Lừa đảo chiếm đoạt tài sản – “Chiêu lừa cũ, nạn nhân mới”
Cập nhật ngày: 30-11-2022
Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn, báo chí đã tăng cường thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trong năm 2022, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nhận được nhiều tin báo, tố giác tội phạm có liên quan đến sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, quá trình đấu tranh xác định các hình thức đối tượng thường sử dụng như:
1. Giả danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo với chủ thuê bao có liên quan đến một vụ án hình sự để khai thác các thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, sau đó yêu cầu nạn nhân phải chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm cho chúng để kiểm tra nguồn gốc rồi sẽ trả lại và đe dọa nếu không chuyển sẽ bị bắt giam, hoặc gây bất lợi cho nạn nhân trong quá trình điều tra vụ án nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.
2. Các đối tượng sử dụng tài khoản Zalo, Facebook cá nhân gửi lời mời kết bạn với nhiều người, giới thiệu là nhân viên phân phối các mặt hàng như: thực phẩm, mỹ phẩm… xuất xứ từ nước ngoài. Khi các nạn nhân đặt hàng đối tượng sẽ chuyển các đơn hàng nhỏ lẻ để lấy lòng tin, sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân chúng sẽ yêu cầu đặt đơn hàng lớn với giá rẻ hơn, sau khi nạn nhân chuyển tiền cọc vào tài khoản do các đối tượng cung cấp để chiếm đoạt số tiền cọc.
3. Đối tượng đăng quảng cáo ứng dụng vay tiền trên các trang mạng xã hội, thủ tục đơn giản và nhanh chóng, chỉ cần nhấp vào đường link và làm theo hướng dẫn là có thể vay được từ 10.000.000đ đến 30.000.000đ với lãi suất thấp. Sau khi nạn nhân làm theo hướng dẫn, cung cấp các thông tin cá nhân và nhấn xác nhận vay thì ứng dụng sẽ báo lỗi và sẽ có người tự nhận là nhân viên của ứng dụng vay tiền gọi đến số thuê bao mà nạn nhân cung cấp khi vay tiền, yêu cầu người vay chuyển tiền phí vào tài khoản do chúng cung cấp, chúng sẽ duyệt hồ sơ và giải ngân, sau khi nạn nhân chuyển tiền thì chúng chiếm đoạt số tiền phí trên.
4. Đối tượng hack các tài khoản Facebook, Zalo của các nạn nhân, sau đó nhắn tin đề nghị người thân, bạn bè mua thẻ cào điện thoại hoặc vay mượn tiền và kêu gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của một ai đó do chúng cung cấp để thực hiện hành vi chiếm đoạt.
5. Qua các trang mạng xã hội, các đối tượng kết bạn và giới thiệu là người nước ngoài, làm quen với các phụ nữ ở Việt Nam, sau đó tỏ ý muốn tặng quà như: Mỹ phẩm, trang sức hoặc số lượng tiền USD lớn qua đường hàng không về Việt Nam để tặng quà làm quen. Sau đó, đồng bọn giả danh nhân viên hải quan yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng để làm thủ tục nhận hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
6. Đối tượng sử dụng thông tin cá nhân giả mạo đăng ký các tài khoản trên mạng xã hội. Sau đó tìm kiếm những người bán hàng online trên mạng xã hội để kết bạn và nhắn tin mua hàng. Sau khi người bán đồng ý thì các đối tượng sẽ yêu cầu gửi tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ internet banking, mobile banking số điện thoại và thông tin chủ tài khoản. Sau khi nhận được thông tin, đối tượng sẽ sử dụng sim khuyến mãi nhắn tin đến số điện thoại của chủ tài khoản với nội dung: “tài khoản của bạn đã được cộng một số tiền, để nhận được tiền hãy truy cập vào trang web có đường dẫn ở cuối tin nhắn rồi hãy nhập đầy đủ thông tin như: tên tài khoản, số tài khoản và mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận tiền”. Khi nạn nhân nhập thông tin và mã OTP (là mã do ngân hàng cung cấp để thực hiện giao dịch chuyển tiền) thì các đối tượng chiếm được quyền sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking của tài khoản ngân hàng đó và ngay lập tức sẽ rút toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân chuyển tới số tài khoản khác để chiếm đoạt.
