Ngày 21/6, phát biểu kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL, thời kỳ 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công và có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Tổng mức từ ngân sách nhà nước đầu tư qua địa phương vùng ĐBSCL ngày càng tăng.
Theo kế hoạch, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các bộ, ngành và địa phương hỗ trợ vùng ĐBSCL là trên 318 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 13,8 tỷ USD, tăng khoảng 5 tỷ USD so với thời kỳ trước, tập trung vào hạ tầng chiến lược.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể, gồm: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5-7%/năm; quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt 42-48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao.
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.
Trong giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, không tác động lớn tới đời sống người dân và tạo ra không gian phát triển mới.
Các địa phương cần tập trung nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số (PAPI, PAR Index, PCI, DTI…); tăng cường thu hút các dự án đầu tư từ trong và ngoài nước, tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của vùng.
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao Hồ sơ quy hoạch cho lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và công bố cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và nhóm 6 ngân hàng phát triển (bao gồm: ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB) thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, toàn bộ các dự án trong vùng đã được nhóm 6 ngân hàng phát triển bày tỏ quan tâm, với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỷ USD.
Theo đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khoản tài trợ 2,2 tỷ USD có vai trò là nguồn vốn “mồi” để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài. Lễ trao Hồ sơ Quy hoạch và công bố cam kết tài trợ đã cụ thể hóa bước đầu tiên của quy trình thủ tục, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường đầu tư, tạo bước đột phá về hạ tầng trong vùng cũng như thể hiện sự cam kết của các nhà tài trợ.
Quy hoạch này là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hoá, tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.
ĐBSCL tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế- xã hội và thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ trong tương lai.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến đầu tư cho vùng khoảng 460.000 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng với việc ban hành quy hoạch tổng thể một cách rõ ràng, định hướng cụ thể cùng với ưu tiên đầu tư về kết cấu hạ tầng, hậu cần, dịch vụ, các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tư nhân sẽ cảm thấy yên tâm hơn, sẽ thấy nhiều cơ hội hơn trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhau.
Đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết vai trò, vị trí của Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên thành phố vẫn còn những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. TP Cần Thơ xác định "ba trụ cột" quan trọng, đó là: bám sát sự chỉ đạo của Trung ương; phát huy nội lực của Cần Thơ và tăng cường liên kết để phát triển. Đây cũng là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để khẳng định "Vai trò, vị trí của Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL trong liên kết phát triển vùng".
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 571 Trong tuần: 41436 Trong tháng 292931 Tất cả: 17386489