Ngày 8/11, sau khi nghe Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng VKSND Tối cao; Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án TAND Tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án và Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về các báo cáo trên. Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đều đánh giá cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và các công tác khác; kiến nghị và “hiến kế” nhiều biện pháp để thực hiện tốt hơn các công tác trên.
Lật tẩy 5 chiêu trò trong đấu thầu
Phát biểu thảo luận về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, có 5 chiêu trò lách luật phổ biến trong hoạt động này. Đó là tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu. “Có thể lấy ví dụ về một trường hợp được nêu nhiều trong thời gian vừa qua liên quan đến một bệnh viện đa khoa. Tổng giá trị hàng hóa mua sắm chỉ hơn 95 tỷ đồng nhưng giám đốc bệnh viện đã ban hành tới 1.165 quyết định chỉ định thầu, với giá trị của mỗi gói thầu đều dưới 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, lợi dụng các quy định về chia tách hoặc gộp gói thầu, có những trường hợp chia nhỏ các gói thầu theo kiểu chia phần để mỗi nhà thầu thân hữu trúng một phần” – đại biểu cho biết.
Thủ đoạn thứ 2 mà đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nêu là tình trạng cài cắm các điều khoản hướng thầu để "cài thầu quen, chèn thầu lạ". Thứ ba là, thiết lập liên minh "quân xanh, quân đỏ" để thông thầu, vây thầu. “Tình trạng quân xanh, quân đỏ vẫn là mảng tối trong công tác đấu thầu thời gian vừa qua, đã tạo ra nhiều cuộc thầu nội bộ, thiếu tính cạnh tranh để kiếm lời bất chính. Có tình trạng một số nhà thầu chuyên đi dự thầu chỉ để trượt, nhằm lót đường cho một nhà thầu đã định sẵn trúng thầu” – đại biểu phản ánh và cho biết, hệ lụy của tình trạng quân xanh, quân đỏ này khiến cho dư luận nghi ngại, khiến cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính không được cạnh tranh một cách sòng phẳng và mất đi cơ hội đầu tư, kinh doanh, đặc biệt nghiêm trọng đó là mất đi tiền của của Nhà nước và để lại những công trình, dự án kém chất lượng.
Thứ tư là, tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu gấp nhiều lần so với giá trị thực thông qua các chứng thư thẩm định. “Lấy ví dụ về vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, giá của mỗi một stent nhập khẩu từ Ấn Độ về chỉ từ 8 đến 11 triệu nhưng giá thẩm định và giá trúng thầu đã vọt lên 36 đến 42 triệu/1 Stent, tức là tăng từ 28 đến 31 triệu” – đại biểu lấy ví dụ. Thứ năm là, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu.
Để quản lý một cách chặt chẽ công tác này, phòng ngừa tham nhũng, trục lợi, đại biểu kiến nghị các cơ quan thanh tra điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là đối với những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; kiến nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện và bảo đảm thực hiện chặt chẽ 6 công khai trong đấu thầu, bao gồm công khai về điều kiện được dự thầu; danh sách và năng lực của những nhà thầu; điều kiện được trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả trúng thầu; kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhà thầu.
Đánh giá cao công tác công an
Tại phiên thảo luận, rất nhiều đại biểu đã đánh giá cao công tác công an như: tăng cường Công an chính quy về xã đem lại hiệu quả, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm… Cụ thể, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, mặc dù do dịch bệnh, phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, bọn tội phạm lợi dụng cơ hội thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phòng, chống dịch, nhất là công tác phòng, chống tội phạm trên các lĩnh vực, đã kéo giảm số phạm tội về trật tự xã hội, tội phạm có tổ chức như trộm cướp tài sản, đánh bạc, hiếp dâm… Tỷ lệ điều tra, phá án vượt chỉ tiêu kế hoạch. Các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã được các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt và điều tra làm rõ.
“Điển hình thời gian gần đây, Công an tỉnh Kiên Giang đã phá một vụ án tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, đã tịch thu 240 khẩu súng và khám xét đối tượng nữ ở Khánh Hòa đã tịch thu gần 300 khẩu súng quân dụng. Tôi cho rằng đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nếu vụ án này không phá án được số súng này đưa ra ngoài xã hội thì gây hậu quả rất khôn lường. Các vụ án kinh tế, tham nhũng cũng đã được phanh phui, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng đã được công an phát hiện, điều tra, xử lý được Nhân dân quan tâm. Nếu không phát hiện ở thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thì tình hình này sẽ bị thao túng như thế nào. Đạt được những kết quả trên, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của cơ quan công an là rất đáng trân trọng, mang lại nhiều niềm tin của người dân đối với ngành, đặc biệt là công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng, hối lộ, các doanh nghiệp tầm cỡ tiêu cực cũng bị phát hiện, xử lý” – đại biểu nhấn mạnh.
Đồng thời đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp nhân dân, truyền thông, báo chí trong công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực; tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trong việc tham gia phòng, chống tội phạm, ý thức thượng tôn pháp luật, nhất là giáo dục nhận thức về pháp luật cho giới trẻ trong nhà trường và ngoài xã hội; tập trung đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm gây bức xúc trong xã hội.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong và sau dịch được tăng cường, đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đại biểu Phạm Thị Xuân (Thanh Hoá) bày tỏ tán thành với nhiều nội dung của các báo cáo, khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhiều vụ án lớn, phức tạp về kinh tế, tham nhũng được phát hiện, giải quyết kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm nêu trên, tăng cường quản lý, kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng và có các giải pháp kịp thời để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tục có các giải pháp quyết liệt, toàn diện hơn nữa, nhanh chóng xử lý nghiêm và dứt điểm các vụ việc đấu tranh hạn chế đến mức thấp nhất đối với tội phạm cưỡng dâm, dâm ô trẻ em. Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em cả về nội dung và hình thức, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3967 Trong tuần: 28 Trong tháng 144723 Tất cả: 17238285