Lời cảnh báo từ châu Phi
Châu Phi là châu lục ít khả năng tự chủ về lương thực nhất. Hằng năm, "châu lục đen" phải nhập khẩu hàng chục triệu tấn lương thực, đặc biệt là lúa mì từ khắp nơi trên thế giới để đáp ứng nhu cầu của mình. Bất kỳ biến động nào trên thị trường toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người ở đây. Và, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng nổ.
Nam Phi, đất nước giàu có nhất châu Phi đã đưa ra những cảnh báo đầu tiên, chỉ vài tuần sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp Nam Phi cho biết: trong 5 năm (2016-2020), Nam Phi nhập khẩu trung bình 1,8 triệu tấn lúa mì mỗi năm, chiếm 50% nhu cầu tiêu thụ hằng năm của nước này. Trong đó, nhập khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine trung bình lần lượt là 34% và 4%. Từ khi cuộc xung đột nổ ra, những cảng biển của hai nước bị đóng lại, nguồn cung bị ngắt quãng, nhiều đơn hàng đã dừng lại và để bù đắp nguồn thiếu hụt trong nước, Nam Phi phải tăng cường nhập khẩu từ các quốc gia khác. Ông Wandile Sihlobo (Phòng Kinh doanh nông nghiệp Nam Phi) cho biết: “Nam Phi chưa phải đối mặt với vấn đề thiếu lương thực trong tương lai gần nhưng giá lương thực chắc chắn sẽ tăng”.
Nam Phi mới chỉ phụ thuộc gần 40% nhu cầu lương thực của mình vào Nga và Ukraine nhưng nhiều quốc gia khác thì không "may mắn" như vậy. Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu kết hợp của Nga/Ukraine cho 70% nguồn cung lúa mì của họ. Tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Yemen, Libya và Lebanon cũng phụ thuộc với tỷ lệ hơn 50% nguồn cung lúa mì từ hai nước trên.
Các nước ở Nam - Đông Nam Á, như Indonesia và Bangladesh cũng phụ thuộc nhiều vào lúa mì từ khu vực này.Các nhà nhập khẩu lúa mì Ukraine lớn nhất là Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Indonesia và Pakistan. Trong khi đó, Nga là nguồn cung cấp lúa mì chủ yếu cho nhiều nước châu Phi cận Sahara, bao gồm Nigeria và Sudan, Nam Sudan.
Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới còn Ukraine là nước lớn thứ năm. Cùng nhau, họ cung cấp 19% nguồn cung lúa mạch, 14% lúa mì và 4% ngô của thế giới, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Nga còn là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, nguyên liệu quan trọng để sản xuất nông nghiệp ở bất cứ đâu.Khi chiến sự nổ ra, nguồn cung những mặt hàng này ngay lập tức bị ảnh hưởng.
Mọi chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở việc tăng giá, rất có thể các nước châu Phi sẽ rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng khi cuộc xung đột kéo dài. Ông Wandile Sihlobo bi quan: "Các quốc gia sẽ gặp nhiều thách thức nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài hơn 3 tháng - vì thông thường các quốc gia chỉ dự trữ lương thực từ 3 đến 5 tháng”.
Một thế giới "đói" hơn...
Nhưng, sự thật là từ trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, đã xuất hiện những cảnh báo về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Giá lương thực toàn cầu đã liên tục tăng kể từ tháng 6-2020 và hiện ở mức cao kỷ lục trong hơn 1 thập kỷ qua. Theo FAO, chỉ trong 12 tháng qua, giá lương thực thế giới đã tăng tới 40% và xu hướng này không hề có dấu hiệu giảm.
Biến đổi khí hậu đang làm ảnh hưởng đến mùa vụ ở khắp nơi trên thế giới. Hiện tượng La Nina quay trở lại từ cuối năm 2021 đã dẫn đến hạn hán ở Nam Mỹ và mưa quá nhiều ở Đông Nam Á. Hai nhà sản xuất lúa mì quan trọng khác là Mỹ và Canada cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán trong năm ngoái. Giá của các nguyên liệu đầu vào tiêu tốn nhiều năng lượng như nhiên liệu, phân bón và thuốc trừ sâu cũng ở mức cao trong 2 năm qua, khi đại dịch COVID kéo dài. Các biện pháp hạn chế đi lại khiến nhiều nông trại thiếu người thu hoạch. Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu tăng cùng các vấn đề về chuỗi cung ứng đẩy giá thành lên.
Ở một diễn biến khác, nhu cầu sản xuất dầu diesel sinh học tăng cao đã làm tiêu tốn một lượng lớn lương thực. Diện tích trồng cây lương thực bị chuyển đổi sang các loại cây công nghiệp ngày càng nhiều. Và, những cuộc xung đột ở khắp nơi trên thế giới làm cho tình trạng thiếu lương thực trở nên tồi tệ hơn.
