Theo nội dung các đơn trình báo, hầu hết mọi người bị lừa với thủ đoạn là các đối tượng lập facebook giả trên các trang mạng để dụ nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, sau đó thì đóng trang mạng cắt liên lạc...; hay giả danh hoặc kết hợp với đối tượng người nước ngoài làm quen với những phụ nữ nhẹ dạ cả tin,... nói có tiền và quà có giá trị lớn từ nước ngoài gửi về, sau đó sẽ có đối tượng giả nhân viên sân bay gọi điện cho nạn nhân yêu cầu gửi tiền cước phí, tiền thông quan, lo lót để lấy hàng hóa về nhanh không sẽ bị thu giữ,... nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Một thủ đoạn nữa, đối tượng hack Facebook rồi nhắn tin cho gia đình, cho người quen của tài khoản bị hack yêu cầu chuyển tiền mua đồ…
Những nạn nhân rơi vào bẫy của chúng chủ yếu ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa, có trường hợp hoàn cảnh khó khăn đã lâm vào cảnh nợ nần, họ ngỡ rằng bỏ ra một số tiền sẽ nhận lại được số tiền hoặc vật chất “trên trời rơi xuống” lớn gấp nhiều lần mà cả đời họ chẳng dám nghĩ tới.
Điển hình gần đây nhất là trường hợp của chị Nguyễn T.H. trú ở một xã miền núi, huyện Thuỷ Nguyên. Chị cho biết: Vào khoảng giữa tháng 12-2018, qua Facebook có một người nước ngoài xưng tên là Johl, lính Mỹ làm quen với chị.
Họ đã có nhiều cuộc trò chuyện trên mạng với lời lẽ rất tình cảm, mùi mẫn. Anh ta cho biết mình đang ở Syria, do bị thương phải nằm bệnh viện. Anh ta có 1.000.000 USD và nhiều vàng bạc ngỏ ý muốn chuyển về Việt Nam, nhờ chị làm thủ tục nhận và giữ hộ để sau khi khỏi sẽ về Việt Nam đi du lịch và làm từ thiện. Và còn hứa sẽ “tặng” chị 200.000 USD và những món quà giá trị khác.
Tin nhắn và hình ảnh của đối tượng lừa đảo qua Facebook gửi cho nạn nhân. |
Tin vào những lời lẽ đường mật đó, lại nhận được hình ảnh thùng hàng đầy ắp đô la Mỹ do “Johl” chụp gửi về nên chị đã nhận lời. Khoảng 10 ngày sau có một phụ nữ gọi điện đến tự giới thiệu là “nhân viên hải quan sân bay”, thông báo chị có một thùng quà biếu từ nước ngoài gửi về, đề nghị lên làm thủ tục nhận. Nhưng trước hết phải chuyển 78 triệu vào số tài khoản (TK) chị ta gửi đến để “bôi trơn” vì qua soi máy hải quan phát hiện có nhiều USD...
Cùng thời điểm đó, “Johl” cũng báo đã gửi hàng về và hối thúc chị nhanh chóng nhận giúp... Ngay sau đó, chị T. H đã giấu chồng con, dồn hết tiền của nhà được 20 triệu, rồi đi vay mượn bạn bè được gần 100 triệu, chuyển vào số TK 142704070004827, người nhận là Nguyễn Thiên Định.
Sau đó, đối tượng nữ này còn yêu cầu gửi 160 triệu nữa, nhưng chị không thể lo được nữa. Lúc này Facebook của “Johl” cũng ngừng hoạt động, các số điện thoại của người phụ nữ gọi đến cũng tắt luôn.
Tương tự như chị H, chị Bùi Thị T ở xã Kiền Bái, Thuỷ Nguyên cũng bị một đối tượng tự xưng là Lê Văn Trung vào Facebook của chị thông báo chị có 1 thùng hàng từ nước ngoài gửi về, trong có hơn 500.000 USD và nhiều tài sản, vàng bạc quí nhờ chị nhận và giữ hộ…
Sau đó có một đối tượng gọi điện yêu cầu chị T chuyển số tiền 80.000.000đ vào tài khoản 07001000417096 để làm thủ tục nhận. Tin tưởng mù quáng nên chị đã chuyển số tiền nêu trên cho chúng. Nhưng sau đó thì chị không thể liên lạc được với “Lê Văn Trung” nữa vì tài khoản Facebook này cũng đã “biến mất”...
Nhiều trường hợp bị hack Facebook như anh Nguyễn Văn M ở xã Ngũ Lão trình báo, bạn của anh bị người có tên facebook “Thanh Hao Tran” hack mất tài khoản, sau đó lừa đảo chiếm đoạt 78.000.000đ của anh thông qua việc nhờ anh chuyển tiền vào STK: 0101001189488. Ngày 9-8-2018, chị Vũ Thị P. ở xã Minh Tân bị một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 24 triệu đồng qua việc mua bán hàng hóa online.
