Ứng dụng cơ sở dữ liệu, căn cước ngăn chặn "tín dụng đen"
Trả lời nhóm câu hỏi chất vấn của các ĐBQH: Lê Thị Song An (Long An), Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) về giải pháp căn cơ giải quyết tội phạm "tín dụng đen", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, như Bộ trưởng đã trao đổi với những đại biểu trước, Bộ Công an tiếp tục duy trì khí thế tấn công trấn áp tội phạm; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12 của Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Vấn đề này Chính phủ rất quan tâm, đã có 1 chỉ thị riêng về vấn đề này.
Theo Bộ trưởng, nhu cầu của nhân dân về tín dụng, tiêu dùng rất lớn, trong khi đó việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó khăn. "Thực tại này nếu chúng ta không xử lý tốt thì "vẫn còn đất cho "tín dụng đen" hoạt động". Vừa qua, lực lượng chức năng phối hợp rất tốt nhưng vẫn tồn tại nên cần phải xử lý. Những tổ chức "tín dụng đen" đều liên quan những băng, ổ, nhóm hình sự, đây là một bộ phận của tội phạm hình sự mà không thể để hình thành" - Bộ trưởng nêu quan điểm.
Giải pháp tiếp theo là tăng cường tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho người dân, thường xuyên cảnh báo để người dân nhận diện, phòng ngừa. Bộ trưởng cho hay, xung quanh các khu công nghiệp đều hình thành tội phạm hình sự, từ việc xúi bẩy công nhân khu công nghiệp lấy những sản phẩm chưa hoàn thành đưa ra ngoài; hoạt động cho vay, cờ bạc, tệ nạn xã hội... thì các đối tượng phạm tội "tín dụng đen" cũng nhằm vào các địa bàn này. Do đó, công tác đảm bảo ANTT trong khu công nghiệp, công nhân, người lao động cũng được Bộ Công an coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nâng cao nhận thức, cải thiện đời sống cho người dân...
Đồng thời, Bộ Công an phối hợp ngành Ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục cho vay; sử dụng CCCD rút tiền mặt, sử dụng CCCD làm tín chấp vay vốn ngân hàng... tạo điều kiện cho người dân được vay một cách thuận lợi nhất, không còn đất cho "tín dụng đen". Cùng Ngân hàng thu hút nguồn vốn trong dân, bớt được những hoạt động tiền tệ không hợp pháp, cho nhân dân tiếp cận vốn chính thức của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
"Lực lượng Công an tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", đặc biệt nhiều ứng dụng cho vay qua mạng, cho vay ngang hàng, cũng là một dạng cờ bạc mới..." - Bộ trưởng khẳng định.
Hộ chiếu mới cơ bản là thuận lợi
Về ý kiến ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương liên quan hộ chiếu mới, thuận lợi và khó khăn gì cho người dân, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, cơ bản là thuận lợi, đáp ứng yêu cầu, điều kiện của người dân, không có vấn đề gì khó khăn. "Vừa qua khó khăn do một số nước yêu cầu có nơi sinh thì Bộ Công an đã có giải pháp bổ sung đối với những nước quan tâm. Còn những nước không quan tâm thì giá trị hộ chiếu của mình rất tốt. Không hề lãng phí, hộ chiếu cũ vẫn sử dụng bình thường, nếu hết hạn thì đổi sang hộ chiếu mới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ áp dụng hộ chiếu điện tử, hộ chiếu gắn chip cho phù hợp, nhưng hộ chiếu nào còn hạn vẫn sử dụng, không hộ chiếu nào bị bỏ đi", Bộ trưởng lý giải.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) tiếp tục tranh luận, phân vân tại sao khi bổ sung phần nơi sinh trong hộ chiếu mới lại phải xin ý kiến các bộ, ban, ngành. Nếu bị chú thì có nên làm đồng loạt hay chỉ những ai cần? Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hộ chiếu này thực hiện theo luật, nên giờ muốn sửa đổi thì phải xin ý kiến các cơ quan chức năng để đảm bảo quy trình. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần xin ý kiến, không thể tùy tiện.
"Về bị chú nơi sinh, ở đâu có nhu cầu thì chúng tôi sửa đổi, nếu người dân không có nhu cầu thì không cần thiết làm điều này, không đúng quy định của luật. Vì mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, chúng ta không nên cấp đại trà, mà chỉ giải quyết cho người thực sự cần", Bộ trưởng giải đáp.
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đặt câu hỏi liên quan vấn đề tội phạm trong chính các cơ quan phòng, chống tội phạm, các cơ quan bảo vệ pháp luật, có thể gọi là "giặc nội xâm", Bộ trưởng có giải pháp gì làm trong sạch lực lượng? Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tội phạm ngay trong các cơ quan phòng, chống tội phạm là điều không thể tránh khỏi, nhưng tỷ lệ rất thấp, rất ít. Nguyên nhân là do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
"Trong quá trình phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng CAND, chúng tôi rất chú trọng việc này, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực của các cơ quan, trước hết là cơ quan điều tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm...", Bộ trưởng cho hay.
