Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động thực tiễn
Trình bày tờ trình về dự án luật, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh phòng thủ dân sự (PTDS) là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
PTDS bao gồm tổng thể các hoạt động được chuẩn bị từ thời bình, khi có chiến tranh xảy ra để chủ động phòng, chống thảm họa do chiến tranh; hoặc tổng thể các hoạt động được chuẩn bị để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa do con người hoặc thiên nhiên gây ra nhằm bảo đảm an toàn hoặc hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
"Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động PTDS thời gian qua cũng tồn tại một số hạn chế, đặt ra yêu cầu phải xây dựng một đạo luật về PTDS, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động thực tiễn", Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nêu rõ và cho biết, dự thảo luận gồm 7 chương, 75 điều.
Tờ trình xin ý kiến Quốc hội hai phương án tình trạng khẩn cấp về PTDS. Phương án 1: Quy định tình trạng khẩn cấp về PTDS, góp phần thiết lập đầy đủ cơ sở pháp lý xử lý các vấn đề phát sinh của thực tiễn, hoàn thiện, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, được lý giải là phương án tối ưu nhằm bổ khuyết, khắc phục khoảng trống của pháp luật, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và kịp thời xử lý những vấn đề bất cập trong thời gian qua.
"Thực tế trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 cho thấy việc áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh chưa đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh như giãn cách xã hội, cơ chế cách ly tập trung, xây dựng cơ sở y tế, chính sách đặc thù phục hồi kinh tế, an sinh sau thảm họa, sự cố", Thượng tướng Nguyễn Tân Cương lý giải. Đa số thành viên Chính phủ lựa chọn phương án này.
Còn Phương án 2: Không quy định tình trạng khẩn cấp về PTDS mà áp dụng quy định hiện hành ở Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 và các dự án luật liên quan. Nhược điểm là chưa khắc phục được khoảng trống của hệ thống pháp luật, chưa giải quyết được những vướng mắc và yêu cầu từ thực tiễn.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực UBQPAN cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật và cho rằng, PTDS là bộ phận quan trọng của phòng thủ quốc gia luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi trọng; PTDS liên quan tới mọi lĩnh vực của đất nước và là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, với sự tham gia của mọi người dân.
"Trước những diễn biến khó lường, phức tạp của tình hình thiên tai, dịch bệnh, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, những biến động của tình hình thế giới, khu vực thì việc ban hành luật này là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ các căn cứ và làm rõ thêm về sự cần thiết phải ban hành Luật PTDS", Chủ nhiệm UBQPAN nhấn mạnh.
Về hai phương án mà Chính phủ xin ý kiến, Thường trực UBQPAN đề nghị nghiên cứu kỹ, nếu quy định về PTDS trong tình trạng khẩn cấp, cần làm rõ các "khoảng trống" pháp lý của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp và các luật khác; chỉnh lý để tránh chồng chéo, trùng lắp; đánh giá thêm về cơ sở, nhất là thực tế việc chống dịch COVID-19 vừa qua cho phù hợp về PTDS trong tình trạng khẩn cấp và nghiên cứu xây dựng Luật về Tình trạng khẩn cấp...
Hoàn thiện dự thảo luật sát thực tế, có hiệu quả nhất
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đây là dự án luật khó và mới nhưng Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã rất nỗ lực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra, đặc biệt là phải xác định rạch ròi phạm vi điều chỉnh để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi sau khi ban hành.
Đề nghị dự thảo luật được thiết kế theo hướng chỉ "lấp khoảng trống" những vấn đề luật chuyên ngành chưa có, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề nội dung PTDS được điều chỉnh ở nhiều luật thì tính đồng bộ, thống nhất có đảm bảo; các luật chuyên ngành có đầy đủ nội hàm "phòng, chống, khắc phục hậu quả" các thảm hoạ, sự cố hay chưa?
Liên quan tình trạng khẩn cấp, dự thảo luật chỉ thể hiện các biện pháp mang tính chất dân sự trong tình trạng khẩn cấp, còn các biện pháp về quốc phòng, an ninh vẫn được điều chỉnh ở Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lo ngại thực tế khó rạch ròi, dễ dẫn đến tình trạng phân tán, chồng chéo, dàn trải. "Liệu có nên quy định tình trạng khẩn cấp không, hay là sau này nâng Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp lên thành luật để tập trung một đầu mối? Hay đưa tất cả tình trạng khẩn cấp luôn vào luật này? Phạm vi của luật này chưa đủ rõ, cần bàn kỹ hơn rồi mới vào các điều khoản cụ thể...", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phát biểu tại phiên họp, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh Bộ Công an đã có báo cáo gửi Chính phủ tham gia góp ý xây dựng dự thảo luật, đồng thời lắng nghe ý kiến các đại biểu tại phiên họp, tiếp thu và phối hợp lực lượng QĐND nghiên cứu hướng tích hợp của Chủ tịch Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm sát thực tế, đồng bộ với các dự án luật khác và có hiệu quả nhất.
Giải trình thêm tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu để hoàn thiện hơn, đặc biệt là rà soát lại pháp luật quy định về PTDS. "Về tình trạng khẩn cấp trong PTDS chúng tôi cũng thấy rằng luật này cần phải tiếp thu, thiết kế theo hướng, chỉ quy định hoạt động PTDS trong tình trạng khẩn cấp. Còn lại, có Luật Tình trạng khẩn cấp chung quy định tổng thể các tình trạng khẩn cấp: tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh, tình trạng khẩn cấp về PTDS sẽ quy định cụ thể, thứ tự các cấp, ai giao quyền và giao quyền cho ai...", Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương cho biết sẽ tiếp thu, chỉnh sửa các khái niệm cho phù hợp và quyết tâm cùng các bộ, ngành hoàn thiện dự án luật...
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 13863 Trong tuần: 24 Trong tháng 239228 Tất cả: 17332801