Bất chấp việc gia tăng năng suất bằng công nghệ, ngành nông nghiệp toàn cầu vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. Trong vòng 3 năm qua, trong khi dân số thế giới tăng ở mức 1.05%/năm thì sản lượng lương thực chỉ tăng được 0.7%/năm (theo báo cáo của FAO), một con số thực tế để nói lên rằng, chúng ta đang "đói" hơn.
Theo báo cáo của Tổ chức Tầm nhìn thế giới công bố cuối năm 2021, thế giới hiện có 855 triệu người lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực. Ở châu Phi, cứ 5 người thì có 1 người phải đối mặt với nạn đói.Có tới 282 triệu người châu Phi đã phải trải qua nạn đói trong đại dịch, cao hơn gấp đôi tỷ lệ của bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.
Nhưng, họ không phải là duy nhất.Theo Chương trình lương thực thế giới (WFP), gần một nửa trong số 30 triệu người Yemen hiện không đủ thức ăn. Ở Bangladesh, 29 triệu người thiếu ăn và hơn 30% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mãn tính. Indonesia cũng có 26 triệu người không đủ lương thực tiêu thụ trong năm qua.
...dẫn đến một thế giới bất ổn hơn
Cuộc xung đột ở Ukraine có thể sẽ bị đổ lỗi cho tình trạng giá lương thực toàn cầu đang tăng chóng mặt những tháng gần đây. Nhưng, thực tế, đó chỉ là một cuộc xung đột khu vực đang diễn ra như nhiều cuộc xung đột khác trên thế giới.
Dĩ nhiên khi xung đột nổ ra, nó làm ảnh hưởng tới mùa vụ.Những cánh đồng lương thực giờ đây trở thành những cánh đồng hoang hoặc thậm chí là bãi chiến trường. Ngay lập tức, nguồn lương thực trong khu vực xung đột khó có thể tự đảm bảo được. Giá lương thực sẽ tăng cao. Nền kinh tế tại các khu vực xung đột cũng bị hủy hoại lâu dài, sản xuất mất nhiều năm mới phục hồi được. Những dòng người tị nạn ở khắp nơi sẽ là gánh nặng với cả những quốc gia lân cận. Gánh nặng đó sẽ làm giảm tốc độ phát triển chung của thế giới và gia tăng đói nghèo. Đói nghèo thì lại là nguồn gốc của rất nhiều cuộc xung đột mới. Một vòng luẩn quẩn không hồi kết. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu đã khẳng định: Giá lương thực cao hơn có thể góp phần gây ra xung đột ngay cả ở những khu vực trên thế giới không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự kiện ban đầu.
Trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào, những người nghèo hay những quốc gia nghèo nhất sẽ bị tác động lớn nhất. Khi giá lương thực tăng cao, các nước giàu có thể mất thêm tiền cho việc thu mua lương thực từ khắp nơi trên thế giới nhưng những nước nghèo thì không có đủ ngân sách cho việc này. Vậy là lạm phát ở các nước giàu cũng làm khổ người nghèo hơn.
Một trong những vấn đề lớn của toàn cầu hóa là khi "vấn đề" xảy ra ở một phần của thế giới thì gần như ngay lập tức ảnh hưởng đến các phần còn lại. Năm 2010, hạn hán ở Trung Quốc, Nga và Ukraine đã làm giá ngũ cốc lập đỉnh, được cho là nguyên nhân thúc đẩy "mùa xuân Ảrập". Cụm từ “an ninh lương thực”, chính vì thế, đã được đề xuất kể từ Hội nghị Lương thực thế giới đầu tiên vào năm 1974 ở Rome. Theo đó, Liên Hợp quốc đã kêu gọi các biện pháp đảm bảo sự ổn định quốc tế về giá lương thực và yêu cầu các chính phủ có trách nhiệm xóa bỏ nạn đói trên toàn thế giới.
Nhưng, với tình hình lạm phát lương thực hiện nay và sự bất ổn trong chuỗi hàng hóa toàn cầu, sự chú ý cần phải được hướng vào nhu cầu đảm bảo tăng cường sản xuất trong nước và khu vực, thay vì phụ thuộc vào các nhà sản xuất ở xa và thị trường quốc tế không ổn định. Có điều, ngay cả khi đầu tư vào sản xuất tại chỗ lúc này, hiệu quả cũng chỉ có thể thu được sau một vài năm. Và, chắc chắn, tiến trình này cần những nỗ lực trên trên quy mô rộng lớn, hơn là chỉ tập trung trên mấy cánh đồng.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1027 Trong tuần: 25004 Trong tháng 276501 Tất cả: 17370060