau Chiến tranh Lạnh, điều này được thấy rõ ở hai khía cạnh. Trong lĩnh vực an ninh quốc tế, châu Âu đã trở nên thống nhất hơn, NATO được hồi sinh và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương được củng cố.
Trong khi đó, nhiều nước đã đặt câu hỏi về vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong việc gìn giữ hòa bình toàn cầu và khu vực. Trong tương lai, việc cải tổ LHQ, bao gồm cả HĐBA, có thể được đẩy nhanh, điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào thể chế quản trị an ninh toàn cầu, vốn lấy hội đồng này làm khuôn khổ chính kể từ Thế chiến II. Về kinh tế, quá trình toàn cầu hóa sẽ phân mảnh hơn nữa.
Trong chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, Mỹ đã tìm cách tiến hành quá trình “phi Trung Quốc hóa” (Desinicization - loại bỏ hoặc giảm bớt các yếu tố, bản sắc hoặc văn hóa Trung Quốc khỏi một xã hội hoặc quốc gia), nhưng việc tách rời hoàn toàn đã gặp khó khăn vì Trung Quốc có sự ràng buộc chặt chẽ với hệ thống kinh tế thế giới. Tuy nhiên, hiện tại đang chứng kiến sự “phi Nga hóa”, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng của phương Tây.
Mỹ đã đưa ra lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga, EU đã quyết định cắt giảm 2/3 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Nga trong năm nay nhằm mục đích chấm dứt cơ bản sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga vào năm 2027. Trong hoàn cảnh đó, các chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm các chuỗi cung ứng năng lượng đều đang được định hình lại một cách nhanh chóng.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3526 Trong tuần: 14560 Trong tháng 266051 Tất cả: 17359615