Mạo danh giáo viên dạy võ thuật trong Công an nhân dân
Ngày 15-6, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Mạnh Hùng (44 tuổi, ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội), là giáo viên dạy võ thuật, can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Cơ quan CSĐT nhận được đơn tố giác tội phạm của một số công dân tố cáo hành vi gian dối, hứa hẹn xin việc làm nhằm chiếm đoạt tiền của võ sư Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo tố cáo của anh Doãn Ngọc L. (ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), năm 2014, mẹ kế của anh là bà Tạ Thị D. được Nguyễn Mạnh Hùng tự giới thiệu là giáo viên dạy võ thuật trong lực lượng Công an, có nhiều mối quan hệ và có thể xin việc vào Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài. Thấy Hùng đúng là võ sư, có mở trung tâm dạy võ thuật nên bà D. tin những lời giới thiệu của Hùng là thật.
Do anh Doãn Ngọc L. chưa có việc làm ổn định nên bà Tạ Thị D. đã nhờ Nguyễn Mạnh Hùng xin việc cho con riêng của chồng. Nguyễn Mạnh Hùng hứa hẹn với bà D. sẽ xin việc cho anh L. vào Hải quan sân bay Nội Bài với chi phí là 300 triệu đồng, yêu cầu đặt cọc trước 50 triệu đồng.
Trước khi bị khởi tố về hành vi lừa đảo việc làm, Nguyễn Mạnh Hùng là giáo viên dạy võ thuật tự do, võ sư môn phái võ cổ truyền Bình Định. |
Sau khi được bà D. trao đổi, anh L. đồng ý nhờ Nguyễn Mạnh Hùng xin việc với chi phí trên. Tháng 8-2014, Hùng hẹn gặp bà D. và anh L. tại một quán cà phê trong nhà ga Sân bay quốc tế Nội Bài. Mặc dù địa điểm gặp nhau chỉ là quán cà phê nhưng Hùng đã khiến anh L. tin rằng Hùng có mối quan hệ với Hải quan sân bay thật nên tại đây, anh L. đã đưa cho Hùng 50 triệu đồng tiền đặt cọc theo yêu cầu. Hùng cam kết với bà D. và anh L. rằng sau khoảng 2-3 tháng, anh L. sẽ được nhận quyết định đi làm.
Vì tin tưởng Nguyễn Mạnh Hùng có khả năng xin việc cho anh L. nên bà D tiếp tục giới thiệu cho anh Trần Duy S. (ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) gặp Hùng để nhờ xin việc. Cũng tin vào cái mác “giáo viên dạy võ thuật trong Công an” mà Hùng tự giới thiệu nên anh S. hoàn toàn tin rằng vị võ sư này có mối quan hệ rộng, có thể xin việc được ở những chỗ thân quen.
Khi gặp gỡ, Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục “tua” lại bài cũ, thỏa thuận sẽ xin cho anh S. vào Hải quan sân bay Nội Bài, làm việc tại nhà ga quốc tế T2 với tổng chi phí 300 triệu đồng, đặt cọc trước 50 triệu đồng là tiền phí mua hồ sơ và thủ tục “gặp gỡ” đặt vấn đề với những người nhận hồ sơ. Nghe vị võ sư cam kết chỉ sau 2 tháng sẽ xin được việc, anh S. rất tin tưởng và phấn khởi, về xin tiền bố mẹ để nhờ vả võ sư giúp đỡ.
Theo hẹn của Nguyễn Mạnh Hùng, ngày 9-12-2014, anh S. cùng bố đẻ là ông Trần Duy X. mang 50 triệu đồng đến gặp võ sư tại một quán cà phê trên phố Trần Bình (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tại đây, sau khi nhận tiền, Nguyễn Mạnh Hùng viết một tờ giấy cam kết nhận tiền để xin việc cho anh S., hạn đến ngày 30-1-2015 nếu không thực hiện được sẽ hoàn trả.
Võ sư Nguyễn Mạnh Hùng bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. |
Đến ngày 5-1-2015, Hùng yêu cầu anh S. đưa thêm 20 triệu đồng để lo lót các thủ tục xin việc. Anh S. tiếp tục giao số tiền này cho Hùng tại một quán cà phê trên đường Cầu Giấy. Hùng viết bổ sung nhận số tiền 20 triệu đồng vào tờ biên nhận trước. Thấy Hùng viết giấy nhận tiền cùng cam kết nên anh S. càng tin việc Hùng hứa hẹn xin được việc là thật.
Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết mà không thấy được đi làm, cũng không thấy Hùng giải thích lý do, anh S nhiều lần gọi điện cho Hùng để đòi lại số tiền 70 triệu đồng nhưng Hùng tìm cách khất lần. Đến tận tháng 2-2016, Nguyễn Mạnh Hùng mới trả cho anh S. số tiền 18 triệu đồng, còn chiếm đoạt 52 triệu đồng. Về phía anh Doãn Ngọc L. cũng bị Hùng chiếm đoạt 50 triệu đồng tiền đặt cọc nhưng không xin được việc.
