Tuy nhiên vẫn còn một vài trường hợp ảo vọng ngông cuồng tiếp tục mưu toan kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin nghe theo lời dụ dỗ, xúi giục của các phần tử phản động FULRO lưu vong, gây ảnh hưởng đến ANTT ở địa phương, khiến cho nhiều người dân ở các buôn làng bức xúc lên án, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh. Nổi cộm trong số này là Nay Y BLang, thường gọi là Ma Tương (SN 1976), trú ở buôn Bưng B, xã Ea Lâm...
Trò chuyện với chúng tôi, ông Y Coăn Niê, thường gọi là Ma Toàn (SN 1966), ở cùng buôn Bưng B với Ma Tương, bức xúc kể rằng, đã có một thời ông vì nhẹ dạ cả tin nên bị Ma Tương dụ dỗ, xúi giục tham gia CHPC, rồi được Ma Tương phong cho chức vị Phó thư ký. Sau một năm lầm lạc, ông phát hiện những chiêu trò kích động, dụ dỗ của Ma Tương và các đối tượng phản động lưu vong là mơ hồ, CHPC là tổ chức vô thừa nhận, hoạt động phạm pháp, xuyên tạc sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam, chia rẽ chính sách đoàn kết dân tộc… Nhận diện sai lầm nên ông từ bỏ cái gọi là CHPC và can khuyên nhiều người dân không nên sập bẫy trò lừa của Ma Tương cũng như các đối tượng phản động.
Cùng suy nghĩ đó, ông Ra Lan Y Thêm, thường gọi là Ma Phan (SN 1967), cũng ở buôn Bưng B, chia sẻ: "Tôi đã nhận diện được CHPC là tổ chức phản động lưu vong, do A Ga - một đối tượng bị cơ quan chức năng truy nã đã bỏ trốn sang Mỹ rồi giở trò dụ dỗ, lừa gạt, kích động một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chống đối chính quyền, thực hiện những hành vi trái pháp luật. Không có CHPC nào lo cho mình miếng cơm, manh áo đâu, mà những năm qua Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, mỗi người dân cần nỗ lực sản xuất chăn nuôi để no cái bụng, ấm cái lưng, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của buôn làng"…
Theo tìm hiểu, từ năm 2001 đến 2019, Ma Tương bị các phần tử phản động lôi kéo tham gia FULRO, "Tin Lành Đề ga". Từ cuối năm 2019 đến nay, Ma Tương tham gia tổ chức phản động "Tin Lành đấng Christ - UMCC", CHPC, thường xuyên liên lạc, tiếp nhận và thực hiện chỉ đạo của các đối tượng hoạt động FULRO trong và ngoài nước kích động, lôi kéo, xúi giục một số người chống phá chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT và cuộc sống bình yên của người dân ở buôn làng.
Hồ sơ nhân thân Ma Tương cho thấy, trong năm 2004 đối tượng này đã có hành vi cản trở, lăng mạ, xúc phạm danh dự của người thi hành công vụ, nên bị UBND xã Ea Lâm xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) bằng hình thức cảnh cáo. Nhưng Ma Tương vẫn "quen lối cũ" tiếp tục giở chiêu bài chống phá, chia rẽ đoàn kết dân tộc và phải vào vòng tố tụng hình sự. Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm trong tháng 4/2005, Ma Tương đã bị TAND tỉnh Phú Yên xử phạt 5 năm 6 tháng tù về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết"…
Những tưởng sau thời gian thi hành án hình sự tại Trại giam Nam Hà - Bộ Công an ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng (Hà Nam), Ma Tương nhận diện sai lầm để cải tà, quy chính, thế nhưng Ma Tương vẫn tiếp tục lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để kích động một số người hạn chế nhận thức pháp luật và đời sống xã hội, thực hiện những hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Vì thế, đầu năm 2012, Ma Tương bị cơ quan chức năng lập hồ sơ đưa vào Cơ sở giáo dục bắt buộc A1 - Bộ Công an, ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa (Phú Yên) 24 tháng. Trở về địa phương đầu năm 2014, Ma Tương lại "diễn" những chiêu trò trước đó, nên từ năm 2018 đến 2022 đối tượng này không chỉ bị UBND xã Ea Lâm xử phạt VPHC 3 triệu đồng, mà còn nhiều lần bị cơ quan chức năng giáo dục, đưa ra kiểm điểm trước đông đảo người dân ở buôn làng.
Bất chấp dân làng lên án, can khuyên, chính quyền cảm hóa giáo dục, Ma Tương tiếp tục tái phạm, đến ngày 30/9/2022, một lần nữa Ma Tương bị lãnh đạo UBND huyện Sông Hinh ra quyết định xử phạt VPHC 4 triệu đồng về hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại điểm c, khoản 4, điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ…
Theo Đại úy Nguyễn Hùng Anh, Phó trưởng Công an xã Ea Lâm, thừa biết CHPC không phải là một tổ chức tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo, thế nhưng Ma Tương vẫn tích cực tham gia tuyên truyền lôi kéo một số người dân tham gia diễn trò phân biệt đối xử, kỳ thị với những người đang sinh hoạt tôn giáo Tin Lành thuần túy; kích động gây chia rẽ đoàn kết trong đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số với người dân tộc Kinh.
Thậm chí Ma Tương còn thường xuyên lôi kéo một số đối tượng xấu tụ tập, hội họp để bàn tính âm mưu kích động, dụ dỗ người khác tham gia CHPC, xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhiều người khác; tổ chức hoạt động phạm pháp về "Ngày tưởng niệm các nạn nhân bị đàn áp vì lý do tôn giáo hay niềm tin".
Cùng với đó, Ma Tương còn cung cấp thông tin sai sự thật về dân chủ, nhân quyền cho các tổ chức, cá nhân phản động lưu vong ở nước ngoài, trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự do với những nội dung xuyên tạc sự thật về tình hình tự do tôn giáo ở địa phương, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo. Khi chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở xã Ea Lâm đến nhà để tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo hành vi phạm pháp, hoặc mời đến trụ sở xã để giáo dục, Ma Tương có những động thái thách thức, kêu gọi đồng phạm chụp ảnh, quay video để chuyển cho các đối tượng CHPC Tây Nguyên và ở nước ngoài diễn trò lu loa vu cáo về tự do tôn giáo ở huyện miền núi Sông Hinh...
Những hành vi đó của Ma Tương đã khiến nhiều người dân ở các buôn làng huyện miền núi Sông Hinh vô cùng bức xúc lên án và kiến nghị cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 148 Trong tuần: 352 Trong tháng 151252 Tất cả: 17244811