Tham dự phiên họp có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác; đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội; đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 là đại diện các bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an...
Tại phiên họp, các bộ, ngành tập trung vào 3 vấn đề: Đánh giá những kết quả nổi bật của Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2022 bảo đảm đúng,đủ; đánh giá những khó khăn, tồn tại, chậm tiến độ để xác định giải pháp và lộ trình cụ thể hoàn thành trong 6 tháng cuối năm; cho ý kiến về những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong những tháng cuối năm.
Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận về các vấn đề liên quan, đánh giá từng nhóm việc, kết quả đạt được của các bộ, ngành địa phương trong lĩnh vực về Nghị định định danh và xác thực điện tử, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an trong công tác kiểm tra an ninh, an toàn hệ thống của các bộ, ngành địa phương; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Đề án 06; phối hợp với Bộ Công an hoàn thành phần mềm đăng ký thi trực tuyến, làm sạch dữ liệu tiêm chủng, kết nối dữ liệu về giấy khám sức khỏe với cổng dịch vụ công để tiến hành tra cứu…
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, chia sẻ kết quả thực hiện Đề án 06, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, TP Hà Nội đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu, với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500 nghìn hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công; TP đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2,6 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; đối với căn cước công dân (CCCD) gắn chip đã thu nhận được 6 triệu dữ liệu, cấp 35.630 CCCD gắn chip kèm định danh điện tử cho các cháu học sinh (sinh năm 2004 và 2007).
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, ngày 24/7, Giám đốc Công an TP đã ban hành Mệnh lệnh số 01 về mở đợt cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip trên địa bàn. Ngoài ra, hiện đã có 4,4 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám, chữa bệnh… Công an TP Hà Nội tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và thực hiện làm giàu thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm, Bộ này cơ bản hoàn thành 3 nhóm chính như hướng dẫn cấu hình kỹ thuật (Hướng dẫn 1552); kết nối các cơ sở dữ liệu qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; tham gia khảo sát, đánh giá hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin cho việc kết nối.
Đồng chí Nguyễn Huy Dũng cũng nhất trí với các nhiệm vụ được phân công cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong 6 tháng cuối năm, sẽ phân công Cục An toàn thông tin phối hợp với đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an để đánh giá 10 hệ thống của các bộ, ngành, 33 hệ thống của các địa phương, cố gắng hoàn thành trước tháng 10/2022…
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, các bộ, ngành thành viên Tổ công tác tiếp tục rà soát lại các nhiệm vụ được giao trong Đề án và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại các thông báo kết luận, đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện; đăng ký thời gian cụ thể hoàn thành các nhiệm vụ, gửi về cơ quan thường trực là Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an trong ngày 1/8/2022 để tập hợp.
Về xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong 6 tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp… Tập trung hoàn thành dứt điểm cung cấp 28 dịch vụ công cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dịch vụ công gồm: Liên thông nhóm thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh, đăng ký mã số thuế và dịch vụ thanh toán viện phí.
Riêng Bộ Công an sẽ đăng ký với Chính phủ quyết tâm hoàn thành 227/227 dịch vụ công mức độ 3,4 tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an và Cổng dịch vụ công của Chính phủ trong năm 2022. Đẩy mạnh ứng dụng thẻ CCCD và tài khoản định danh điện tử trên các lĩnh vực của đời sống xã hội (triển khai cấp đủ CCCD cho 100% công dân đến độ tuổi theo định kỳ). Hoàn thành đúng tiến độ các kết nối dữ liệu với bộ, ngành, địa phương đã xác định trong Đề án 06; mở rộng kết nối, hỗ trợ các đoàn thể chính trị xã hội xây dựng các cơ sở dữ liệu…
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý để thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; khắc phục những tồn tại, bất cập về bảo đảm an ninh, an toàn để triển khai các kết nối, chia sẻ dữ liệu theo lộ trình.
Kết quả triển khai Đề án 6 tháng đầu năm 2022:
- Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu: Cơ bản đã hoàn thành, đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, đạt kết quả bước đầu. Bộ Công an với vai trò thường trực đã gương mẫu, đi đầu, hoàn thành 9/11 dịch vụ công mức độ 4; đồng thời mở rộng thực hiện 187/224 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng CAND, trong đó mở rộng phân cấp đến tận cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện.
- Riêng trong tháng 5/2022, đã triển khai 2 dịch vụ công cấp hộ chiếu online; phân cấp đăng ký, cấp biển số xe ô tô và mô tô tại cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, Bộ Công an đã triển khai 2 tháng thí điểm dịch vụ công tại 3 nhà văn hóa thuộc phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
- Từ 15/5 đến 15/7/2022, đã tiếp nhận 6.665 hồ sơ cấp hộ chiếu online; từ 21/5 đến 15/7 toàn quốc đăng ký, cấp 67.703 biển số xe ô tô. Đây là bước cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, công sức trong đăng ký, sở hữu, sử dụng phương tiện giao thông, được dư luận ủng hộ, đánh giá cao.
Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh xác thực điện tử phục vụ các nhóm tiện ích, gồm:
- Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Ngày 18/7, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia.
-Nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội: Bộ Công an đã tích hợp thử nghiệm về mặt kỹ thuật, giải pháp đối với việc xác thực danh tính qua thẻ CCCD gắn chip điện tử được trang bị tại các quầy giao dịch của 5 ngân hàng. Triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh. Sau 2 tháng triển khai thí điểm đã có 483 lượt công dân sử dụng thẻ CCCD để giao dịch với tổng số tiền trên 6,1 tỷ đồng… Người dân chỉ cần thẻ CCCD gắn chip có thể rút tiền, chuyển tiền.
- Phục vụ phát triển công dân số: Bộ Công an đã in hoàn chỉnh 67.359.646 thẻ CCCD gắn chip điện tử. Tổng trả qua bưu điện 67.301.656 thẻ. Tính đến 28/7, số lượng cơ sở đã sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh: 6.996/13.166 cơ sở; số lượng công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh: 653.520 công dân.
- Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư: Bộ Công an đã triển khai kết nối chính thức đối với 11 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2327 Trong tuần: 2548 Trong tháng 254039 Tất cả: 17347610