1. Tối 21/2/2023, PV Báo CAND theo chân tổ công tác phối hợp của Công an phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu (Đà Nẵng) có mặt tại khu vực chợ Xếp và 2 tuyến đường Trưng Nữ Vương, Duy Tân để trao hơn 30 suất cơm, nước uống cho công nhân vệ sinh môi trường, người lao động, người bán vé số dạo, lái xe ôm công nghệ dọc tuyến đường này. Đây là hoạt động từ thiện thường xuyên của CBCS Công an phường Hòa Thuận Đông.
Cũng trong đêm ấy, dù trời đang mưa phùn, gió lạnh trái mùa, chúng tôi vẫn cảm thấy ấm lòng bởi câu chuyện “Ngân hàng máu nóng, cứu người như cứu hỏa" của Công an phường Hòa Thuận Đông. Cuối năm 2022, Đà Nẵng bỗng “nóng” với hàng nghìn trường hợp người dân mắc sốt xuất huyết (SXH). Nhiều bệnh viện quá tải; nhiều ca bệnh nguy kịch, đang cần gấp tiểu cầu nhiều nhóm máu.
Sáng 26/12/2022, có nhiều người bị SXH nhập viện trong tình trạng nguy kịch, cần hỗ trợ gấp 3 đơn vị tiểu cầu, trong đó có một trường hợp thuộc nhóm máu hiếm... Nhận được tin này, dù đang trong ca trực nhưng Trung tá Cao Lê Duy Hùng, Trưởng Công an phường cùng 2 CBCS đã nhanh chóng có mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng, hiến tiểu cầu, kịp thời cứu các bệnh nhân.
Có lần, một bác sĩ kể cho chúng tôi biết, so với hiến máu thông thường, hiến tiểu cầu có quá trình lâu hơn, phải nhờ sự can thiệp của máy móc hiện đại để gạc tách. “Số người hiến tiểu cầu còn hạn chế nên hành động kịp thời của các CBCS Công an Hòa Thuận Đông đã góp phần cùng lực lượng y tế cứu giúp bệnh nhân, đồng thời tô thắm thêm hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND hết mình vì nhân dân phục vụ”, vị bác sĩ này cho biết.
Là một trong 3 CBCS tham gia hiến máu cứu bệnh nhân SXH nguy kịch hôm đó, Thượng úy Trần Anh Khoa chia sẻ, mặc dù quân số hạn chế nhưng Hòa Thuận Đông là Công an phường đầu tiên của quận, thành phố thành lập “Tổ ngân hàng máu hiếm” thường xuyên liên kết với Hội Chữ thập đỏ, các bệnh viện để sẵn sàng, kịp thời hiến máu cứu người. 100% CBCS đăng ký, với số lần đã tham gia hiến máu đều từ 15-30 lượt/mỗi người.
Bản thân Khoa trong năm 2022 vừa rồi cũng đã 5 lần kịp thời hiến máu hiếm, tách tiểu cầu cứu bệnh nhân. Trong đó có trường hợp giúp bé gái T.G (12 tuổi, quê Quảng Nam) đang điều trị ung thư máu tại Bệnh viện được bổ sung lượng tiểu cầu khẩn cấp, giúp cháu qua nguy kịch. Đây là lần thứ 2 trong năm, anh hiến tiểu cầu cho bé T.G. Khoa kể, bé G là con của một đồng chí cán bộ Công an huyện Tây Giang vừa mới mất do bệnh nặng.
