Trên mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đăng tin, bài cố tình xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, trong đó có nói đến vấn đề bình đẳng giới hiện nay như: Việt Nam phân biệt đối xử với phụ nữ, Việt Nam không có bình đẳng giới, Việt Nam đàn áp những người “bất đồng chính kiến” là phụ nữ và trẻ em... Thậm chí, những đối tượng trên còn nhận định phụ nữ Việt Nam không có tự do, không có quyền gì quyết định cuộc đời.
Để làm được điều này, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội ra sức xuyên tạc, bóp méo sự thật; phủ nhận thành tựu, thực tiễn các giá trị lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, trong đó có bình đẳng giới tại Việt Nam. Xuyên tạc, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền trong bình đẳng giới, ngăn cản tự do ngôn luận, tự do hội họp; lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, sơ hở, thiếu sót trong quản lý, điều hành đất nước hoặc những vấn đề bức xúc, khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết để lôi kéo, kích động người dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh trật tự; tung hô, cổ vũ, cường điệu hóa các giá trị dân chủ tư sản “kiểu Mỹ” và phương Tây; xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người, không bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em, chèn ép “những người bất đồng chính kiến”…
Ngoài ra, các thế lực xấu thúc đẩy hình thành hội, nhóm, tổ chức chính trị đối lập do các đối tượng chống đối là phụ nữ cầm đầu như “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội dân oan”... Chiêu bài của các thế lực thù địch là lợi dụng vẻ bề ngoài các tổ chức này đóng vai trò “phản biện xã hội” giúp đưa tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào đóng góp xây dựng đất nước. Nhưng thực chất là cổ súy đa nguyên về tư tưởng, chính kiến để hình thành hoặc chuẩn bị hình thành vào các khuynh hướng tư tưởng chính trị khác nhau; từ đa nguyên về tư tưởng dẫn tới đa nguyên về chính trị và mục đích cuối cùng là đối lập về tư tưởng chính trị. Lợi dụng các kẽ hở về mặt pháp luật, tập hợp và làm méo mó các vấn đề xã hội như dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới… để xuyên tạc và âm mưu hình thành các tổ chức chính trị đối lập tại Việt Nam.
Thông qua các hội nhóm này, chúng huấn luyện cho thành viên để kích động họ viết đơn kiến nghị, đòi thành lập đảng chính trị đối lập, thậm chí đòi khởi kiện, vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm các điều ước quốc tế về quyền dân sự… Khi các thông tin chống phá của chúng bị bóc trần sự thật, các đối tượng lập tức vu cáo ta “độc đoán”, đàn áp tự do, bất bình đẳng về giới, phân biệt đối xử, che giấu thông tin, hoặc tiếp tục bẻ lái, kích động dư luận chống đối, đi ngược lại quan điểm, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước. Đồng thời vận động các tổ chức quốc tế trao “giải thưởng nhân quyền” cho các đối tượng vi phạm pháp luật là phụ nữ bị bắt, xử lý ở trong nước… nhằm cổ suý, khích lệ số đối tượng trong nước hoạt động quyết liệt, tích cực hơn.
Có thể thấy rõ, những thủ đoạn đổi trắng, thay đen, bóp méo, xuyên tạc lịch sử, sự thật nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam của thế lực thù địch tuy không phải chiêu trò mới nhưng rất nguy hiểm. Những luận điệu xuyên tạc với thủ đoạn chống phá tinh vi lợi dụng không gian mạng nhằm “nhào nặn”, “vá víu” các sự kiện, tư duy ngụy biện xảo trá, đánh tráo khái niệm, suy diễn méo mó làm ảnh hưởng hình ảnh, các nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện tự do, dân chủ, nhân quyền và bình đẳng giới.
Tự do, dân chủ, nhân quyền dưới góc nhìn bình đẳng giới ở Việt Nam
Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong bảo đảm quyền con người như:
Vai trò của phụ nữ Việt Nam đã được thể hiện rõ nét từ Quốc hội khóa I, chỉ với 10 đại biểu nữ (chiếm 3%) các nữ đại biểu đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình. Trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, bà Lê Thị Xuyến đã được bầu làm Ủy viên Thường trực Quốc hội. Đến năm 1950, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất, bà được bầu làm Hội trưởng. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, bà Lê Thị Xuyến đã đảm nhiệm cùng lúc cả hai vị trí: Ủy viên Thường trực Quốc hội và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thập là một trong mười nữ đại biểu đầu tiên của Quốc hội Việt Nam. Trong 18 năm bà là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời bà được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội và giữ cương vị này liên tục trong 21 năm, từ khóa III đến khóa VI (1960-1981).
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam vì đây là lần đầu tiên chúng ta có một nữ Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đồng thời có một Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội là bà Tòng Thị Phóng.
Quốc hội Việt Nam khóa XV được bầu ra ngày 23/5/2021 có 499 đại biểu, trong đó có 151 đại biểu nữ, chiếm 30,26%. Đây là lần thứ hai số nữ đại biểu Quốc hội của nước ta đạt trên 30% (lần đầu tiên là Quốc hội khoá V, đạt 32,31%). Số đại biểu nữ tham gia Quốc hội ngày càng nhiều và đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Tỉ lệ nữ ủy viên thường vụ và chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội trong 3 khóa gần đây tăng lên. Số đại biểu nữ giữ các vị trí lãnh đạo trong Quốc hội kỳ này chiếm gần 40%. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong số ủy viên Trung ương Đảng chính thức được bầu có 18 đại biểu nữ (chưa tính 1 ủy viên dự khuyết), tăng 1 đại biểu so với nhiệm kỳ khóa XII.
Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong các cấp chính quyền với số nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 26,5% (tăng 1,37% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện đạt 27,9% (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ trước). Trong 63 Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 có 9 người là nữ tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lai Châu, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ngãi và An Giang. Đây là số lượng nữ Bí thư tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay.
Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong nhiệm kỳ này, ở cấp cơ sở, số nữ tham gia cấp ủy đạt 21%, tăng 2%; cấp trên cơ sở đạt 17%, tăng 2%. Đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16%, tăng 3% so với nhiệm kỳ trước.
Với những chủ trương, đường lối đúng đắn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, nên trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong tham gia lãnh đạo quản lý nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội Các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Chỉ số bình đẳng giới không ngừng được cải thiện. Năm 2020, Việt Nam xếp vị trí 87 trên tổng số 153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới, được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Những thành tựu đạt được cũng trở thành tiền đề, thành động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Với những thống kê trên, một lần nữa khẳng định những thành tựu mà Việt Nam đã và đang nỗ lực đạt được trong việc đảm bảo quyền tự do, dân chủ, nhân quyền nói chung và thúc đẩy bình đẳng giới nói riêng. Thực tiễn đó bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và các cá nhân, tổ chức chống đối trong và ngoài nước.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 10683 Trong tuần: 10718 Trong tháng 61215 Tất cả: 16210518