Sau khi nhận đơn tố cáo của người bị hại, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã xác minh, triệu tập Nguyễn Mạnh Hùng lên làm việc. Tại đây, Hùng khai nhận chỉ là giáo viên dạy võ thuật tự do, không có khả năng cũng như mối quan hệ quen biết để xin việc cho 2 anh S. và L. vào Hải quan làm việc. Sau khi nhận số tiền 120 triệu đồng của 2 bị hại, Hùng đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết. Bản thân Nguyễn Mạnh Hùng cũng thừa nhận việc mạo nhận là giáo viên dạy võ thuật trong Công an để tạo niềm tin cho người bị hại.
Những người bị hại cho biết, quá trình nhờ Nguyễn Mạnh Hùng xin việc, họ vào trang facebook cá nhân của vị võ sư này tìm hiểu, thấy Nguyễn Mạnh Hùng đăng những hình ảnh huấn luyện học viên môn phái võ cổ truyền Bình Định, giới thiệu là Chủ nhiệm trung tâm đào tạo võ thuật Tài năng trẻ Việt Nam.
“Võ là văn hóa truyền thống vì võ dạy cho người học biết nuôi dưỡng nhân tính, rèn luyện nhân cách, tu dưỡng đạo đức làm người. Chính vì vậy, biết ông Hùng là võ sư cũng có tiếng trong giới võ thuật, chúng tôi không bao giờ nghĩ ông ta lại đi lừa người khác” – một nạn nhân lý giải nguyên nhân vì sao tin tưởng đưa tiền cho Nguyễn Mạnh Hùng để nhờ xin việc làm.
Được biết ngoài công việc dạy võ tự do, Nguyễn Mạnh Hùng được mọi người biết đến với vai diễn Huy Bá, em trai Huy Kình (do một võ sư cao cấp đóng vai), thế lực đối nghịch với tập đoàn “xã hội đen” Phan Thị trong bộ phim truyền hình dài tập “Người phán xử” gây “cơn sốt” trong năm 2017. Mặc dù xuất hiện không nhiều nhưng vai diễn Huy Bá đã gây ấn tượng nhất định đối với khán giả.
Trong một lần tâm sự với báo chí, võ sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đam mê võ thuật từ nhỏ, năm 12 tuổi bước vào môn phái Bình Định Gia và được sư phụ quý mến, truyền dạy nhiều bài võ tinh hoa của môn phái.
Những “vết nhơ” trong làng võ thuật
Vụ việc võ sư Nguyễn Mạnh Hùng mạo nhận là võ sư dạy trong lực lượng CAND để lừa đảo việc làm nhằm chiếm đoạt tài sản của những người có nhu cầu xin việc đã ảnh hưởng xấu tới giới võ thuật chân chính. Trước đó, cũng đã có một số vận động viên võ thuật nổi tiếng, đạt được thành tích cao nhưng do sa ngã, không giữ được đạo đức, bản lĩnh của người có võ, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí gây ra các vụ án nghiêm trọng, đi ngược với đạo lý và tinh thần thượng võ.
Điển hình như câu chuyện về những bước trượt dài của hai anh em vận động viên Wushu Trần Xuân Ánh và Trần Đức Trang. Được học võ từ nhỏ, cả hai anh em đều sớm thành danh, đoạt nhiều huy chương vàng trong những giải đấu trong và ngoài nước. Đặc biệt, Trần Xuân Ánh đã khẳng định bản thân khi từng vô địch giải châu Á, huy chương đồng Wushu nội dung tán thủ thế giới. Thế nhưng thay vì đi đường thẳng trên con đường võ thuật thì vận động viên nổi tiếng này lại rẽ sang con đường của những kẻ giang hồ nguy hiểm.
Đêm 1-12-2004, do có mâu thuẫn từ trước, Trần Xuân Ánh đến nhà nghỉ Linh Anh (ở phố Thông Phong) gặp chị Hoàng Thúy Linh, chủ nhà nghỉ. Hai bên xảy ra cãi vã. Ánh đã hành hung chị Linh và chồng là Đào Ngọc Thiết (tức Thiết “cù”). Ánh hẹn Thiết “cù” đêm hôm sau ra ngõ Hàng Cháo “nói chuyện”.
Đêm 2-12-2004, Trần Xuân Ánh cùng anh trai Trần Đức Trang có mặt tại điểm hẹn, bị nhóm của Thiết “cù” dùng súng bắn khiến hai anh em phải tháo chạy. Vì vụ việc nổ súng này, Thiết “cù” và đàn em đã phải vào tù.
