Trên các trang báo hải ngoại như BBC, RFA, VOA... đưa nhiều bài viết suy diễn, xuyên tạc vụ việc, tung vấn đề “đấu đá, triệt hạ” trước đại hội Đảng.
Thậm chí, từ một vụ án hình sự, trang BBC lại hướng lái thành “vụ bắt cóc” và đặt vấn đề: “giảng viên tố cáo bí thư Đắk Lắk bị mời làm việc hay bị bắt cóc”, từ đó dẫn dắt sai lệch, cho rằng đây là vụ “mờ ám”, cơ quan Công an “bắt cóc” giảng viên đại học... Trong khi đó, một số nhóm xưng danh nhà báo ở trong nước lợi dụng vụ án, đưa ra các bài viết sai lệch, tung lên nhiều trang mạng, facebook, blog có số lượng người theo dõi lớn.
Các đối tượng liên tục tạo sóng dư luận với những động từ mạnh, đưa ra những câu chuyện lâm ly, cho rằng “nỗi oan tày liếp”, “bất công do thể chế”… Những bài viết trên nhanh chóng được các trang mạng phản động hải ngoại chia sẻ, tạo ra thông tin hỗn độn, gây hiểu lầm trong dư luận.
Trong vụ án này, thủ đoạn các đối tượng xoáy vào vấn đề quyền tố cáo của công dân, từ đó cho rằng cơ quan Công an đã hình sự hóa vụ việc hành chính, dân sự. Bằng việc dẫn chiếu không đầy đủ các quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, nhiều bài viết còn cổ súy việc tố cáo của Phạm Đình Quý.
Đáng chú ý, một số đối tượng tung các bài viết trên hội, nhóm, tố cáo cơ quan Công an “bắt cóc”, mô tả hành động kiểu bí hiểm như hành động của băng, nhóm tội phạm! Những bài viết này cố tình đẩy vấn đề để dư luận hiểu sai về hoạt động của Công an Đắk Lắk, hướng chỉ trích cơ quan tiến hành tố tụng và đặt ra những dấu hỏi nhằm gieo sự hoài nghi trong dư luận. Thậm chí, khi người Phát ngôn Bộ Công an trả lời vụ việc tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, các đối tượng chống đối cũng tìm cách “bẻ lái”, suy diễn sai lệch bản chất vụ việc.
Trước thực tế đó, trong vụ việc này, cần hiểu đúng những vấn đề sau:
Thứ nhất, việc tố cáo và hành vi lợi dụng tố cáo để vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm công dân. Tố cáo là nội dung được luật định, ở đây cần thấy là người tố cáo có thể tố cáo đúng, có thể tố cáo sai. Tuy nhiên, cần phân biệt trường hợp tố cáo sai do nhận thức, hiểu biết không đầy đủ với việc cố tình tố cáo sai với động cơ nhằm vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm công dân. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng đã làm rõ hành vi, tính chất các bị can đã lợi dụng việc tố cáo để tung vấn đề biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm người khác.
Từ tháng 3-2020, một nhóm đối tượng tạo lập các trang web như giandoihocthuat.wordpress để đăng tải các bài viết nói xấu ông C, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đạo văn. Các đối tượng sử dụng email uybankiemtrahocthuat@gmail.com để gửi và tán phát các tài liệu nói xấu, hạ uy tín ông C đến các cán bộ đảng viên Đắk Lắk, gửi tin nhắn với nội dung ông C đạo văn đến nhiều nơi ở Trung ương và địa phương nhằm hạ uy tín, gây mất đoàn kết nội bộ.
Cũng trong tháng 3-2020, ông Hoàng Minh Tuấn (giáo viên thể dục Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Khuyến, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã gửi đơn tố cáo mà không có tài liệu, căn cứ kèm theo với cùng nội dung như các đơn tố cáo nặc danh trên đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và Trung ương.
Các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận đơn tố cáo của ông Hoàng Minh Tuấn và tiến hành xác minh theo quy định. Bản thân ông Hoàng Minh Tuấn đã nhiều lần được các cơ quan chức năng mời lên làm việc, lấy lời khai và thẩm tra các thông tin, tài liệu liên quan. Cơ quan chức năng cũng có văn bản trả lời của Bộ GD&ĐT, khẳng định tỷ lệ trùng trong luận án của ông C là trong mức cho phép và kết luận không có hành vi đạo văn. Với thực tế đó, đã nhiều lần ông Tuấn được cơ quan chức năng giải thích rõ ràng và đề nghị không tiếp tục tố cáo sai sự thật. Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Tuấn vẫn bỏ ngoài tai.
Cơ quan chức năng đã làm rõ, ông Phạm Đình Quý (là một tiến sỹ võ thuật, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng) kích động và xúi giục nên ông Tuấn cùng ông Quý tổ chức loan truyền, phát tán các thông tin mà ông Quý và ông Tuấn biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự người khác bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc sử dụng mạng máy tính, phương tiện điện tử. Cả ông Quý và ông Tuấn đều bất chấp các khuyên răn, giải thích của cơ quan chức năng và việc phát tán tài liệu ngày càng ở mức độ cao, tung lên trên các trang mạng xã hội với lời lẽ miệt thị, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự công dân.
