Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh vừa phát thông báo truy tìm ông Nguyễn Chân Chính (ngụ phường 14, quận Gò Vấp) để điều tra làm rõ theo đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đơn tố cáo của ông B.T.H, Phó Giám đốc Công ty TNHH Q.T, vào khoảng tháng 9/2018, qua người quen giới thiệu, ông H. gặp được ông Chính. Trong lúc tâm sự, ông Chính bật mí cho biết mình công tác ở Thành ủy TP Hồ Chí Minh và được Bộ Chính trị giao cho ký duyệt các dự án đất đai ở 22 tỉnh, thành phía Nam.
Nghe vậy, ông H. gợi ý nhờ ông Chính điều chỉnh dự án xây trường học và thể thao ở quận Thủ Đức của Công ty Q.T thành đất ở. Ông Chính nói “chuyện nhỏ” và ra giá chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất là 8 tỷ đồng. Ông Chính yêu cầu đưa trước tiền đặt cọc để làm tin và ủy quyền cho ông đứng ra làm thủ tục chuyển đổi mục đích đất. “Chỉ cần 60 ngày thôi là UBND TP Hồ Chí Minh sẽ có chủ trương chấp nhận cho công ty chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp luôn bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/500” - ông Chính tuyên bố chắc nịch.
Tin lời “sếp lớn”, ông H. đưa tiền cho ông Chính nhiều lần với tổng cộng khoảng 1 tỷ đồng cùng nhiều quà cáp có giá trị cao. Gần đến thời hạn theo giao kết, ông Chính cho người đến đo đạc vị trí khu đất dự án và không bao lâu sau đưa cho ông H Công văn số 0320/QĐ-UBND photocopy có công chứng. Nội dung của quyết định là UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận cho Công ty Q.T chuyển đổi dự án đất giáo dục, thể thao thành đất ở. Thấy công văn lạ, ông H. đến UBND TP Hồ Chí Minh để hỏi thì phát hiện là giả mạo nên làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an.
Hai đối tượng giả danh nhân viên truyền hình cáp vào nhà dân ở phường Linh Xuân (Thủ Đức) để lừa đảo. |
Theo điều tra viên Trần Ngô Việt Cường (Đội 4, Văn phòng Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh) những nạn nhân của đối tượng giả danh cán bộ nhà nước, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Ngân hàng… đều là những người nhẹ dạ, cả tin và thiếu am hiểu về pháp luật.
Có những vụ việc mà khi đọc đơn tố cáo điều tra viên còn không tin đó là sự thật bởi kẻ giả danh chẳng có thủ đoạn gì tinh vi, họ chỉ cần “nổ như bắp rang”, dọa nạt chẳng tiếc lời thế là nạn nhân nghe theo, làm theo.
Khi tìm hiểu thông tin về các vụ án đã xảy ra, chúng tôi trao đổi với khá nhiều điều tra viên của Phòng CSHS, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh rằng, liệu các nạn nhân mà chúng chọn làm con mồi có làm ăn mờ ám hay hoạt động tệ nạn, tội phạm gì không mà lại sợ thì đều được trả lời là không.
Bọn tội phạm sử dụng dữ liệu cá nhân được mua trên mạng và chọn con mồi bất kỳ để dọa dẫm, ai “yếu bóng vía” thì sập bẫy. Còn các nạn nhân hầu hết là những người thiếu hiểu biết pháp luật chứ không có nguyên nhân gì khác. Số người này rất ít khi xem tivi, nghe radio, đọc báo, lướt mạng… và thuộc nhóm người lớn tuổi, làm nghề kinh doanh mua bán tự do. Chính vì vậy mà trong nhiều năm qua mặc dù có nhiều bài báo cảnh giác được đăng tải trên các báo, đài, mạng xã hội, tờ rơi… nhưng số nạn nhân mới vẫn cứ “sập bẫy” đều đặn.