Về phía Trần Xuân Ánh, sau vụ va chạm trên, những tưởng anh ta sẽ bớt tính hung hăng. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, năm 2006, Trần Xuân Ánh bị bắt về hành vi giao cấu với người chưa thành niên, bị xử 5 năm tù giam. Năm 2009, Ánh được tha tù trước thời hạn. Đến trước Tết nguyên đán năm đó, Thiết “cù” cũng được ra tù. Hai bên vẫn mang trong lòng mối thù cũ nên lại hẹn nhau “nói chuyện” vào tối ngày 3-2-2009. Thiết bắt Ánh phải xin lỗi nhưng Ánh không chấp nhận.
Cựu VĐV Trần Đức Trang (ngoài cùng bên phải - anh trai VĐV Trần Xuân Ánh) và đồng phạm trong vụ bắn súng trên phố Đoàn Thị Điểm trả giá trước pháp luật. |
Sau màn thách đố, hai bên hẹn nhau đến điểm hẹn giải quyết bằng một trận “quyết chiến”. Sợ em trai vừa ra tù lại vướng rắc rối, Trang gọi điện cho một đối tượng trong nhóm của Thiết “cù” để dàn xếp nhưng không được. Rạng sáng ngày 4-2-2009, 2 nhóm của Ánh và Thiết “cù” đi ôtô đến ngõ 23 phố Đoàn Thị Điểm. Cả hai nhóm đều mang theo súng.
Do nhóm của Thiết “cù” nổ súng trước, Trần Xuân Ánh đã dùng súng AK bắn trả và trúng vào ngực đối tượng Phạm Văn Thắng của nhóm Thiết “cù”. Với vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này, Trần Xuân Ánh đã phải trả giá trước pháp luật về tội “Giết người”.
Đáng buồn cho giới võ thuật Việt Nam là những câu chuyện vận động viên võ thuật đẳng cấp sau thành công đã gia nhập vào giới “xã hội đen” và trở thành tội phạm như vậy không phải là chuyện hiếm. Cuộc sống trong thế giới ngầm, dù có tình nghĩa đến đâu, tuân thủ tôn ti trật tự đến mức nào thì đó vẫn không phải là một xã hội thượng tôn pháp luật. Và một khi đã không tuân thủ pháp luật để giữ cuộc sống bình yên thì đến lúc, chính họ sẽ phải trả giá.
Một người đồng môn khác của Trần Xuân Ánh là Vũ Thế Nhật (tức Tuấn voi) – từng đoạt chức vô địch quốc gia Wushu nội dung tán thủ sau khi giải nghệ cũng lao vào thế giới “xã hội đen” trong vai trò một nhân viên đòi nợ thuê. Sau khi gây ra vụ bắt giữ người trái pháp luật, Tuấn voi bỏ trốn và bị truy nã. Đến năm 2014, sau 4 năm trốn tránh khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tuấn voi bị bắt giữ.
Nhiều năm trước, làng võ TP. Hồ Chí Minh cũng rúng động một thời gian dài bởi vụ việc võ sư, đồng thời là cựu huấn luyện viên môn Taekwondo Nguyễn Văn Vạn, người từng đào tạo hàng loạt các vận động viên nổi tiếng cho môn Taekwondo Việt Nam, bị bắt về tội “giết người”.
Mặc dù là võ sư tài năng, tuy nhiên lối sống giang hồ đã khiến vị võ sư này liên tục dính vào những va chạm trong xã hội, để rồi năm 1996, trong một lần bênh con trai cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, võ sư Nguyễn Văn Vạn đã đâm chết anh Lê Hồng Quân, đồng thời gây thương tích 41% cho một người khác.
Vụ án đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận bởi sau lần xử đầu tiên tòa cho rằng không đủ chứng cứ. 3 năm sau ở lần xét xử sơ thẩm thứ 2, võ sư Nguyễn Văn Vạn đã bị tuyên án chung thân về tội giết người. Bị Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh kháng nghị bản án, trong phiên phúc thẩm, võ sư Nguyễn Văn Vạn phải nhận bản án tử hình và bị thi hành án vào đầu năm 2005.
Gần đây nhất, một vụ việc khác cũng gây “sốc” trong làng võ Việt Nam. Đó là vụ võ sư Đoàn Đình Lân, cựu tuyển thủ đội tuyển karate Việt Nam phạm tội hiếp dâm. Cuối năm 2015, võ sư này lên mạng xã hội kết bạn với một nữ sinh viên và mời đi chụp ảnh mẫu, sau đó đưa vào nhà nghỉ cưỡng bức. Hành vi phạm tội của võ sư này đã gây thêm một vết nhơ cho giới võ thuật.
Thông báo Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội thông báo, ai là bị hại của Nguyễn Mạnh Hùng, đề nghị liên hệ Đội 9 Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội để cung cấp thông tin phục vụ điều tra, gặp cán bộ thụ lý Cao Thanh Huyền. Điện thoại: 0914856788, địa chỉ: 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Theo http://antg.cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 10222 Trong tuần: 28 Trong tháng 235582 Tất cả: 17329156