Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) - Góp phần phục vụ chuyển đổi số
Cập nhật ngày: 18-05-2023
Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Đề án 06 cũng đã xác định một số nhiệm vụ chính liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó phát huy giá trị, tiện ích của thẻ Căn cước công dân theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cấp, các ngành, Bộ Công an đã chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm: 7 Chương, 45 Điều, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuyển đổi số quốc gia.
Lực lượng Công an tuyên truyền về chuyển đổi số đến với người dân
Về phạm vi điều chỉnh
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là dự thảo Luật) quy định về Căn cước công dân; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước; quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân; quản lý người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch (người gốc Việt Nam); căn cước công dân điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Mở rộng đối tượng áp dụng
Dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Ngoài mở rộng áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
Theo đó, tại Chương I dự thảo Luật về quy định chung đã bổ sung một Điều về người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh cho đối tượng này. Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật. Việc bổ sung nội dung cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh nhằm quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp
Điều 3 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hơp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, gồm: Cơ quan quản lý căn cước, thẻ căn cước công dân, giấy chứng nhận căn cước, chủ thể danh tính điện tử; danh tính điện tử; hệ thống định danh và xác thực điện tử; thông tin tài khoản định danh điện tử, căn cước công dân điện tử…
Về các hành vi nghiêm cấm
Dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành. Tuy nhiên có chỉnh lý, bổ sung nội dung nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước cho phù hợp với định hướng quản lý căn cước công dân.
Mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam
Dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư như: bổ sung thông tin về diện chính sách (lao động – thương binh, xã hội, giáo dục – đào tạo, y tế, bảo hiểm và các diện chính sách khác theo quy định pháp luật); thông tin về số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử, thông tin khác được chia sẻ từ dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành….
Đồng thời, chỉnh lý, bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022.
Lực lượng Công an đến tận hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử
Lược bỏ vân tay, sửa đổi thông tin thẻ căn cước công dân
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an” để phù hợp với các nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật. Việc thay đổi, cải tiến như trên sẽ tạo thuận lợi hơn cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước công dân, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước công dân và bảo đảm tính riêng tư của công dân; các thông tin căn cước của công dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân.
Riêng đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.
Bổ sung quy định về cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi
Về người được cấp thẻ căn cước công dân, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ Căn cước công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trơ lên là bắt buộc như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành. Đồng thời, tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên. Theo đó: công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi; công dân là trẻ em dưới 06 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 24 cho trẻ em (trẻ em dưới 06 tuổi thì không thu nhận thông tin sinh trắc học); đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên thì cha, mẹ, người giám hộ phải đưa công dân đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học như người từ đủ 14 tuổi trở.
Bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định
Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân trong thời hạn 07 ngày làm việc
Về thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân trong thời hạn 07 ngày làm việc.
Bổ sung quy định về căn cước công dân điện tử
Dự thảo Luật quy định, mỗi công dân chỉ có 01 căn cước công dân điện tử là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Công dân sử dụng căn cước công dân điện tử trong việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử cũng như các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu.
Căn cước công dân điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử của công dân để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch.
Đề xuất Chứng minh nhân dân sử dụng đến hết ngày 31/12/2024
Về quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật quy định chuyển tiếp theo hướng Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về thay đổi, điều chỉnh thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ đã cấp.
Tại tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua lực lượng Công an đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tiếp cận ngày càng gần hơn với chuyển đổi số, đặc biệt là người dân dần hiểu được lợi ích của căn cước công dân có gắn chíp điện tử và tự nguyện đăng ký, cài đặt sử dụng VNeID để thực hiện các giao dịch qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, từ đó, giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng giấy tờ truyền thống sang sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử trong thực hiện các thủ tục hành chính./.
Phương Thảo
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 2 Hôm nay: 7453 Trong tuần: 18491 Trong tháng 269988 Tất cả: 17363547