Chị Nguyễn M. H, trú ở xã Minh Đức bị đối tượng lấy tên là Nguyễn Thị Thu Hiền có số TK 100868660879 giả danh facebook của con gái chị lừa đảo lấy số tiền 50.000.000đ. Anh Nguyễn Đức H, trú xã Lập Lễ trình báo về việc facebook của em trai anh bị một người mang tên Cù Đình Đức hack, sau đó yêu cầu anh chuyển 52.000.000đ vào số TK 0461000595108…
Tất cả các nạn nhân bị lừa đảo đều cho biết, sau khi họ chuyển tiền vào các số TK mà các đối tượng gửi cho (hầu hết đều trong ngày làm việc và vào giờ hành chính) thì lập tức các tài khoản Facebook, Zalo hoặc các số điện thoại mà các đối tượng dùng để liên lạc với họ trước đó đều không thể liên lạc được nữa. Có người sau khi chuyển tiền xong đã “ngộ ra” là có thể bị lừa liền nhanh chóng đến liên lạc với ngân hàng nhờ phong tỏa số TK mà họ chuyển tiền, tuy nhiên đều đã muộn vì số tiền đó đã bị rút hết.
Đại tá Lê Văn Dương, Trưởng Công an huyện Thuỷ Nguyên cho biết, sau khi nhận đơn của các nạn nhân, Công an huyện đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ khẩn trương vào cuộc tiến hành xác minh, điều tra. Tuy nhiên, đấu tranh với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết các nạn nhân bị lừa đến trình báo chậm nên các đối tượng gây án kịp xoá dấu vết..
Công an huyện đã chỉ đạo CBCS tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng xuống địa bàn để quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tố giác loại tội phạm này nhằm tự bảo vệ tài sản của mình. Nếu phát hiện đối tượng có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản người dân phải kịp thời thông báo, cung cấp thông tin ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để hợp tác điều tra.
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo tài chính trong dịp Tết
Tết Nguyên đán sắp tới là mùa mua sắm của đông đảo người tiêu dùng (NTD) và cũng là “mùa” hoạt động của các đối tượng gian lận, lừa đảo trong lĩnh vực tài chính. Vì vậy NTD cần hết sức cảnh giác để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Chị T.T.A (ngụ quận 7) cho biết, trong những ngày gần đây chị liên tục nhận những cuộc điện thoại của nhân viên các công ty tài chính gọi đến để hỗ trợ cho vay tiêu dùng với thủ tục hết sức đơn giản, tiện lợi. Do có nhu cầu vay vốn để sửa sang nhà cửa đón Tết, theo hướng dẫn của nhân viên công ty tài chính N, chị A gửi thông tin cá nhân và ảnh 3x4(cm) qua Zalo của N, đồng thời mở tài khoản cá nhân tại một ngân hàng do N chỉ định, mục đích là để nhận tiền giải ngân vay vốn của công ty tài chính. Sau khi cung cấp các thông tin, nhân viên tên N thông báo cho chị A biết là hồ sơ vay vốn của chị đã được duyệt và yêu cầu chị cung cấp mã OTP (mã số mà ngân hàng vừa gửi tới số điện thoại của chị A), để N hoàn tất thủ tục vay.
Tuy nhiên, sau khi cung cấp mã OTP cho N, kiểm tra tài khoản ngân hàng, chị A mới tá hỏa khi thấy số tiền vay trong tài khoản đã “biến mất”. Hoảng quá, chị A liên hệ với công ty tài chính để xác minh thì mới phát hiện, có rất nhiều nạn nhân cũng bị lừa như chị.
Với thủ đoạn đánh cắp mã OTP của các đối tượng lừa đảo, để nhằm chiếm đoạt tiền của chủ tài khoản, một ngân hàng (trụ sở quận 4) đến cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh tố cáo: Ngân hàng này có một công ty tài chính và lợi dụng sơ hở trong cách quản lý, một số đối tượng đã giả danh nhân viên tài chính (thuộc ngân hàng) gọi điện đến khách hàng để tư vấn lừa vay tiêu dùng. Khi ngân hàng phát hiện, thì số nạn nhân đã lên đến hơn 60 người trên cả nước với số tiền bị chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng. Hiện, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn điều tra.
Mới đây, hàng loạt ngân hàng đã khuyến cáo khách hàng cần nhận diện các thủ đoạn lừa đảo thường gặp để cảnh giác trong dịp Tết sắp đến. Cụ thể, đối tượng gian lận thường chủ động liên hệ với khách hàng qua điện thoại, mạng xã hội, hoặc email với các nội dung như: Giả mạo cơ quan Công an, Viện kiểm sát, thông báo khách hàng có dính đến một vụ án đang điều tra, và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định để phục vụ công tác điều tra; thủ đoạn khác, đối tượng giả mạo thông báo khách hàng trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu khách hàng phải đóng phí để nhận thưởng... |
Nguồn cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3582 Trong tuần: 24721 Trong tháng 175643 Tất cả: 17269205