Tính đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng dịch với tính chất và quy mô ngày càng phức tạp. Dịch bệnh đã gây rất nhiều hệ lụy với đời sống – kinh tế - xã hội, nhất là khi nhiều tỉnh, thành phố lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.
Lợi dụng tình hình dịch bệnh, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước, một số tổ chức phi chính phủ, báo đài quốc tế có xu hướng chống Việt Nam (BBC, RFA, RFI, Chân trời mới…) đẩy mạnh hoạt động chống phá trên không gian mạng.
Tung “virus” tin giả, phá nỗ lực phòng, chống dịch
Cuối năm 2019, đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại Trung Quốc và lây lan ra một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cùng với sự xuất hiện của virus Corona là hàng loạt tin tức ăn theo con virus nguy hiểm này, trong đó có rất nhiều thông tin bịa đặt.
Việc này khiến cho dư luận hoang mang, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Lo ngại trước thực trạng này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng yêu cầu các hãng công nghệ lớn như Facebook, Google, Youtube… có hành động ngăn chặn việc lan tràn các thông tin thất thiệt (tin giả - Fake news) về dịch bệnh.
Ở nước ta, đầu tháng 3/2020 xuất hiện ca bệnh thứ 17, đánh dấu làn sóng dịch thứ 2 xuất hiện, cũng là thời điểm bùng nổ tin giả. Tin giả lan truyền khiến người dân đổ xô đi mua nhu yếu phẩm, tạo nên sự khan hiếm hàng hóa, gây hoang mang trong nhân dân. Cùng với sự gia tăng số ca bệnh, tin giả liên quan đến dịch bệnh COVID-19 cũng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp.
Những kẻ tạo tin giả ăn theo COVID -19 có nhiều mục đích khác nhau: Để tăng view, tăng like; để thu hút người đọc nhằm quảng bá, bán hàng online; để kích động, lôi kéo; để phá hoại công tác phòng, chống dịch mà cả nước đang chung tay thực hiện… Trong số những người tạo tin giả, lan truyền tin giả, có người do nhận thức chưa đầy đủ nên… hồn nhiên chia sẻ; có người cố ý; có những kẻ tạo tin giả để phục vụ ý đồ chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước.
Mới đây, khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát với biến thể Delta vô cùng nguy hiểm, khiến nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ thì tin giả cũng “tái bùng phát” trên mạng xã hội. TP Hồ Chí Minh sau hơn ba tháng thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người lao động mất việc làm, làn sóng người ngoại tỉnh rồng rắn về quê, bệnh viện quá tải… khiến trật tự an toàn xã hội bị ảnh hưởng, tâm lý người dân bất an.
Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, nhiều kẻ đã tạo và tung tin giả lên mạng xã hội. Với cách ngụy tạo có chủ ý, tinh vi, ban đầu những người bất nhẫn này đã lấy được lòng tin của cộng đồng mạng, khiến họ xúc động và không ngại ngần bấm “like”, viết bình luận, ấn nút share (chia sẻ).
Sự lan tỏa chóng mặt của tin tức giả mạo này đã gây lo lắng cho nhiều người, gây nghi ngờ về hiệu quả của công tác phòng chống dịch. Bài viết “Một shipper buồn nhất thế giới và một thằng bán gas quá rảnh” xuất hiện trên Facebook hồi đầu tháng 8 là một ví dụ.
Bài viết này có nội dung là tác giả “theo chân” một shipper giao số lượng lớn tro cốt người mất vì COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh. Người này đã chứng kiến cảnh “rơi nước mắt” khi thấy có những trường hợp shipper giao tro cốt nhưng không có người thân nhận hoặc có thì chỉ còn bà già, trẻ nhỏ. Sự thật về câu chuyện “Một shipper buồn nhất thế giới…” được Công an quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh sau đó đã làm rõ lại khác xa.
Cơ quan Công an xác minh, trên địa bàn phường Phú Trung, quận Tân Phú không có hẻm 42 Âu Cơ và không có gia đình nào có nhiều người mất vì COVID-19 như bài viết mô tả. Thế mà, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi đăng tải, bài viết đã nhận 2.900 lượt like, 780 bình luận, 1.300 lượt chia sẻ, trong đó có nhiều đối tượng chống đối chính trị, phản động trong và ngoài nước.
Còn chủ tài khoản “Lan Nguyen Van” sau khi đăng tải bài viết một ngày đã đặt chế độ ẩn bài. Dù đã ẩn bài, nhưng cơ quan Công an sau đó đã làm rõ, Nguyễn Văn Lân là chủ tài khoản “Lan Nguyen Van”. Ban đầu, người này không hợp tác nhưng qua đấu tranh, kết hợp với tài liệu, chứng cứ chứng minh của cơ quan Công an, ông Lân đã thừa nhận hành vi sai trái và nhận mức phạt hành chính 7,5 triệu đồng.
Cũng trong lúc TP Hồ Chí Minh đang là điểm nóng của dịch bệnh với số ca nhiễm lên đến con số hàng nghìn mỗi ngày thì trên Facebook xuất hiện bài của nick “Trần Khoa” đăng câu chuyện nói là của chính mình, vốn là một bác sỹ đã quyết định rút ống thở của mẹ mình để nhường cho sản phụ mang song thai. Nghĩa cử của “bác sỹ Khoa” đã lay động trái tim hàng nghìn người. Facebook đêm 8/8 ngập tràn những lời biết ơn gửi đến “bác sỹ Khoa” như: “Bác sỹ Khoa, chúng tôi nợ anh và bố mẹ anh sự sống”.