2. 10 năm công tác tại Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông – Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Nẵng, Đại úy Huỳnh Minh Hoàng đã cùng đồng đội chữa cháy hàng chục vụ, 30 lượt cứu nạn, cứu hộ. Đích thân anh đã trực tiếp cứu sống 2 nạn nhân đuối nước trên sông Hàn, vớt hàng chục thi thể nạn nhân. Kể về vụ cứu người đầu tiên vào sáng 26/7/2019, anh nhớ lại, trên đường đến điểm diễn tập phương án PCCC và CNCH trên sông Hàn, tổ của anh gồm 6 người phát hiện các thuyền viên trên tàu cá ĐNa 77112 vẫy tay kêu cứu. “Ngay lập tức, chúng tôi tiếp cận tàu cá. Khi nghe báo có người lặn bắt chip chip dưới sông đang bị nạn, chúng tôi lao xuống nước đưa nạn nhân lên cano, khẩn trương sơ cấp cứu. Sau khi được cứu sống, nạn nhân là anh Nguyễn Văn Nhớ (SN 1980, thường trú tại chung cư Làng cá Thuận Phước, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đã đến đơn vị để cảm ơn anh em chúng tôi”, Đại úy Huỳnh Minh Hoàng kể.
Còn nhớ, vào năm 2022, từng có một chiến sĩ Công an đã khéo léo vừa thuyết phục, vừa kịp ngăn nam thanh niên đang vắt vẻo trên thành cầu Thuận Phước – một trong những cầu dài nhất bắc qua sông Hàn. Chiến sĩ đó chính là Đại úy Huỳnh Minh Hoàng. Trước trường hợp này, anh từng cứu 4 người định gieo mình xuống dòng nước xiết, hung hãn phía dưới... “Cầu Thuận Phước bắc qua sông Hàn nổi tiếng xinh đẹp như vậy, thế mà lại là nơi nhiều người tìm đến để rũ bỏ cuộc sống khiến nó được nhắc đến như một điểm đen. Tính từ đầu 2022 đến nay đã có 17 người tự vẫn tại cây cầu này”, Đại úy Huỳnh Minh Hoàng day dứt.
Không chỉ nỗ lực, chạy đua với tử thần để cứu người nhảy sông tự tử, Đại úy Huỳnh Minh Hoàng còn được người dân tin yêu khi anh có 20 lần hiến máu tình nguyện, 3 lần hiến tiểu cầu (B+) khẩn cấp cho nạn nhân cấp cứu, nguy kịch tại bệnh viện. Đặc biệt nhất phải kể đến lần anh cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy 3 tàu cá trong sáng ngày mùng 3 Tết (14/2/2021). “Hôm đó, vừa về đến đơn vị thì tôi nghe có một người bệnh ở Bệnh viện Đà Nẵng đang nguy kịch, cần gấp nhóm tiểu cầu B+. Đang còn mặc nguyên bộ đồ cứu hộ, cứu nạn lấm lem khói, tôi lập tức báo cáo chỉ huy đơn vị rồi chạy thẳng tới bệnh viện…”, anh kể. Trong năm 2022, anh là một trong những điển hình tiên tiến của Công an TP Đà Nẵng được biểu dương, tôn vinh nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND và là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
3. Ngày cuối tháng 2/2023, tôi gặp người cách đây chưa lâu đại diện cho TP Đà Nẵng ra thủ đô Hà Nội dự lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Anh là Trung tá Phan Quang Pháp, Trưởng trạm CSGT Cửa ô Hòa Hải – Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Đà Nẵng. Tính đến nay, anh đã hơn 40 lần hiến máu cứu người. Anh bắt đầu thực hiện nghĩa cử cao đẹp này từ năm 1995, ngay khi mới vào ngành Công an.
Vào thời điểm tháng 9/2021, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương của cả nước bị đại dịch COVID-19 hoành hành, hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chỉ đạo Hiến máu tình nguyện Đà Nẵng về hiến máu đột xuất cho Bệnh viện Đà Nẵng, anh cùng 5 CBCS cùng đơn vị đã xung kích tham gia đăng ký hiến 350ml máu/đồng chí để bổ sung nguồn máu khẩn cấp cho bệnh viện cứu chữa bệnh nhân COVID-19.
"Làm nhiệm vụ tuyến đầu ngay cửa ngõ vào Đà Nẵng, anh em CSGT như chúng tôi không quản ngại khó khăn, gian khổ để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Việc hiến máu, cứu bệnh nhân COVID-19 vào thời điểm đó là mệnh lệnh của trái tim”, Trung tá Phan Quang Pháp bộc bạch.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3347 Trong tuần: 12796 Trong tháng 74872 Tất cả: 17168376