Sáng 4/8, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chống buôn lậu 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Phạm Bình Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì hội nghị.
Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Hồ Đức Phớc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Thượng tướng Võ Minh Lương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Dự Hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố là trưởng Ban Chỉ đạo 389 các địa phương và thành viên; lãnh đạo cấp vụ của các bộ, cơ quan liên quan. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ đầu cầu Chính phủ đến các địa phương trong cả nước.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25,05% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó: có 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72% so với cùng kỳ năm 2021); 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 4,72%); 1.019 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 90,61%); thu nộp ngân sách nhà nước 3.728 tỷ đồng từ xử lý các vụ việc vi phạm.
Theo Ban Chỉ đạo 138 Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Công an đã phát hiện, điều tra 191 vụ phạm tội về buôn lậu 934 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; 53 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả; 31 vụ trốn thuế. Phát hiện 13.417 vụ phạm tội về ma tuý. Lực lượng Công an đã tổ chức kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mai và hàng giả tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Chủ động, đấu tranh có trọng tâm, trong điểm theo phương châm “Xử lý 1 vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, đã phát hiện nhiều đường dây, băng ổ nhóm buôn bán hàng cấm, hàng giả quy mô lớn, tạo hiệu ứng lan toả tích cực, mạnh mẽ trong toàn xã hội, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các lực lượng chức năng chống buôn lậu.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, hoạt động buôn lậu, vận chuyển ma tuý diễn biến hết sức phức tạp với số lượng lớn. Đặc biệt, thủ đoạn mới, rất nguy hiểm của tội phạm này là sử dụng trẻ vị thành niên, du học sinh tham gia các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép chất ma tuý. Đặc biệt, các đối tượng sử dụng vũ khí nóng, chống trả quyết liệt nếu bị phát hiện, bắt giữ. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đấu tranh mạnh với các tội phạm qua biên giới, đặc biệt là vận chuyển vàng, ngoại tệ trái phép và hàng lậu, hàng cấm, ma tuý. Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác đấu tranh xử lý tội phạm” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện cho biết.
Đại diện Cảnh sát Biển thì cho biết, tình trạng buôn lậu than, khoáng sản, xăng dầu trên biển đang diễn biến phức tạp do nguồn cung khan hiếm và lợi nhuận rất lớn. Nếu vận chuyển trót lọt thì 1 lít dầu có thể lãi 3-4 nghìn đồng, 1 lít xăng lãi 5-6,5 nghìn đồng, 1 chuyến dầu DO lãi từ 600 đến 900 triệu; 1 chuyến xăng lãi từ 1- 1,3 tỷ đồng. “Thủ đoạn của các đối tượng là lôi kéo đông thành phần tham gia; giao hàng trên biển nhưng giao tiền trên đất liền, đối tượng giao hàng khác, giao tiền khác, sử dụng mạng xã hội, sim rác liên hệ. Chính vì vậy, rất khó khăn trong công tác đấu tranh, xử lý” – đại diện Cảnh sát Biển cho biết.
Theo Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cảnh sát kinh tế), hình thức vận chuyển, buôn lậu hàng hoá nhập qua biên giới qua biên giới có xu hướng chuyển từ hình thức thủ công theo đường mòn, lối mở sang đường chính ngạch dưới hình thức mạo danh, lợi dụng xuất nhập khẩu. Mặt hàng mà các đối tượng tập trung vào những mặt hàng có biến động giá như xăng dầu, vàng, đường cát, nông sản...
Theo ghi nhận của các lực lượng chức năng của Bộ Công an trong thời gian vừa qua thì có tình trạng các đối tượng lợi dụng xuất nhập khẩu để buôn lậu, chuyển tiền, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Sau khi Cục Cảnh sát Kinh tế triệt phát vụ Việt kiều Mỹ cầm đầu vụ chuyển tiền qua biên giới, một số tỉnh cũng đã phát hiện, xử lý tội phạm này. Chỉ riêng vụ Việt kiều Mỹ vận chuyển trái phép tiền qua biên giới, lực lượng chức năng đã làm rõ, các đối tượng chiếm đoạt hơn 500 tỷ tiền hoàn thuế. “Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung đấu tranh với các tổ chức buôn lậu, các đường dây tội phạm lớn; chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố đấu tranh, xử lý tội phạm tại địa phương; đề nghị các cơ quan chức năng như: Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường…phối hợp tích cực” – Đại tá Vũ Như Hà kiến nghị.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã biểu dương kết quả, những cố gắng của tất cả các lực lượng chức năng và cho biết, trong dịp cuối năm, tình trạng hàng giả, hàng lậu sẽ tăng lên; yêu cầu các đơn vị chức năng phải tăng cường hơn nữa các biện pháp ngăn chặn, triệt phá các hoạt động của các đối tượng. Cụ thể, phải thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. “Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu, mua bán, sản xuất hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng…” – đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan chức năng nhận thức, nhận diện được vấn đề nổi cộm hiện nay, nhất là thủ đoạn trong buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hoàn thiện văn bản pháp lý để đấu tranh, xử lý triệt để; cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng, các địa phương trong đấu tranh, xử lý; vận động người dân tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin; đưa số điện thoại, email để người dân tố cáo; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác. “Việc quan trọng là chúng ta phải tìm ra, xác định được nguồn gốc của hàng giả, hàng lậu để đấu tranh tận gốc, nhất là đối với các mặt hàng như dược phẩm, ma tuý, xăng dầu…trà trộn hàng hoá chính ngạch. Theo đó, các Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương phải có kế hoạch phù hợp với tình hình mới để phát hiện các vụ việc, đấu tranh, ngăn chặn” – Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.
Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu các cơ quan báo chí nêu cao vai trò, trách nhiệm trong vận động người dân tố giác tội phạm; có các phương tiện để người tiêu dùng có thể phản ánh; làm cầu nối đến các cơ quan chức năng…
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 8979 Trong tuần: 124 Trong tháng 249373 Tất cả: 17342947