Như vậy, bản chất vụ việc không phải là tố cáo thông thường. Công dân khi tố cáo có thể tố cáo đúng, có thể tố cáo sai và nếu tố cáo sai (do thiếu hiểu biết, thiếu căn cứ) thì khi được kết luận hành vi tố cáo đó là sai sự thật, được đề nghị không tái phạm thì phải chấp hành theo quy định pháp luật. Còn ở đây, cả hai đối tượng dù biết rõ là sai sự thật, là bịa đặt và đã được cơ quan chức năng yêu cầu không tiếp tục tung tin sai trái nhưng vấn bất chấp, vẫn cố tình thực hiện đến cùng, bằng các thủ đoạn tinh vi, bằng động cơ đê hèn. Hành vi đó là lợi dụng tố cáo để vu khống, là hành vi quy định trong Bộ luật Hình sự. Do đó, việc Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố, bắt tạm giam các bị can là tuân theo quy định pháp luật.
Theo cơ quan chức năng, việc bắt ông Phạm Đình Quý là do ông này là đồng phạm với ông Hoàng Minh Tuấn (cùng bàn bạc, thống nhất, hướng dẫn ông Tuấn thực hiện hành vi phạm tội). Ông Phạm Đình Quý không viết đơn chính danh gửi đi tố cáo tại cơ quan, tổ chức mà viết đơn nặc danh dưới tên P.Đ.Q (giảng viên Trường Tôn Đức Thắng) gửi 6 mạng xã hội, tạp chí, báo. Ông Hoàng Minh Tuấn sau khi bị bắt đã khai nhận hành vi phạm tội và khai báo việc ông Phạm Đình Quý bàn bạc, kích động, cung cấp tài liệu, vật chất, xúi giục và giúp sức ông Tuấn thực hiện hành vi phạm tội.
Tại cơ quan điều tra, ông Phạm Đình Quý đã khai nhận hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra trong quá trình khám xét chỗ ở của ông Hoàng Minh Tuấn cũng đã thu được nhiều tài liệu khẳng định rõ vai trò đồng phạm của ông Phạm Đình Quý trong vụ án.
Thứ hai, việc thực hiện các hoạt động tố tụng của cơ quan CSĐT Công an Đắk Lắk là tuân thủ theo quy định pháp luật. Việc các đối tượng tung tin “bắt cóc”, cho rằng bắt, khởi tố khi không có yêu cầu người bị hại, từ đó phê phán cơ quan Công an là đánh lận bản chất. Hành vi phạm tội của ông Hoàng Minh Tuấn và ông Phạm Đình Quý phạm vào khoản 2, Điều 156, Bộ luật Hình sự 2015, không thuộc 10 trường hợp khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của người bị hại theo quy định tại Điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Do đó, việc cho rằng bị bắt khi không có yêu cầu của người bị hại là không đúng.
Trong vụ việc này, các thế lực xấu đã lợi dụng xuyên tạc việc ông Phạm Đình Quý bị bắt thành việc bắt người tố cáo, từ đó tung các bài viết miệt thị chế độ “vô thiên vô pháp”. Thực tế, trong vụ án này, Công an Đắk Lắk đã nêu rõ, toàn bộ hoạt động thu thập tài liệu chứng cứ và tiến hành các thủ tục tố tụng đảm bảo chặt chẽ, khách quan theo đúng quy định của pháp luật.
Tại cơ quan điều tra, ông Hoàng Minh Tuấn và ông Phạm Đình Quý đều đã khai nhận hành vi bàn bạc, thống nhất, có tổ chức thực hiện tội phạm, cố ý loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Lời khai nhận của ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Minh Tuấn phù hợp với các tài liệu chứng cứ cơ quan điều tra đã thu thập được.
Sau khi khởi tố, điều tra và áp dụng biện pháp ngăn chặn với ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Minh Tuấn, dư luận quần chúng nhân dân trong tỉnh đã đồng tình ủng hộ và kiên quyết phê phán đối với những nhận thức lệch lạc dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội của ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Minh Tuấn. Đây là hoạt động có dấu hiệu hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, thông qua bôi nhọ, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp.
Quá trình giải quyết vụ án đã được các cơ quan tố tụng tiến hành công tâm, khách quan, trên quan điểm “thượng tôn pháp luật”. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để mở rộng điều tra và xử lý nghiêm những người có liên quan theo quy định pháp luật.
Thứ ba, đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng như ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng, hiện nhiều bài viết thông tin mang tính suy diễn “râu ông cắm cằm bà”. Hành vi của mỗi cá nhân được làm rõ và xử lý về sai phạm do cá nhân đó gây ra, không thể đánh lận giữa các vụ việc để suy diễn, miệt thị cơ quan tiến hành tố tụng.
Đối với ông Lê Vinh Danh, ngày 18-9, Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ khối đại học, cao đẳng TP Hồ Chí Minh đã công bố quyết định kỷ luật và thông báo kết luận của Ban thường vụ Đảng uỷ khối về việc xem xét, xử lý kỷ luật. Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng uỷ khối đã quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Vinh Danh, Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Cảnh cáo tập thể Đảng uỷ Trường Đại học Tôn Đức Thắng vì đã có những vi phạm trong việc buông lỏng lãnh đạo trong thực hiện quy chế làm việc, chỉ đạo, kiểm tra giám sát… trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của trường.
Từ vụ việc trên cho thấy, thủ đoạn vu khống gây hệ lụy nghiêm trọng với tổ chức, cá nhân và điều nguy hiểm là một số đối tượng lợi dụng để đánh lận bản chất, nhắm vào phê phán, chỉ trích cơ quan tố tụng, miệt thị chế độ. Do đó, hành vi này cần phải được nhận diện để ngăn ngừa, nhất là trước thềm Đại hội Đảng.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 10 Hôm nay: 56942 Trong tuần: 95736 Trong tháng 447435 Tất cả: 17003727