Khi có CCCD, người dân không cần xác nhận của bất kỳ ai
Về thông tin xóa bỏ hộ khẩu giấy mà ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Vũng Tàu) nêu, Bộ trưởng cho biết, theo quy định của Luật Cư trú, đến 31/12/2022 không còn hộ khẩu giấy. "Bây giờ còn nhiều quy định khác buộc người dân phải sử dụng hộ khẩu giấy, thì chúng tôi có phương án là cấp khẩn trương, đầy đủ, nhanh chóng CCCD cho người dân. Khi đã có CCCD, người dân không cần phải xác nhận của bất kỳ ai, vì đấy là giấy tờ pháp lý để người dân có thể giao dịch" - Bộ trưởng khẳng định và cho rằng, với cách quản lý, quản trị mới bằng công nghệ, phục vụ nhân dân thì đã cải cách, cải tiến việc này.
Theo Bộ trưởng, vừa qua, các thủ tục hành chính đã đơn giản hơn rất nhiều mà chính người dân cũng không hình dung được là tại sao lại đơn giản như thế. Tâm lý phải đi xác nhận, công chứng, chứng thực đã quá lớn trong người dân. Làm cái gì cũng nghĩ phải công chứng, giờ nói không cần việc đó người dân cũng chưa tin. Việc cơ quan Nhà nước lưu giữ các giấy tờ cũng là một gánh nặng, vừa qua đã giải quyết được. Đến 31/12/2022, hộ khẩu giấy không còn giá trị, Bộ Công an đang mở các chiến dịch hoàn chỉnh cấp sớm nhất, đẩy đủ nhất CCCD để người dân thuận tiện trong các giao dịch.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) ấn nút tranh luận, cho biết, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy theo quy định của luật, nhưng hiện một số người dân phản ánh, khi cơ quan Công an tiến hành thủ tục thì thu ngay hộ khẩu giấy. Trong khi một số người dân nộp hồ sơ xin việc vẫn yêu cầu mang hộ khẩu giấy để đối chứng. Trong khi xác nhận thì thời hạn ngắn. Tức mình chưa có kết nối liên thông hộ khẩu với CCCD và thủ tục các cơ quan Nhà nước. Với tình trạng này sẽ rất rối, gây khó khăn cho công dân, cả về chi phí bỏ ra...
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc thu hộ khẩu là cá biệt chứ Bộ Công an chưa có chủ trương thu hộ khẩu. "Không phải thu tất cả mà đối với những người đến điều chỉnh thông tin mới, hộ khẩu không còn giá trị nên thu lại. Và cũng không cấp mới hộ khẩu khi công dân đến điều chỉnh. Bộ Công an không có chủ trương thu hộ khẩu lại để làm khó cho nhân dân", Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành liên quan rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan đến hộ khẩu.
"Chúng tôi cũng từng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cải tiến, việc các cháu học sinh đi học bố trí như nào cho thuận lợi nhất, đến tuổi là được đi học, không vì hộ khẩu mà các cháu không được đến trường. Việc bắt buộc hộ khẩu gây khó khăn cho người dân, bố mẹ phải tìm chỗ gần nhà, xin chỗ này chỗ kia, trường này, lớp kia", Bộ trưởng nói và đề nghị phải sửa đổi điều này và kết nối CSDL quốc gia về dân cư với các dữ liệu chuyên ngành khác để khai thác thông tin. Vừa qua thực hiện rất tốt, có những nơi coi CCCD là giấy tờ pháp lý thực hiện các thủ tục hành chính, không cần hộ khẩu...
Đảm bảo mọi người dân đều được cấp CCCD
Về kiến nghị của ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cần có giải pháp căn cơ để một bộ người dân di cư tự phát được cấp CCCD, Bộ trưởng bày tỏ chia sẻ với những khó khăn này và khẳng định, không chỉ đối với đồng bào di cư tự do mà ngay tại Thủ đô Hà Nội cũng có những người nhiều chục năm nay không có giấy tờ, không có hộ khẩu, nhưng hàng ngày họ vẫn làm thuê làm mướn, bán rau, hoa quả, vẫn lấy chồng, lấy vợ, sinh con...
"Vừa qua, qua công tác cấp CCCD chúng tôi đã phát hiện ra, và đang tiến hành các biện pháp để làm sao đảm bảo mọi người dân đều được xác định tư cách pháp nhân. Cấm di dân tự do là khó, vì Hiến pháp quy định người dân Việt Nam có quyền cư trú, nơi ở hợp pháp, nhưng cách thức tổ chức như thế nào để đảm bảo cuộc sống của dân là rất quan trọng" - Bộ trưởng nêu quan điểm.
Về ý kiến của ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cần đầu tư nhiều hơn về tài lực, thiết bị, pháp lý để làm trong sạch mạng xã hội, ngăn chặn các video clip sai sự thật, xấu độc..., làm mọi cách để người dân có "không gian sống" mới bình yên, hạnh phúc hơn, Bộ trưởng Tô Lâm bày tỏ đồng tình với đại biểu và khẳng định, thực tế Bộ Công an cũng đã tiến hành các giải pháp lành mạnh hóa mạng xã hội. Bộ chỉ đề xuất thêm một vấn đề, đó là vai trò của quần chúng nhân dân vô cùng quan trọng, khi người dân sử dụng phải biết chọn lọc, tìm hiểu thông tin, sử dụng một cách lành mạnh nhất thì chúng ta sẽ có môi trường, "không gian sống" bình yên, hạnh phúc...
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1384 Trong tuần: 22 Trong tháng 241762 Tất cả: 17335333