Liên quan vụ khủng bố do nhóm đối tượng trang bị vũ khí, tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6 làm 4 cán bộ Công an xã hy sinh, 2 cán bộ xã và 3 người dân thiệt mạng, 2 cán bộ Công an xã bị trọng thương, CQĐT đã khởi tố vụ án, bắt giữ các đối tượng liên quan để điều tra, xử lý trước pháp luật; đồng thời triển khai các công tác ổn định tình hình tại địa phương.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử chống đối đã và đang lợi dụng vụ án để xuyên tạc sự thật, đưa các thông tin sai trái nhằm kích động chống phá, gây bất ổn từ bên trong, đồng thời tạo cớ để kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.
Trong loạt bài viết này, cùng việc phân tích, làm rõ những luận điệu, thủ đoạn chống phá của các thế lực xấu, chúng tôi đã đến tìm hiểu và ghi nhận ý kiến của các chức sắc, bà con và chính quyền ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Với góc nhìn cụ thể và sinh động, đó là bằng chứng thực tiễn thuyết phục để dư luận trong nước và quốc tế hiểu đúng về vụ việc, về đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hiện nay.
Bài 1: Những luận điệu xảo trá sau vụ khủng bố ở Đắk Lắk
Thêu dệt, bóp méo sự thật
Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, Người Phát ngôn Bộ Công an cũng như các cơ quan chức năng đã có các thông tin chính thức với báo chí và tại một số hội nghị, diễn đàn có liên quan. Việc thông tin đảm bảo tính chính xác, kịp thời, giúp người dân trong nước và dư luận quốc tế nắm được thông tin, bản chất vụ án, ủng hộ cơ quan chức năng tích cực điều tra, làm rõ để xử lý trước pháp luật; đồng thời lên án các cá nhân, tổ chức đứng sau vụ án, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu gây bất ổn tại khu vực Tây Nguyên.
Ngày 23/6/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; che giấu tội phạm; không tố giác tội phạm và tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”; ra các quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với 75 bị can.
Tuy nhiên, sau khi vụ án xảy ra, trên nhiều kênh thông tin báo chí nước ngoài, các trang mạng hải ngoại, trang mạng cá nhân của các đối tượng chống đối đã tung ra thông tin sai sự thật, các hình ảnh được dàn dựng, cắt ghép… Một số bài viết cố tình đánh tráo bản chất, hướng vụ án sang nguyên do khác nhằm kích động tâm lý kỳ thị dân tộc, gây chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.
Báo điện tử BBC Tiếng Việt ngày 23/6 đăng bài “Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc của núi rừng trong lòng tôi” đã đưa nhiều thông tin sai sự thật, có các bình luận mang tính chụp mũ, suy diễn. Bài viết cố tình hướng lái sai mục đích, ý nghĩa của vấn đề di dân, phát triển kinh tế ở Tây Nguyên, từ đó quy chụp “không gian của các sắc tộc bị tan vỡ”! Người viết đưa ra những câu từ vừa trái bản chất, vừa mang tính kích động như “Sau biến cố 30/4/1975, Tây Nguyên bước vào kỷ nguyên bị phá vỡ”.
Ngay như khái niệm “đồng bào” vốn là câu chữ thân thuộc, thiêng liêng với cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam thì bài viết cũng cố tình bẻ lệch ý nghĩa, cho rằng “việc gọi các sắc tộc Tây Nguyên bằng từ “đồng bào” không che giấu được toan tính chính trị”, đả kích thành “đây là cách áp đặt văn hoá và mị dân”! Bằng thủ đoạn vờ “đặt vào miệng” của một người không rõ thực hư ở đâu, bài viết này vu cáo “Người Kinh đang đối xử với các sắc tộc Tây Nguyên hơn cả thực dân, bởi thực dân không muốn chiếm đoạt và đồng hoá như thế”; “có quá nhiều người sắc tộc ở Tây Nguyên nói họ không được phép thực hành niềm tin tôn giáo họ chọn”…
Bằng những thủ đoạn đánh tráo bản chất dưới dạng hồi ức, kể lại, nhớ lại, tự bịa ra lời nói của những cá nhân không có thật, bài viết cố tình vẽ ra bức tranh với gam màu xám xịt ở Tây Nguyên rồi quy kết rằng “việc tấn công vào trụ sở Công an tại hai xã vừa qua rất có thể là phản ứng của sự phẫn nộ, phản kháng khi người sắc tộc bị dồn vào đường cùng”! Đây là thủ đoạn vu cáo hết sức nguy hiểm nhằm kích động chống phá từ bên trong và gây sự hiểu lầm, tạo sức ép từ bên ngoài.
Đài Á châu tự do (RFA) đưa bài mang rõ tính kích động, xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta khi nói rằng, giải pháp cho các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo ở Tây Nguyên đều lặp lại điệp khúc cách đây hàng chục năm. Từ đó bôi nhọ: “Không chỉ nguội mà còn cuội. Cuội là vì trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đi ngược lại chính sách đại đoàn kết dân tộc và giờ đây lại còn đổ vấy trách nhiệm về biến cố xả súng ở huyện Cư Kuin”!
Trong một bài viết khác, đài này dùng những ngôn từ xảo trá để bóp méo bản chất vụ án khủng bố ở Đắk Lắk, “đánh lái” thành vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong các dân tộc ở Tây Nguyên, vu cáo người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên “không chịu được sự áp đảo hiện nay bởi sự thống trị của người Việt đến từ đồng bằng”. Với cách dẫn dắt sai trái này, bài viết nhắm vào chỉ trích Đảng, Nhà nước: “Chính quyền của Đảng Cộng sản bị cáo buộc đàn áp các nhóm sắc dân này, những người đã từng chiến đấu với họ trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ…”; “đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên đã bị truất sở hữu đất đai của tổ tiên, nơi mà nhà nước áp dụng chính sách thuộc địa”!
