1.Anh nhớ lại: Khi đó, theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị, tôi được giao nhiệm vụ phối hợp cùng cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội nắm di, biến động của đối tượng Nguyễn Thị Chính (SN 1988, trú tại Tam Dương, Vĩnh Phúc) và các mắt xích khác trong đường dây để xây dựng kế hoạch đấu tranh, phá án đảm bảo hiệu quả. Cùng lúc thụ lý chính hai vụ án, lại đồng thời thực hiện nhiệm vụ đột xuất do lãnh đạo đơn vị phân công nên vào những buổi tối, các ca trực ở đơn vị, Đại uý Phương Văn Thành lại dành thời gian nghiên cứu các căn cứ pháp luật để vận dụng khi thực hiện bắt giữ, xử lý đối tượng.
“Hành vi buôn bán vảy tê tê của Chính cùng đồng bọn có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi. Đặc biệt, vào thời điểm đó, trong cả nước chưa có cơ quan tư pháp nào xử lý hình sự đối với đối tượng có hành vi buôn bán vảy tê tê…”, chia sẻ những khó khăn trong quá trình điều tra, khám phá vụ án, Đại uý Phương Văn Thành nhớ lại. Theo kế hoạch, Đại uý Phương Văn Thành được giao nhiệm vụ kiểm tra, bắt giữ Chính cùng các đối tượng liên quan khi đến địa điểm giao nhận hàng là vảy tê tê; nhanh chóng đấu tranh, khai thác ngay các đối tượng để cung cấp thông tin cho các tổ công tác khác có biện pháp ngăn chặn… Sau một thời gian theo dõi, ngày 29/3/2021, tổ công tác của hai đơn vị phối hợp phát hiện hai chiếc xe ô tô nghi vấn tại khu vực xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Xác định đây là thời điểm phá án thích hợp, trinh sát của hai đơn vị nghiệp vụ đã tiến hành kiểm tra, đưa các đối tượng có liên quan về trụ sở gồm: Nguyễn Văn Sự (SN 1980, trú tại thị trấn Hợp Hoà, Tam Dương, Vĩnh Phúc); Gu Hoang Fei (SN 1984, quốc tịch Trung Quốc); Nguyễn Thị Chính và Hoàng Thị Hiền Phương (SN 1984, trú tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Ngay sau khi bắt giữ đối tượng, anh đã trực tiếp đấu tranh với Chính và Nguyễn Văn Sự để khai thác triệt để, làm rõ nguồn gốc số vảy tê tê và địa điểm cất giấu hàng. Từ lời khai của hai đối tượng, anh đã đề xuất tiến hành lệnh khám xét khẩn cấp đối với nơi ở của gia đình ông Vũ Văn Tám; lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Hà (SN 1988, trú tại Hợp Hoà, Tam Dương, Vĩnh Phúc), đối tượng có hành vi giúp sức cho Chính trong việc thực hiện cất giấu vảy tê tê tại nhà ông Vũ Văn Tám.
Trong vụ án này, để chứng minh được hành vi phạm tội “Buôn bán hàng cấm và vận chuyển hàng cấm” của các đối tượng phải định giá được giá trị số vảy tê tê nêu trên. Sau khi tham khảo tài liệu, được biết hiện trong toàn quốc chưa có cơ quan tố tụng nào bắt và xử lý hình sự đối với các đối tượng có hành vi buôn bán vảy tê tê và vận chuyện vảy tê tê với khối lượng lớn như vậy. Vì thế, tôi đã chủ động tìm hiểu và liên hệ với Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá vi phạm hành chính là đơn vị có đủ điều kiện để ra chứng thư thẩm định giá, giá trị vảy tê tê, Đại uý Phương Văn Thành cho biết. Căn cứ vào tài liệu thẩm định giá, anh đã báo cáo đề xuất lãnh đạo đơn vị trưng cầu Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự đã xác định tổng số vảy tê tê thu giữ có giá trị hơn 1,3 tỷ đồng. Đây là căn cứ quan trọng để khởi tố vụ án hình sự; chứng minh hành vi phạm tội của các bị can.
Trong quá trình tham gia chuyên án này, có một kỷ niệm Đại uý Phương Văn Thành đặc biệt ấn tượng đó là quá trình đấu trí với đối tượng Nguyễn Thị Hà. Sau khi về trụ sở, Hà có thái độ không hợp tác. Đối tượng chống đối bằng cách tuyệt thực, không khai báo bởi Hà có niềm tin cho rằng cơ quan điều tra không có tài liệu, chứng cứ để buộc tội Hà. Khi ấy, Đại uý Phương Văn Thành đã không quản vất vả, tỉ mỉ tìm hiểu hoàn cảnh của Hà. Cùng với việc giáo dục, thuyết phục Hà, với tư cách là cán bộ thụ lý vụ án, anh đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng. Đây là chuyên án từ khâu thu thập thông tin cho đến đấu tranh, bắt giữ đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, củng cố vững chắc về tài liệu, chứng cứ đấu tranh với tội phạm; đề nghị truy tố 4 đối tượng về hành vi “Buôn bán hàng cấm”; 1 đối tượng về hành vi “Vận chuyển hàng cấm”.
