Tôn trọng lịch sử, hướng đến tương lai
Chiến thắng 30/4/1975 là một dấu mốc đặc biệt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và các thế lực phản động, tay sai, thống nhất Nam – Bắc, đưa giang sơn thu về một mối. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, Việt Nam đã có sự phát triển toàn diện, vị thế, uy tín trên trường quốc tế được khẳng định rõ nét. Tuy nhiên, một số đối tượng xấu vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc, truyền bá những tư tưởng hận thù, chống phá.
Vừa qua, Thượng nghị sĩ Tom Umberg đã đệ trình trước Thượng viện California, Hoa Kỳ bản Nghị quyết SCR2 với những nội dung sai trái về chiến thắng 30/4 của Việt Nam. Vẫn lặp lại luận điệu cũ, Tom Umberg gọi chiến thắng 30/4 của Việt Nam là “tháng tư đen”, xuyên tạc lịch sử bằng luận điệu: “Tháng tư đen là thời điểm tang tóc, thời điểm tưởng nhớ, không chỉ cho những sinh mạng đã mất trong chiến tranh, mà còn là cuộc sống của những người Việt Nam trong cuộc đấu tranh lịch sử vì tự do và nhân quyền.
SCR2 không chỉ là sự tưởng nhớ về mất mát bi thảm mà còn biểu dương tinh thần kiên cường và sức mạnh của người Việt Nam để vươn lên phát triển trước nghịch cảnh”. Tom Umberg giễu cợt với lối suy nghĩ đánh lận bản chất: “Việt Nam không nên khơi gợi lại quá khứ Sài Gòn thất thủ đau buồn, không ăn mừng chiến thắng 30/4 thì người Việt tại Mỹ mới chấp nhận hòa hợp dân tộc”.
Theo quy luật, mỗi khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày lễ 30/4 thì một số đối tượng xấu, chống đối lại đào xới, xuyên tạc quá khứ. Một số người Việt Nam định cư tại nước ngoài có cái nhìn lệch lạc, phiến diện, hận thù, cực đoan đã tụ tập tiến hành kỷ niệm “ngày quốc hận”, đòi “phục hồi danh dự cho những người trong chế độ Việt Nam Cộng hòa”, đòi Việt Nam phải thừa nhận cuộc chiến vệ quốc là cuộc “nội chiến”.
Thậm chí, dưới danh nghĩa hòa hợp, hòa giải dân tộc, các đối tượng cơ hội chính trị, phản động, chống phá còn đưa ra luận điệu cho rằng chỉ khi nào Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ quyền lãnh đạo đất nước, chỉ khi nào Việt Nam lựa chọn đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có thể thực hiện việc hòa hợp, hòa giải dân tộc. Hài hước hơn, một số kẻ đánh lừa quần chúng bằng cách đưa ra lập luận phải coi việc xóa bỏ chế độ cộng sản là một “mệnh lệnh của lương tâm, là tương lai của dân tộc”!
Thực tiễn, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nhất quán chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, hòa hợp, hòa giải dân tộc phải dựa trên sự tôn trọng lịch sử; bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc; xuất phát từ sự chân thành, thiện chí của tất cả các bên. Bản chất cuộc chiến vệ quốc của Việt Nam là sự thật lịch sử.
Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của chính nghĩa và sức mạnh của sự đoàn kết dân tộc; là thắng lợi trọn vẹn nhất, vững chắc nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, của độc lập, tự do, đi lên CNXH. Những quan điểm, luận điệu, yêu sách sai trái, tiêu cực không phải xuất phát từ thiện chí hòa hợp, hòa giải dân tộc mà chỉ là một thủ đoạn để khoét sâu hận thù, kích động, gây thêm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của những thế lực chống phá đất nước.
Chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam
Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, có thể thấy người dân Việt Nam luôn đề cao sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận những người từng lầm đường, lạc lối nếu họ thực sự có thiện chí, biết quay đầu về với Tổ quốc. Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam tại nước ngoài đã khẳng định chủ trương: “Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Tại Chỉ thị số 45 - CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, “Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung...; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xoá bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Thực tế, công tác hòa hợp, hòa giải dân tộc đã đat được những kết quả hết sức tích cực. Mặc dù một số người vẫn còn giữ thái độ định kiến, mặc cảm; một số còn có tư tưởng, hành động không phù hợp với lợi ích dân tộc, tuy nhiên về cơ bản, khối đại đoàn kết đã được củng cố, ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước, gắn bó với quê hương đất nước đã được phát huy.
Trong đó, có thể kể đến một số ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống của chính quyền Sài Gòn, sau gần 30 năm rời xa đất nước, cuối năm 2003, ông đã nộp đơn xin về thăm quê hương và đến đầu năm 2004 đã được trở về Việt Nam đón Tết. Khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Cao Kỳ cho biết: “Tôi bảo đảm rằng sau gần 30 năm rồi, đất nước đã được thống nhất rồi, đang cần những người trong và ngoài nước bắt tay nhau phục hưng đất nước, đưa đất nước trở thành con rồng châu Á, thì tất cả những kẻ vẫn muốn quay trở lại dĩ vãng, nói những chuyện không tưởng, giờ phút này mà còn đánh đấm, phục hưng thế này thế nọ, không hướng tới tương lai mà chỉ lo nghĩ quá khứ là một lũ...”.
Hay như trường hợp của luật sư Hoàng Duy Hùng từng là một người chống Cộng khét tiếng ở hải ngoại với lời thề “quyết tâm lật đổ chế độ cộng sản”, từng xâm nhập về nước để thực hiện mưu đồ đánh bom tại TP Hồ Chí Minh, nhưng sau khi nhận thức được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về vấn đề đoàn kết dân tộc; tận mắt chứng kiến và trải nghiệm thực tiễn đời sống tại Việt Nam; thấy rõ giá trị của hòa bình, độc lập và bản chất của chế độ, quan điểm ông đã thay đổi. Ông trở thành một người ủng hộ Đảng Cộng sản, tham gia viết báo Đảng, phản bác các quan điểm thù địch, sai trái, các nhận định, đánh giá phiến diện, sai thực tế về tình hình Việt Nam.
Không có chuyện phải lãng quên, chối bỏ lịch sử hay phải thay đổi thể chế chính trị mới có thể hòa hợp, hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù như các đối tượng xấu đang rêu rao. Tổ quốc là điều vô cùng thiêng liêng, là chất keo vững chắc nhất gắn kết người Việt Nam ở mọi nơi trên thế giới. Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; để đất nước phát triển ngày càng hùng cường, vững mạnh, tất cả người Việt Nam cần phải nêu cao tinh thần dân tộc, xóa bỏ những định kiến, phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống nhân nghĩa, chung tay xây dựng đất nước…
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 341 Trong tuần: 41491 Trong tháng 103621 Tất cả: 17197170