Vì vậy, người dân và các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý, các ngân hàng cần hết sức lưu ý công tác phòng ngừa và bảo vệ.
Công an TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương truy tìm thủ phạm gây ra vụ cướp táo tợn vào trưa 7-12 tại một phòng giao dịch thuộc Ngân hàng VietA Bank trên đường Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh.
Phòng giao dịch Ngân hàng VietA Bank nơi xảy ra vụ cướp hôm 7-12. |
Cũng như các vụ cướp ngân hàng trước đây, đối tượng tỏ ra hết sức manh động và liều lĩnh. Sử dụng súng khống chế và uy hiếp các nhân viên trong quầy, rồi vứt một chiếc túi yêu cầu nhân viên ngân hàng bỏ hai cọc tiền mệnh giá 500 ngàn đồng vào túi.
Để tránh bị truy đuổi, tên cướp còn sử dụng bình xịt hơi cay xịt vào mọi người rồi ôm tiền lên xe máy tẩu thoát. Hiện Công an quận Bình Thạnh, Công an TP Hồ Chí Minh đang ráo riết truy tìm thủ phạm.
Trước đó, tại Phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) - Chi nhánh huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cũng xảy ra một vụ cướp. Đối tượng sử dụng súng khống chế bảo vệ và nhân viên giao dịch, cướp đi trên 940 triệu đồng.
Sau 3 ngày điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang có sự phối hợp của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã bắt giữ thủ phạm là Châu Cường, 36 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh. Với ý định cướp ngân hàng, Cường đã mua 2 khẩu súng ổ xoay với giá 16 triệu đồng. Khi bị bắt giữ, Cường có biểu hiện ngộ độc thuốc diệt cỏ, sau ít ngày điều trị đã tử vong.
Qua một số vụ cướp ngân hàng, cho thấy, đối tượng trước khi gây án thường chuẩn bị kĩ, nắm vững quy luật hoạt động, khoảng trống thời gian và nhân viên, cán bộ làm công tác bảo vệ tại một số quầy giao dịch ngân hàng rồi mới ra tay.
Các đối tượng thường sử dụng vũ khí nóng và tỏ ra rất manh động. Tuy nhiên, nếu lực lượng bảo vệ không chủ quan, tập trung làm tốt công tác chuyên môn ngay từ vòng ngoài, quan sát kĩ khách ra vào ngân hàng, phát hiện những khách hàng có biểu hiện bất thường để tránh bị động thì sẽ hạn chế được hậu quả xảy ra.
Ví dụ, các đối tượng khi thực hiện hành vi mờ ám không muốn lộ mặt mình lọt vào camera an ninh nên chúng thường đeo khẩu trang, đội mũ, đeo kính đen. Lúc đi vào ngân hàng thì rất nhanh, thời gian gây án thường lựa chọn vào thời điểm như trước giờ nghỉ trưa, hoặc cuối giờ chiều.
Nếu bảo vệ ngân hàng phát hiện sớm, có thể yêu cầu khách hàng bỏ khẩu trang, bỏ kính, bỏ mũ khi vào ngân hàng giao dịch. Đồng thời, tại một số phòng giao dịch lớn, cần trang bị cửa an ninh để phát hiện đối tượng mang vũ khí vào ngân hàng.
Tại các sở giao dịch và phòng giao dịch ngân hàng, nhân viên giao dịch tại quầy không nên nhận tiền, trả tiền trực tiếp với khách hàng. Các giao dịch nộp, nhận tiền nên tiến hành ở bộ phận thủ quỹ, tách riêng với quầy giao dịch và được bố trí an ninh nghiêm ngặt.
Hiện nay, đa số các phòng giao dịch ngân hàng, để thuận tiện cho khách hàng đến giao dịch thường để nhân viên giao dịch làm thủ tục giấy tờ và giao dịch tiền mặt với khách ngay tại quầy.
Cuối ca, hoặc cuối giờ làm việc, các nhân viên lại xếp tiền mặt để nộp cho thủ quỹ. Thời điểm này rất dễ bị đối tượng hình sự xông vào quầy để cướp.
Bên cạnh đó, các phòng giao dịch và ngân hàng cũng cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong công tác bảo vệ ngân hàng.
Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng phối hợp với lực lượng Cảnh sát, nhưng thường thì chỉ trong tình huống áp tải, xuất nhập tiền bằng xe ôtô. Trong khi đối tượng cướp thường xông thẳng vào các phòng giao dịch ở thời điểm không có Cảnh sát để cướp.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng nên khai thác hiệu quả hệ thống camera an ninh tại các ngân hàng, phòng giao dịch. Cụ thể, cần có một nhân viên bảo vệ theo dõi chặt chẽ các góc quay camera an ninh. Nhân viên này ngồi tách bạch trong một phòng riêng, không để đối tượng cướp tiếp cận. Khi quan sát thấy cướp trong ngân hàng hoặc phòng giao dịch thì kịp thời báo động và điện thoại ngay cho Công an nơi gần nhất để hỗ trợ.
Theo http://cand.com.vn/
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 9070 Trong tuần: 30216 Trong tháng 181136 Tất cả: 17274700