2. Tâm sự với chúng tôi, Đại úy Phương Văn Thành cho biết: Điều tra khám phá án, chứng minh tội phạm là một việc khó; công việc của một điều tra viên vì thế tiềm ẩn nhiều rủi ro và áp lực rất nặng nề. Trong quá trình ấy, điều tra viên phải thể hiện bản lĩnh của người cán bộ trong quá trình “đấu trí” với tội phạm; buộc phải khai nhận tội một cách tâm phục, khẩu phục là một việc khó. Đấu trí đã khó, đấu lý với những quan điểm trái chiều, của các cơ quan có thẩm quyền, bảo vệ được thành quả điều tra càng không dễ dàng. Tuy nhiên, chính từ những cái khó này, đã tạo ra được một động lực mạnh mẽ, tích cực. Vụ án càng khó, tội phạm hoạt động càng tinh vi, quan điểm càng trái chiều thì càng làm cho người Cảnh sát điều tra vững vàng hơn, trưởng thành hơn.
Ngoài tham gia các vụ án, Đại uý Phương Văn Thành còn được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch kiểm tra của Công an TP nói chung và của Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an thành phố nói riêng. Thời gian qua, Đại úy Phương Văn Thành đã tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng xây dựng 5 chương trình, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm; thanh tra, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra… Trong đó, anh ấn tượng nhất là việc xây dựng “Đề án củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra thuộc Cơ quan CSĐT trong Công an TP Hà Nội”. Đề án sau khi được ban hành, đến nay đã góp phần đổi mới, nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, tố tụng trong Công an TP. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của lực lượng CSĐT… Với thành tích này, Đại uý Phương đã được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen. Đại uý Phương Văn Thành cho biết: Trong quá trình này, anh được phân công báo cáo tiến độ thực hiện việc xây dựng đề án cũng như xây dựng tờ trình; tham mưu lãnh đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT có văn bản, xin ý kiến của các đơn vị trong Công an TP Hà Nội góp ý. Sau khi có ý kiến của các đơn vị, cá nhân, anh tiếp tục được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến và phản biện các nội dung, ý kiến tiếp thu hoặc không tiếp thu các ý kiến của các đơn vị để báo cáo Thường vụ Đảng uỷ Ban Giám đốc Công an TP xin ý kiến phê duyệt.
Trong quá trình đó, bên cạnh thuận lợi là sự quan tâm, phối hợp của các phòng nghiệp vụ, anh và đồng đội cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Vào thời điểm đó, Bộ Công an nói chung và Công an các tỉnh thành trong toàn quốc nói riêng chưa ban hành Đề án nào có tính chất, vai trò tương tự như đề án do Công an TP Hà Nội giao cho Văn phòng Cơ quan CSĐT nghiên cứu, xây dựng nên không có tài liệu tham khảo để nghiên cứu phục vụ việc xây dựng đề án. Thành viên của tổ đề án chưa có kinh nghiệm trong công tác tham mưu, xây dựng dự án, đề án cấp thành phố và quy mô triển khai lớn hơn nhưng các thành viên của tổ công tác vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn. Có những thời điểm, họ phải thức thâu đêm để nghiên cứu tài liệu, chỉnh sửa, hoàn thiện đề án và dự thảo quyết định phê duyệt, ban hành đề án để trình Giám đốc Công an TP Hà Nội duyệt ký ban hành…
Cùng với đó, anh tham gia công tác kiểm tra, hướng dẫn chấp hành pháp luật trong hoạt động tố tụng, đây là một phần việc không dễ dàng. Thực tế cho thấy, các vụ án cần thỉnh thị phần lớn là việc khó khăn, vướng mắc. Trong sự việc này, nếu việc giải quyết không phù hợp sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Một số vụ việc nhạy cảm còn ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn. Vì thế, trước mỗi sự việc, Đại uý Phương Văn Thành đều thận trọng xác minh, để có những câu hỏi sớm nhất giúp cơ quan điều tra các cấp giải quyết tình hình.
Mới đây, anh đã trực tiếp tham gia trinh sát và đề xuất Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội duyệt kế hoạch bắt giữ, khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên” xảy ra tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Đây là vụ án có tính chất nhạy cảm, phức tạp được dư luận đặc biệt quan tâm bởi hành vi, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội phức tạp; khó chứng minh bởi các đối tượng đã tiêu huỷ chứng cứ khi bị bắt giữ. Quá trình triển khai các biện pháp nghiệp vụ và thực hiện việc điều tra, anh đã tham mưu với lãnh đạo Công an TP chỉ đạo phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường để bắt giữ và bước đầu đã khởi tố 9 bị can, gồm: Nguyễn Bá Quốc, Nguyễn Thị Sỹ, Nguyễn Văn Tác, Đinh Đức Soạn, Đỗ Đăng Biển, Trần Văn Hưng, Nguyễn Thị Yến, Kiều Văn Hoàng, Ngô Văn Thỉnh. Hiện vụ án đang được tích cực điều tra để củng cố chứng cứ và mở rộng điều tra, xử lý đối với các đối tượng khác có liên quan.
Với những kết quả, thành tích đã đạt được, nhiều năm liên tiếp từ năm 2020 đến 2022, anh đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua; được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen và được đề nghị tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND…
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2381 Trong tuần: 13371 Trong tháng 63868 Tất cả: 16213172