7. Đối tượng sử dụng sim khuyến mãi hoặc thông qua các trang mạng xã hội mạo danh các công ty viễn thông gửi tin nhắn là khách hàng may mắn được lựa chọn để trao các giải thưởng có giá trị như: xe máy, tiền mặt, ti vi, tủ lạnh… rồi yêu cầu nạn nhân gửi tiền làm thủ tục nhận quà và phí vận chuyển vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp nhằm chiếm đoạt tài sản.
8. Sử dụng các sim khuyến mãi gọi đến cho thuê bao di động cá nhân giới thiệu là có người nhà làm trong các công ty xổ số, có khả năng biết trước được kết quả, đề nghị các chủ thuê bao đánh số lô, số đề hộ để hưởng phần trăm hoa hồng hoặc gửi tiền cho bọn chúng qua các tài khoản ngân hàng thì chúng sẽ cung cấp kết quả xổ số cho các chủ thuê bao trực tiếp tham gia đánh lô, đề. Sau khi nạn nhân gửi tiền theo yêu cầu thì chúng chiếm đoạt.
9. Sử dụng sim khuyến mãi mạo danh nhân viên nhà mạng gọi điện, nhắn tin cho chủ thuê bao, lấy lý do hỗ trợ khách hàng nâng cấp sim từ 3G lên 4G yêu cầu khách hàng làm theo cú pháp, truy cập đường link theo đối tượng nhắn. Nếu làm theo, sim của chủ thuê bao sẽ bị khóa, thông tin của số thuê bao được chuyển sang sim mới của đối tượng. Trong thời gian chiếm quyền kiểm soát sim, các đối tượng sẽ bẻ khóa, truy cập vào các tài khoản của chủ thuê bao gắn với số điện thoại cá nhân, nhất là tài khoản thẻ tín dụng. Mục đích hack sim (chiếm quyền sử dụng số điện thoại) để phá bảo mật, nhận mã OTP từ nhà cung cấp dịch vụ hay ngân hàng để xâm nhập vào tài khoản của nạn nhân chiếm đoạt tài sản trong tài khoản.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo đến người dân một số nội dung sau:
Một là, cần đề cao cảnh giác khi nhận cuộc gọi đến bằng số di động cá nhân, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, khi lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án làm việc với người dân sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập gửi trực tiếp; không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ nhà ở, thông tin tài khoản ngân hàng… cho bất kì người lạ nào khi chưa rõ nhân thân, lai lịch của người đó, đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản lạ.
Hai là, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng… không cho mượn các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.
Ba là, không công khai thông tin cá nhân như: Ngày, tháng, năm sinh, số CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội để tránh các đối tượng lợi dụng để khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo; khi chia sẽ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai, thông tin giới hạn người xem.
Bốn là, không nhấn vào đường link không rõ địa chỉ trên các trang mạng xã hội để tránh bị đối tượng xâm nhập vào tài khoản cá nhân và kiểm soát nhằm chiếm đoạt tài sản.
Năm là, cảnh giác, không tin tưởng vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng, nhận quà từ các công ty, cơ quan Hải quan… tìm hiểu kỹ thông tin trước khi kết bạn và nhắn tin trao đổi với những người lạ và kể cả tài khoản quen.
Sáu là, các cá nhân sử dụng tài khoản trên mạng xã hội khi phát hiện bị mất quyền kiểm soát trang cá nhân của mình, hãy nhanh chóng thông báo với bạn bè, người thân để tránh bị đối tượng lợi dụng hỏi vay mượn, chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản.
Bảy là, các cá nhân không được mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, đặc biệt là những đối tượng không quen biết. Trong trường hợp, các đối tượng lợi dụng tài khoản ngân hàng (do mua, mượn, thuê được) để chiếm đoạt tài sản của người khác. Đây là hành vi tiếp tay cho đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện đối tượng có hành vi mua, thuê người khác mở tài khoản ngân hàng cần báo Cơ quan Công an phối hợp xử lý.
Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện nghi vấn, hãy báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu (số điện thoại 02913.823790) để được hướng dẫn, xử lý kịp thời./.
Quốc Hòa
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 7181 Trong tuần: 59740 Trong tháng 121873 Tất cả: 17215428