Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống
Cập nhật ngày: 23-11-2022
Từ năm 2013, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (năm 2012) do Quốc hội ban hành có hiệu lực thi hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, góp phần xác định rõ trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, đồng thời bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cấp, các ngành nói chung, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Những năm qua, Công an tỉnh Bạc Liêu thường xuyên đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân gắn với công tác hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, từng bước đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Trong 10 năm qua, Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh luôn chú trọng việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương. Lực lượng Công an các cấp trong tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành hàng chục văn bản hướng dẫn, triển khai thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, các Dự án luật cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự… Thường xuyên đổi mới, áp dụng nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hiệu quả việc tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, trở thành cầu nối truyền tải pháp luật vào cuộc sống, giúp người dân trên địa bàn nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam
Bên cạnh đó, lực lượng Công an còn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động Nhân dân tham gia đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Cụ thể, đã tổ chức tuyên truyền được 20.531 cuộc với trên 68.000 lượt người tham dự; tuyên truyền bằng loa lưu động và trên không gian mạng được khoảng 30.000 cuộc, phát gần 400.000 tờ rơi cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Tăng cường đăng tải, chia sẻ thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai sự thật thông quan các trang fanpage do lực lượng Công an quản lý, sử dụng….
Thượng tá Trịnh Văn Hạnh, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh cho biết: căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phòng Tham mưu thường xuyên tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đặc biệt là quan tâm kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như củng cố, bố trí nguồn lực, báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác này. Bên cạnh đó, chủ động phân bổ, bố trí nguồn kinh phí, huy động tối đa cơ sở vật chất, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân để học tập, tìm hiểu, thực thi Hiến pháp, pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật.
Ra mắt mô hình “Nhóm Zalo đảm bảo an ninh trật tự”
Công an các đơn vị, địa phương còn thường xuyên quan tâm, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến. Củng cố, kiện toàn, nhân rộng các mô hình, tổ chức quần chúng phòng chống tội phạm hoạt động đạt hiệu quả cao. Hiện tại, toàn tỉnh có 224 mô hình phòng, chống tội phạm với 1.421 tổ và có gần 17.000 thành viên tham gia. Những mô hình này đã góp phần tích cực trong vấn đề tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các thành viên cũng như người dân trên địa bàn, đóng góp hàng ngàn tố giác, tin báo liên quan đến an ninh trật tự. Qua đó, các thành viên mô hình thực sự trở thành nhân tố quan trọng, là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong vấn đề giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở.
Lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai quyết định xử phạt 02 đối tượng nẹt pô, đua xe
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã xác định 06 nhóm đối tượng đặc thù cần tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó, lực lượng Công an chủ trì trực tiếp thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù, tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018-2021”. Qua đó, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này. Chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức 15 buổi “Giáo dục tái hòa nhập cộng đồng” cho 825 lượt phạm nhân; tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho gần 4.000 lượt can, phạm nhân về chấp hành nội quy, quy chế giam giữ, các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước…
Công an tỉnh tổ chức lớp học tái hòa nhập cộng đồng
Song song đó, lực lượng Công an còn tham mưu với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người đặc xá, tha tù. Qua đó, quần chúng Nhân dân ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm, cùng với lực lượng Công an quản lý, giúp đỡ người được đặc xá tha tù trở về địa phương có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.
Chị Lê Thị K.P tâm sự: từ khi vào trong Trại tạm giam được cán bộ quản giáo tại đây thường xuyên động viên, giáo dục. Bản thân tôi cũng ý thức được sai lầm trước đây phạm phải do một phút cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật, luôn cố gắng lao động, cải tạo thật tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm được trở về với gia đình, trở thành người có ích…
Có thể khẳng định, qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành và thượng tôn pháp luật của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, tự giác sống và làm việc theo pháp luật. Qua đó, tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn có sự chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ người dân vi phạm pháp luật giảm theo từng năm, từng bước đẩy lùi những tập quán lạc hậu, tệ nạn xã hội; góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.
Phương Thảo
Các tin khác
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 13538 Trong tuần: 66105 Trong tháng 128239 Tất cả: 17221794