Thế nhưng, chỉ sau đó ít giờ, nhiều tài khoản Facebooke đã “bóc phốt” “bác sỹ Khoa khi chỉ ra, hai bức ảnh hai cháu bé sơ sinh – con của sản phụ được “bác sỹ Khoa” cứu sống từ việc rút máy thở của mẹ được lấy từ tài khoản Facebook của bác sỹ Cao Hữu Thịnh, đang công tác tại Bệnh viện An Sinh (TP Hồ Chí Minh) đăng trước đấy. Sở Y tế, Công an TP Hồ Chí Minh sau đó xác định, “bác sỹ Khoa” không có thật.
Theo Thiếu tá Nguyễn Việt Cường, Phó trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, từ đầu năm 2020 đến nay, Cục đã cùng Công an các địa phương triệu tập đấu tranh với hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt hành chính 466 đối tượng, nộp ngân sách gần 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan Công an còn phối hợp với ngành chức năng, các hãng cung cấp dịch vụ lớn để ngăn chặn, gỡ bỏ hàng nghìn thông tin giả liên quan đến COVID -19. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để việc khởi tạo, phát tán tin giả không dễ, bởi ngoài những đối tượng muốn được gây chú ý, trục lợi, còn có những đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để chống phá, coi đây là cơ hội để thực hiện âm mưu chính trị.
Biến dịch bệnh thành cơ hội thực hiện âm mưu chính trị
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng chống phá đã soạn thảo, phát tán hàng chục nghìn bài viết, bình luận sai sự thật, chống Đảng, Nhà nước, gây rối ANTT trên hàng trăm website và hàng nghìn nhóm, tài khoản mạng xã hội.
Nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề: Xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, nguồn lây nhiễm, số người nhiễm bệnh, số ca tử vong, công dụng của thuốc và vật tư y tế phòng, chống dịch, kêu gọi tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; kích động, gây chia rẽ quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc và một số quốc gia khác; công kích, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhân viên y tế, người mắc bệnh và người có nguy cơ lây nhiễm; kêu gọi biểu tình, tẩy chay, phản đối việc cài đặt phần mềm Bluezone, kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài; kêu gọi tích trữ lương thực, thực phẩm, gây hoảng loạn trong quần chúng nhân dân; trục lợi kinh tế thông qua buôn bán, làm giả vật tư, thiết bị phòng, chống dịch…
Những thông tin này được nhiều người thiếu hiểu biết đăng tải hoặc chia sẻ trên mạng xã hội, khiến lan truyền rất nhanh trên phạm vi rộng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến ANQG và trật tự an toàn xã hội. Điển hình phải kể đến vụ kích động công nhân đình công, “bất tuân dân sự”, đòi yêu sách, không cho người nước ngoài quay trở lại Việt Nam làm việc. Hậu quả, đã làm hơn 1.600 công nhân tại cụm Công nghiệp Hà Lam – Chợ Được (Thăng Bình, Quảng Nam); hơn 5.000 công nhân Công ty TNHH JY Hà Nam tại Thanh Liêm (Hà Nam); hơn 3.000 công nhân tại Công ty TNHH Regis (Ninh Bình)… đình công tập thể.
Lợi dụng dịch bệnh, các đối tượng chống đối còn tổ chức tuyên truyền, huấn luyện, lôi kéo người vào tổ chức, phát triển lực lượng chống đối trong nước. Đáng chú ý, tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã tài trợ in hơn 1 triệu khẩu trang có hình lưỡi bò phát tán trong nước nhằm khuếch trương thanh thế; tán phát “Thư kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam thả tù nhân trong đại dịch COVID-19”.
Tổ chức “Ủy ban cứu người vượt biển – BPSOS” lợi dụng dịch bệnh để thực hiện các dự án dưới danh nghĩa “dân sinh, dân quyền” nhằm mở rộng mạng lưới “xã hội dân sự”. Tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” lợi dụng giãn cách xã hội để móc nối, lôi kéo tham gia tổ chức, nhất là những người trẻ tuổi có nhận thức chính trị hạn chế, người có hoàn cảnh khó khăn, bất mãn xã hội, ảo tưởng chính trị để kích động, khoét sâu bất mãn với chính quyền, hứa hẹn “cấp phát nhà miễn phí”. Cơ quan Công an đã bóc gỡ 130 đối tượng mới tham gia tổ chức này, xác định làm rõ hơn 1.300 đối tượng trong nước đăng ký xin trợ cấp nhà.
Đấu tranh với đối tượng này là cuộc chiến không khoan nhượng, đòi hỏi cơ quan Công an phải chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để giám sát chặt chẽ thông tin trên không gian mạng. Qua đó, đã phát hiện hàng trăm trang web, tài khoản mạng xã hội; 100 hội nhóm lớn, 65 kênh Youtube có hoạt động chống phá nguy hiểm; xử lý, sàng lọc hàng triệu tin, bài liên quan đến dịch COVID-19 có nội dung xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước để tổ chức truy xét, truy tìm. Qua đó, cơ quan Công an đã đấu tranh với 1.658 đối tượng, khởi tố hình sự 4 đối tượng, xử phạt hành chính 695 đối tượng.
Ngoài ra, cơ quan Công an còn xác định khoảng 500 hội nhóm có hoạt động liên quan đến ANTT; tổ chức gọi, hỏi, yêu cầu 264 hội, nhóm có hoạt động liên quan đến ANQG xóa bỏ nội dung sai phạm, trong đó có 50 hội, nhóm lợi dụng dịch bệnh để chống phá Đảng, Nhà nước; phá rã 18 hội, nhóm có tổng số gần 1 triệu thành viên; gỡ bỏ hàng nghìn bài viết, video clip liên kết chứa thông tin giả về tình hình dịch bệnh COVID-19.
Theo: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4271 Trong tuần: 26590 Trong tháng 77093 Tất cả: 16226407