Mới đây, anh N.P.Đ (ngụ quận Thủ Đức) nhận điện thoại gọi từ zalo của người tự dưng là Dương Minh Hùng, công tác tại Công an Đà Nẵng. Hùng nói anh Đ. có liên quan đến vụ án mua bán ma túy và rửa tiền. Anh Đ. bảo không có và “kêu oan” thì đối tượng bảo chuyển hết tiền trong tài khoản của anh Đ. xem có “sạch” không rồi sẽ hoàn lại.
Yêu cầu này rõ là hết sức phi lý, lừa đứa trẻ con còn khó thế nhưng anh Đ lại ngoan ngoãn chuyển 1,95 tỷ đồng cho một kẻ chẳng biết là ai. Chị L.T.H.L (ngụ quận 9) cũng nhận được được điện thoại của kẻ mạo danh cán bộ Công an Đà Nẵng mang tên Trần Thị Quế Anh. Cũng với chiêu liên quan đến đường dây rửa tiền, kẻ lừa đảo dễ dàng “ẵm” 450 triệu đồng chỉ sau vài cuộc gọi...
Bên cạnh đe dọa bắt bớ để nạn nhân sợ mà chuyển tiền, kẻ lừa đảo còn dùng thủ đoạn truyền thống nhưng vẫn còn hiệu quả là đánh vào lòng tham của nạn nhân. Ngày 16/4/2020, chị N.T.B.Q (ngụ quận Thủ Đức) kết bạn với đối tượng tự xưng tên Sam Annie (quốc tịch Australia) qua mạng zalo. Người này nói muốn làm từ thiện 900.000 USD và nhờ chị Q. nhận tiền dùm và trao cho ai tùy thích.
Nghĩ mình “vô mánh”, chị Q. đồng ý ngay. Đến sáng 20/4, có người gọi tự xưng là nhân viên Hải quan, nói có một gói hàng gửi từ nước Australia và yêu cầu chị Q. chuyển khoản 18 triệu đồng để làm thủ tục. Chuyển tiền xong, 12h50 cùng ngày, “nhân viên Hải quan” gọi lại và tiếp tục yêu cầu chị Q. chuyển thêm 106 triệu đồng nữa. Nghi ngờ mình bị lừa, chị Q. mới vội vàng trình báo cơ quan Công an.
Có một đặc điểm chung nữa của bọn tội phạm đó là khi tiếp cận “con mồi” chúng đều dặn dò nạn nhân rất kỹ là không được báo cho bất kỳ ai biết vụ việc, nếu không sẽ bị bắt ngay. Ngày 17/4/2020, chị T.T.M.H (ngụ quận Thủ Đức) nhận được điện thoại từ số máy 80021340894 cho biết có người gửi bưu phẩm cho chị, bấm số 9 để biết thêm chi tiết. Chị H. làm theo thì gặp 1 người đàn ông xưng cán bộ Công an Đà Nẵng, nói chị H. có liên quan đến đường dây rửa tiền của Nguyễn Minh Long và Phạm Minh Thư. Đối tượng gửi cho chị H. 1 đường link rồi yêu cầu tải app về và nhập tất cả các thông tin về tài khoản vào đó.
Sau khi có thông tin, kẻ lừa đảo dặn chị H. trong vào 12 giờ không thông tin cho ai được biết chuyện này và cũng không được đăng nhập vào tài khoản ngân hàng để chờ điều tra. Đến 17h30 cùng ngày, dù chưa hết 12 giờ nhưng do sốt ruột, chị H. đem câu chuyện kể cho người thân nghe. Người này bảo chị H. đã bị lừa, không sai, khi H. đăng nhập tài khoản ngân hàng thì phát hiện 100 triệu đồng của mình đã “bốc hơi”…
Cùng với lừa giả danh cán bộ nhà nước, thời gian gần đây nhiều đối tượng còn giả danh nhân viên điện lực, truyền hình cáp, mạng internet… vào nhà để sửa chữa đường dây nhằm lợi dụng trộm, cướp tài sản. Đối tượng mà chúng theo dõi là các gia đình có người già yếu ở nhà một mình nên mọi người cần cảnh giác.
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 5698 Trong tuần: 5 Trong tháng 146454 Tất cả: 17240018