"Không ai vội vàng", RT ngày 5/4 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov phát biểu, khi ông được hỏi về lộ trình của Nga xung quanh yêu cầu các nước "không thân thiện" thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble. "Đây là động thái diễn ra từ từ, theo từng giai đoạn".
Theo quan chức Nga, Moscow khẳng định quá trình thanh toán khí đốt bằng đồng ruble được áp dụng "có cân nhắc đến tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu" và "được tính toán kĩ lưỡng". "Chắc chắn không có chỗ cho những thay đổi đột ngột", ông Peskov nói.
Tuyên bố được ông Peskov đưa ra gần một tuần từ thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31/3 ký sắc lệnh buộc các quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán các hợp đồng khí đốt với Nga bằng đồng ruble từ tháng 4/2022.
Điện Kremlin cho biết việc thanh toán khí đốt bằng đồng ruble sẽ là "nguyên mẫu" để mở rộng sang các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Nga, trong bối cảnh Moscow bị hạn chế khả năng tiếp cận nguồn dự trữ ngoại tệ do các biện pháp trừng phạt.
Theo truyền thông Nga, danh sách khách hàng "không thân thiện" của Nga có tên những nước, vùng lãnh thổ đã ban bố lệnh trừng phạt chống Nga vì tình hình Ukraine, nổi bật nhất là Mỹ, Canada, các nước Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
Sắc lệnh hôm 31/3 của ông Putin đã kéo theo sự phản đối từ châu Âu. Các nước EU cho rằng các hợp đồng mua khí đốt với Nga có điều khoản quy định thanh toán bằng đồng Euro, và việc Moscow yêu cầu thanh toán bằng ruble đã vi phạm hợp đồng.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng quy trình thanh toán bằng đồng ruble theo yêu cầu của Nga thực chất không quá thay đổi so với các quy định trước đó, bởi các nước châu Âu không nhất thiết phải trực tiếp đi thu mua đồng ruble trên thị trường.
Moscow dường như muốn EU lập tài khoản đồng ruble tại ngân hàng Gazprom, sau đó gửi Euro vào đó và ngân hàng Gazprom sẽ có trách nhiệm quy đổi ra đồng ruble về cho Nga.
Ngân hàng Gazprom hiện không bị châu Âu trừng phạt. Nga và châu Âu được cho là đang tiếp tục làm rõ quy trình quy đổi. Moscow hiện chưa cho thấy họ muốn cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3904 Trong tuần: 44777 Trong tháng 296270 Tất cả: 17389825