Đài này cũng đưa nhiều phỏng vấn những đối tượng tự xưng là người dân tộc HMong, người Thượng tự nhận là “nạn nhân bị đàn áp tôn giáo” phải bỏ chạy lưu vong hoặc dẫn lời những trường hợp không rõ địa chỉ cụ thể để bôi nhọ tình hình thực tế tại Đắk Lắk. Những đối tượng này cho rằng vụ việc ở Đắk Lắk là “hành động phản kháng của người Tây Nguyên theo đạo Tin lành bị áp bức về đức tin”, là “mâu thuẫn sắc tộc” âm ỉ từ lâu; xuyên tạc bản chất vấn đề bằng chiêu bài “người Kinh áp bức người Thượng”, “người Kinh chiếm đất của người Thượng”…
Cũng với giọng điệu bịa đặt, đả kích, Đài VOA đưa nhiều bài viết đánh lừa người đọc dưới dạng người Thượng ở Tây Nguyên kể chuyện. Trong bài viết “Người Thượng tấn công chính quyền vì tức nước vỡ bờ”, bằng việc dẫn lời của hai trường hợp ở Hoa Kỳ có tên là Y Phíc và Aga - thành viên của tổ chức phản động “Người Thượng vì công lý”, bài viết trích dẫn những nội dung sai trái nhắm vào miệt thị chính quyền, quy cho nguyên nhân vụ khủng bố là “họ đã bị đẩy đuổi đến bước đường cùng”!
Từ việc bịa chuyện mâu thuẫn trong làm ăn, lao động sản xuất giữa người Kinh với người Thượng, bài viết vu cáo “chính quyền không bao giờ cho người dân tự do bày tỏ niềm tin tôn giáo mà họ lựa chọn”; “người Thượng cũng đem những bức xúc của mình đi khiếu nại với chính quyền nhưng không những không được giải quyết mà còn bị bắt bớ, đánh đập”. Từ đó, bài viết đánh tráo bản chất, bôi nhọ thành “chính quyền cộng sản Việt Nam gần như không quan tâm gì đến đồng bào Tây Nguyên”; biện hộ cho hành vi của những kẻ khủng bố rằng “khi bị đẩy vào bước đường cùng thì người dân không còn cách nào khác là sẵn sàng đối diện với cái chết để làm liều”; “khi họ không còn con đường để sống thì họ phải chấp nhận cái chết”…
Thậm chí, VOA còn dẫn lời Y Phic nói rằng, hơn 70 trường hợp bị bắt giữ trong vụ khủng bố ở Đắk Lắk thì “đa số là người vô tội”, vu cáo “chính quyền nghi ai, ghét ai thì họ đều bắt hết”! Đài VOA dẫn lời Nguyễn Đình Thắng, đối tượng cầm đầu Ủy ban cứu người vượt biển (BPSOS) - một tổ chức phản động lưu vong có trụ sở ở bang Virginia (Mỹ) đứng sau vụ tấn công ở Đắk Lắk, xuyên tạc chính quyền buộc người Thượng ở Tây Nguyên phải bỏ đạo, người thiểu số không quy thuận người Kinh...
Lợi dụng vụ án để công kích, miệt thị Đảng, Nhà nước
Theo dõi những bài viết nói trên cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng là thông qua ngôn ngữ kể chuyện của những nhân vật tự xưng “người Thượng ở Tây Nguyên” để đánh vào tâm lý người đọc, người nghe, người xem rằng đây là chuyện thật do người trong cuộc kể ra. Sự thực, người mà những đài báo này dẫn lời, nếu là “người Thượng ở Tây Nguyên” thì đó là những cái tên không rõ địa chỉ, con người cụ thể mà chỉ mang tính hư cấu.
Còn với “người Thượng ở hải ngoại” thì các bài viết dẫn ra tên người thật, thậm chí cả ảnh thật nhưng là lời của những kẻ chống đối, tham gia các tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, như hai trường hợp của tổ chức “người Thượng vì công lý” kể trên. Lời của những đối tượng luôn rắp tâm chống phá đất nước thì lấy gì để nói khách quan ở đây khi cứ hễ nói đến đất nước thì luôn kèm theo những câu từ đầy tính kích động, hằn học kiểu như “chính quyền đàn áp”, “bỏ rơi người Thượng”, “bị trói, bịt miệng”, “đẩy vào đường cùng”, “cùng quẫn nên liều mạng”…
Nội dung trong các bài viết, lời nói dù bằng cách này hay cách khác thì số này đều nhắm vào xuyên tạc, bôi nhọ chính sách của Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, cho rằng đồng bào bị bỏ rơi, bị chèn ép, đẩy vào khốn cùng. Cùng với đó là xuyên tạc tình cảm, đời sống của đồng bào Tây Nguyên, đưa ra những nội dung sai trái để gây chia rẽ giữa người Kinh với người Thượng, giữa các đồng bào dân tộc thiểu số. Một số bài viết còn xuyên tạc việc chính quyền “lợi dụng vụ việc để đàn áp, truy bức người Thượng”, từ đó đưa ra cái nhìn sai lệch, nhất là gây hiểu lầm đối với dư luận ở nước ngoài, cố tình tạo ra những mâu thuẫn, bất ổn từ bên trong để kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức quốc tế vào công việc nội bộ của Việt Nam…
(Còn nữa)
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 5652 Trong tuần: 127 Trong tháng 134419 Tất cả: 17227973